1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Họa phúc khó lường

Quốc hội Nhật Bản đã thông qua luật an ninh mới. Với động thái này, việc Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền phòng vệ tập thể đã trở thành hiện thực.

Họa phúc khó lường - 1

Đồng thời “cởi trói” cho Nhật Bản thoát khỏi tình trạng là một quốc gia chỉ được phòng thủ để trở thành quốc gia có khả năng tấn công và mở ra một thời kỳ mới cho việc thay đổi vai trò của Nhật Bản trong khu vực.

Chuyển từ phòng thủ sang tấn công

Dự luật an ninh được dư luận gọi là dự luật chiến tranh hay dự luật đưa quân ra nước ngoài, bởi vì nó cho phép Nhật Bản thi hành quyền phòng vệ tập thể, mở rộng hoạt động quân sự của lực lượng phòng vệ ở trong và ngoài nước. Theo một số chính khách Nhật Bản, cho dù nước này chưa bị tấn công trực tiếp, chỉ cần cảm thấy bị “đe dọa,” cũng có thể sử dụng vũ lực với đối phương. Điều này đã làm thay đổi tính chất của lực lượng phòng vệ, từ chuyên về phòng thủ trong quá khứ chuyển sang mang tính tấn công, từ đó sẽ kéo Nhật Bản vào nguy cơ chiến tranh lớn.

Vì sao chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ các đảng đối lập và dân chúng trong nước, thậm chí không ngại xóa bỏ hình tượng “quốc gia hòa bình” của Nhật Bản và bảo vệ cơ chế hòa bình phồn vinh của Nhật Bản sau chiến tranh, để quyết tâm thúc đẩy dự luật an ninh? Có 2 nguyên nhân chính: Một là nhu cầu bình thường hóa quốc gia của Nhật Bản, hai là chiến lược tái cân bằng phối hợp cùng với Mỹ quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương.

Chính phủ và nhân dân Nhật Bản cũng cho rằng trật tự quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã sớm có sự thay đổi lớn, tại sao vẫn dùng cơ chế xác lập từ thời kỳ đầu sau chiến tranh để trói buộc Nhật Bản, điều này không công bằng, huống hồ Nhật Bản cho đến nay là quốc gia phát triển của xã hội dân chủ, không có lý do gì để không cho phép Nhật Bản được hưởng đầy đủ chủ quyền, là một quốc gia bình thường. Nhìn từ góc độ này, việc thông qua dự luật an ninh thực sự là có cơ sở dân ý.

Bề ngoài, lý do Nhật Bản trở thành quốc gia bình thường dường như không có gì là bất hợp lý, nhưng cộng đồng quốc tế lại coi trọng thực lực. Nhật Bản cho đến nay cũng cho rằng họ đã có đủ thực lực để cởi bỏ “chiếc gông” trên cổ mình và khâu quan trọng và khó khăn nhất là sửa đổi Hiến pháp hòa bình, đặc biệt là điều 9, bởi vì chủ quyền của một quốc gia thể hiện nổi bật nhất trên lĩnh vực ngoại giao đặc biệt là quốc phòng, quốc gia chủ quyền cần phải có quyền quốc phòng, trong khi Hiến pháp hòa bình đã giới hạn hoàn toàn quyền quốc phòng của Nhật Bản.

Lý do nó bị thế lực cánh hữu Nhật Bản coi là cái gai trong mắt cũng là đương nhiên. Tuy nhiên, mức độ khó khăn khi trực tiếp sửa đổi hiến pháp quá lớn, hơn nữa có thể bị Mỹ phản đối, nhưng bằng các biện pháp linh hoạt ứng biến, trở ngại sẽ bớt đi nhiều. Vì vậy, sau khi ông Abe lên nắm quyền lần thứ hai, việc thúc đẩy luật an ninh chính là một sứ mệnh to lớn của ông.

Họa phúc khó lường - 2

Luật an ninh mới đã “cởi trói” cho quân đội Nhật Bản

Nhằm mục tiêu vào Trung Quốc

Chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ đã đem đến cơ hội cho chính quyền Abe trong việc thúc đẩy luật an ninh mới. Một mặt, chính quyền Abe có thể nhân cơ hội này bày tỏ với Mỹ rằng luật an ninh mới là để đẩy mạnh liên minh Mỹ - Nhật, phối hợp tốt hơn với Mỹ để đáp ứng nhu cầu của chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương; mặt khác, Chính phủ Mỹ cũng thực sự cần Nhật Bản giúp đỡ trong chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương.

Mục đích chủ yếu của chiến lược này là nhằm vào Trung Quốc, cho dù thực lực tổng hợp và thực lực quân sự của Mỹ vẫn thống trị toàn cầu, nhưng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính làm cho kinh tế và sức mạnh quân sự của Mỹ về tổng thể bị giảm bớt, trong khi Trung Quốc lại có xu thế mở rộng. Ngoài ra, đúng như báo cáo của Công ty tư vấn RAND công bố gần đây, Trung Quốc có ưu thế về địa lý trong cuộc đối kháng quân sự Trung - Mỹ, có khả năng hóa giải ưu thế quân sự của Mỹ.

Trong tình hình này, xu thế dựa vào liên minh Mỹ - Nhật để đối phó với thách thức từ Trung Quốc đang xuất hiện ngày càng rõ ràng. Và nếu muốn Nhật Bản tình nguyện cống hiến sức lực cho Mỹ, đương nhiên phải cho Nhật Bản hưởng lợi, vì vậy Mỹ có thái độ lạc quan vui vẻ đối với việc Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền phòng vệ tập thể. Đối với Mỹ, có lẽ còn có một ý đồ, đó là để hai nước Trung - Nhật đối đầu với nhau, Mỹ “tọa sơn quan hổ đấu”.

Cho dù là mong muốn bình thường hóa quốc gia, hay là giúp sức cho liên minh Mỹ - Nhật, thì một đối tượng bên ngoài mà luật an ninh do chính quyền Abe thúc đẩy nhằm vào chính là Trung Quốc. Ý đồ nhằm vào Trung Quốc rất rõ ràng. Chính quyền Abe cũng không phủ nhận điều này.

Chính quyền Abe sở dĩ phải “tích cực” coi Trung Quốc là kẻ thù, có thể là xuất phát từ cảm giác bất an vốn có của dân tộc quốc đảo này đối với Trung Quốc, cho rằng sau khi Trung Quốc trỗi dậy, sẽ khôi phục trật tự khu vực trong lịch sử mà Trung Quốc chủ đạo tại Đông Á, đến lúc đó Nhật Bản sẽ phải chịu sự áp đặt của Trung Quốc, thậm chí là Trung Quốc sẽ trả mối thù Chiến tranh kháng Nhật 70 năm trước. Ông Abe thúc đẩy mạnh mẽ dự luật an ninh không những là mạo hiểm với sinh mệnh chính trị của bản thân mình, cũng là đặt cược vận mệnh của đất nước Nhật Bản.

Theo Hồng Phúc

An ninh Thủ đô

Họa phúc khó lường - 3