1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hòa bình cho Ukraine còn lắm gian nan

Các cuộc xung đột tại khu vực miền Đông Ukraine vẫn đang tiếp diễn khiến hòa bình tại đây ngày càng khó thực hiện.

Căn cứ theo thỏa thuận hòa bình ở Minsk, các bên tại Ukraine ngày mai (24/2) bắt đầu phải rút vũ khí hạng nặng ở khu vực xung đột tại miền Đông. Tuy vậy, các cuộc xung đột tại khu vực miền Đông Ukraine vẫn đang tiếp diễn khiến hòa bình tại đây ngày càng khó thực hiện.
 
Ông Eduard Basurin- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho biết, theo thỏa thuận hòa bình Minsk, việc thu hồi pháo sẽ bắt đầu vào ngày 24/2 và sẽ chấm dứt không muộn hơn 14 ngày nữa.
 
Phe đối lập ở miền Đông Ukraine (ảnh: AP)

Phe đối lập ở miền Đông Ukraine (ảnh: AP)

Về phía quân đội Ukraine, Tướng Olexander Rozmaznin cho biết, cả chính quyền Kiev lẫn lực lượng dân quân đối lập trong cuộc xung đột ở miền Đông nước này đã nhất trí rút các vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tiền tuyến theo thỏa thuận ngừng bắn có được trong cuộc đàm phán hòa bình ở Minsk và được Liên Hợp Quốc ủng hộ.

 Việc triệt thoái vũ khí hạng nặng là một phần của thỏa thuận giải quyết khủng hoảng tại Ukraine do các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Đức và Ukraine bảo trợ. Theo thỏa thuận này việc thu hồi vũ khí hạng nặng phải bắt đầu không muộn hơn hai tuần sau khi lệnh ngừng bắn chính thức có hiệu lực. Lệnh ngừng bắn mới chính thức có hiệu lực từ ngày 15/2.

Liên quan đến việc rút vũ khí hạng nặng, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 22/2 cũng kêu gọi được tiếp cận nhiều hơn khu vực miền Đông Ukraine để giám sát việc rút vũ khí của các bên.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Alexander Hug - Phó trưởng đoàn giám sát của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu tại miền Đông Ukraine cho biết: “Các bên đã nhất trí rằng, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu cần có trách nhiệm giám sát và kiểm tra quá trình rút vũ khí hạng nặng. Nhiệm vụ này để nói lên sự thật-Điều mà phái đoàn giám sát của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu đang tiến hành rất nghiêm túc. Chúng tôi yêu cầu các bên cung cấp cho chúng tôi thông tin cơ bản bao gồm vũ khí hạng nặng ở đâu, những tuyến đường mà các bên rút vũ khí và nơi mà các bên cất vũ khí này đi”.

Tuy vậy, bất chấp thỏa thuận Minsk mà các bên vừa ký kết, theo hãng tin Ria-Novosti của Nga, lực lượng đối lập và binh lính chính quyền Kiev ngày 22/2 giao tranh vẫn xảy ra tại làng Shirokino, gần Mariupol. Súng cối, súng phóng lựu, vũ khí hạng nhẹ cũng như xe tăng đã được sử dụng trong cuộc giao tranh. Về phía Cộng hòa Nhân dân Donetsktự xưng cũng xác nhận giao tranh bùng phát tại làng Shirokino.

Các cuộc xung đột đang khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại miền Đông Ukraine trở nên trầm trọng. Hiện chương trình lương thực Liên Hợp Quốc đang mở rộng quy mô chiến dịch cứu trợ khẩn cấp cho 190.000 người rơi vào cảnh khốn khó do chiến sự ở miền Đông Ukraine.

Bà Abeer Etefa, người phát ngôn Chương trình lương thực Liên Hợp Quốc cho biết: “Ở những khu vực mà các khu chợ vẫn còn hoạt động, chương trình lương thực của Liên Hợp Quốc cung cấp viện trợ dưới dạng các phiếu mua hàng. Còn những nơi gần khu vực chiến sự, chúng tôi cung cấp các khẩu phần lương thực cho người dân. Nhưng nó như muối bỏ bể thôi bởi nhu cầu rất lớn. Bây giờ chúng tôi đang tập trung lương thực với hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ giúp chúng tôi tiếp cận được với hơn 60.000 người đang bị mắc kẹt ở khu vực biên giới”.

 Trong vài tháng tới, chương trình lương thực của Liên Hợp Quốc sẽ tăng viện trợ lương thực để đáp ứng nhu cầu của hơn 110.000 người ở các vùng chiến sự, nơi các nguồn cung cấp lương thực bị hạn chế.

Theo ước tính, hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Cuộc sống của nhiều người đã trở nên kiệt quệ vì không có nhà cửa, tiền bạc và công việc trong khi tình hình chiến sự vẫn tiếp tục chưa có dấu hiệu chấm dứt./.

Theo Anh Tuấn/VOV- Trung tâm Tin Tổng hợp