"Hỏa thần" HIMARS tập kích chính xác, phá hủy cùng lúc 2 pháo tự hành Nga
(Dân trí) - Một đoạn video được đăng tải đã ghi lại cảnh 2 pháo tự hành 2S1 Gvozdika của Nga bị phá hủy sau đòn tập kích từ pháo phản lực HIMARS.
Trang mil.in.ua hôm 12/3 đăng tải một đoạn video do các binh sĩ Ukraine quay, trong đó ghi lại cảnh 2 pháo tự hành 2S1 Gvozdika cỡ nòng 122mm của Nga bị phá hủy sau đợt tập kích từ Ukraine tại khu vực Donetsk.
Theo đoạn video trên, vũ khí được quân đội Ukraine sử dụng trong loạt tập kích này là các pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ viện trợ. Hai pháo tự hành của Nga đã bị phát hiện bởi các máy bay không người lái (UAV) trinh sát của Ukraine. UAV này sau đó đã chỉ điểm cho pháo binh Ukraine khai hỏa "hỏa thần" HIMARS. Các pháo tự hành của Nga đã bị phá hủy chỉ sau một loạt đạn.
2S1 Gvozdika là lựu pháo tự hành được thiết kế và chế tạo từ những năm 1960 dưới thời Liên Xô. Đặt trên khung gầm cơ sở của xe bọc thép chở quân MT-LB, pháo tự hành này được trang bị một khẩu đại bác 2A18 cỡ nòng 122mm với mục tiêu tiêu diệt và chế áp lực lượng cơ động và hỏa điểm bộ binh, phá hủy công sự dã chiến, bãi mìn và chướng ngại vật cũng như chiến đấu chống lại các vũ khí hạng nặng của đối phương.
Pháo tự hành 2S1 Gvozdika có chiều dài hơn 7m, rộng gần 3m và nặng khoảng 16 tấn. Với trang bị động cơ YaMZ-238N công suất 300 mã lực, pháo tự hành này có thể di chuyển với tốc độ lên tới 60km/h trong phạm vi 500km. Ngoài ra, 2S1 Gvozdika còn có khả năng lội nước ở tốc độ 4,5km/h.
Bên cạnh đại bác 2A18, pháo tự hành 2S1 Gvozdika được trang bị lớp giáp dày tới 20mm cùng một số loại súng máy để yểm trợ tầm gần. Theo một số nguồn tin, tầm bắn của pháo tự hành này là 15,3km và có thể lên tới 21,9km nếu sử dụng đạn tăng tầm.
Tại Ukraine, 2S1 Gvozdika thường xuyên được điều động đến các vùng chiến sự nóng bỏng như Kherson hay Donbass với mục đích yểm trợ hỏa lực cho các lực lượng Nga. Theo thống kê, quân đội Nga đang sở hữu khoảng hơn 600 tổ hợp 2S1 Gvozdika trong biên chế.
Về HIMARS, đây là tổ hợp pháo phản lực cơ động cao do Mỹ cung cấp cho Ukraine. Tổ hợp này có tầm bắn khoảng 80km đối với đạn pháo thông thường và có thể lên tới 300km với tên lửa chiến thuật. Sau khi được Mỹ chuyển giao HIMARS, quân đội Ukraine đã liên tục tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào tuyến đường tiếp vận và mục tiêu quân sự quan trọng của Nga, gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng cho lực lượng Nga tại Ukraine.
Chính vì uy lực mạnh mẽ của HIMARS, quân đội Nga đã thành lập một mạng lưới đặc vụ dày đặc với nhiệm vụ truy tìm và phá hủy các pháo phản lực này.