1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Họ lại nói một đằng, làm một nẻo

Một lần nữa Trung Quốc lại công khai thể hiện kiểu “nói không đi đôi với làm” khi Phó chủ tịch tỉnh Hải Nam Đàm Lực ngang nhiên cho biết, sẽ cho phép du khách tới tham quan quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước thềm kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5.

Thông tin này xuất hiện cùng thời điểm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường đối thoại và liên lạc với các nước ASEAN để cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.  

Tiền hậu bất nhất

Ngày 6/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường đối thoại và liên lạc với các nước ASEAN để cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Tuyên bố này được đưa ra khi ông Tập Cận Bình tiếp Quốc vương kiêm Thủ tướng Brunei Hassanal Bolkiah, Tổng thống Myanmar Thein Sein và lãnh đạo các nước kể trên đều cho rằng, tất cả các bên cần tuân thủ tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở Biển Đông.

Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah cho rằng, các bên liên quan tại Biển Đông cần kiên trì tìm kiếm giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hiệp thương trên tinh thần DOC.

Cũng trong ngày 6/4, Phó chủ tịch tỉnh Hải Nam Đàm Lực ngang nhiên cho biết, Bắc Kinh dự kiến cho phép du khách tới tham quan quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước thềm kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Phó chủ tịch Đàm Lực cho biết, sau khi thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, việc bảo vệ quyền lợi biển tại Biển Đông của Trung Quốc đã được tăng cường. Đây là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đi ngược tinh thần các cuộc trao đổi mà trong đó Trung Quốc khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094 Trung Quốc

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094 Trung Quốc

Tờ Tin tức Hải Nam của Trung Quốc cho biết, hiện một số công trình xây dựng cơ bản trái phép mà Bắc Kinh tiến hành tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” đang gấp rút hoàn thiện. Trong đó hạng mục được quan tâm nhất là bệnh viện nhân dân “thành phố Tam Sa” đang thi công giai đoạn cuối, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 6. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tân Hoa xã đưa tin, sáng 3/4, biên đội tàu Trung Quốc gồm 4 tàu chiến, 4 máy bay trực thăng và một tàu đổ bộ thuộc Hạm đội Nam Hải đã trở về cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam, sau hành trình 16 ngày dài gần 5.000 hải lý để thực hiện cái gọi là “huấn luyện trên biển”. Trung Quốc cho biết, sẽ tăng cường các cuộc diễn tập trên biển, đặc biệt tại khu vực Biển Đông, đồng thời đẩy mạnh việc tuần tra ở những vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Tân Hoa xã dẫn lời một tướng hải quân Trung Quốc: “Hoạt động huấn luyện ở biển xa mà Bắc Kinh không ngừng mở rộng sẽ được tiến hành thường xuyên, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là Trung Quốc đang thay đổi chính sách quốc phòng”. Theo ông Tưởng Vĩ Liệt, Tư lệnh Hạm đội Nam Hải - những hoạt động gần đây của Bắc Kinh chủ yếu là nhằm vào các nước láng giềng đang tồn tại tranh chấp chủ quyền lãnh hải hoặc lãnh thổ với Trung Quốc. Và nếu tranh chấp chủ quyền không thể thông qua đàm phán, Hải quân Trung Quốc sẽ toàn lực hỗ trợ chính phủ để chứng tỏ sức chiến đấu thực sự.

Theo kết quả nghiên cứu do nhóm của Giáo sư Daniel Pauly thuộc Đại học British Columbia (Canada) thực hiện cho thấy, lượng hải sản do Trung Quốc đánh bắt ở vùng biển quốc tế cao hơn nhiều so với con số trình lên Liên Hiệp Quốc. Tổng doanh thu của hoạt động này khoảng 8,9 tỉ euro. Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học đặt nghi vấn về việc “đánh bắt xa nhà” của tàu cá Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh ngành ngư nghiệp thế giới đang gặp nhiều khó khăn vì nguồn tài nguyên biển bắt đầu khan hiếm do khai thác quá mức.

Mỹ - Philippines tập trận cảnh báo Trung Quốc

Ngày 5/4, khoảng 8.000 lính Mỹ và Philippines bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung thường niên Balikatan kéo dài trong 9 ngày. Philippines khẳng định hoạt động này là thiết yếu để tăng cường năng lực phòng thủ trước mối đe dọa ngày càng lớn đến từ Trung Quốc. Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines, tướng Emmanuel Bautista tuyên bố, cuộc tập trận Balikatan năm nay đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ - Philippines và là lớn nhất kể từ khi hai nước bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận chung.

Nhân dịp này, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã cáo buộc Trung Quốc đang gây bất ổn tại châu Á với các hành động hung hăng, phi pháp ở Biển Đông. Ông Albert del Rosario cho rằng, tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền” quá mức, bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông không những tạo ra sự bất ổn trong khu vực, mà còn làm suy yếu các quy định của pháp luật quốc tế.

Theo báo cáo ngày 3/4 của cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ EIA, tại Biển Đông, nhất là khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa được chứng thực có nguồn dầu lửa hay khí đốt dồi dào. Nhận định này được đưa ra trong bản nghiên cứu “Các khu vực tranh chấp tại Biển Đông nhiều khả năng có ít tài nguyên dầu hỏa và khí đốt truyền thống”.

Theo EIA, cả khu vưc Biển Đông có khoảng 11 tỉ thùng dầu và 190 ngàn tỉ feet khối khí đốt (tương đương với 33 tỉ thùng dầu) nằm trong diện đã được chứng thực hay được xem là có thể có.

Mức này tương tự với trữ lượng dầu lửa đã được chứng thực của Mexico và bằng khoảng hai phần ba trữ lượng khí đốt đã được xác minh ở châu Âu (không tính đến Nga).

Ước tính này của EIA thấp hơn rất nhiều so với tính toán của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).

Theo số liệu do CNOOC công bố hồi tháng 11/2012, trữ lượng dầu của toàn khu vực Biển Đông nằm bên trong “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tự vẽ ra để đòi chủ quyền, lên đến 125 tỉ thùng, còn khí đốt khoảng 93 tỉ thùng.

Ngày 7/4, Hải quân Philippines cho biết, 2 chiến đấu cơ nghi là của Trung Quốc đã thâm nhập không phận đảo Thị Tứ của Việt Nam (hiện do Philippines chiếm đóng và đưa hơn 150 dân ra đây sinh sống) hôm 4/4. Vụ thâm nhập của máy bay chiến đấu này diễn ra một ngày trước khi Mỹ - Philippines bắt đầu cuộc tập trận chung Balikatan thường niên.

Cũng trong ngày 7/4, Cục Tuần duyên Đài Loan (CGA) thông báo, sẽ mở rộng cầu tàu ở đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam với kinh phí khoảng 640.000USD để nghiên cứu tác động về môi trường của dự án nâng cấp cầu tàu này trên đảo lớn nhất ở Biển Đông. Đài Loan sẽ chi tổng cộng 4,94 triệu USD trong hai năm để tăng cường năng lực phòng thủ ở Trường Sa, bất chấp phản đối của Việt Nam.

Trước đó (3/4), tờ tin tức GMA của Philippines dẫn nhận định của chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Mỹ chỉ ủng hộ Nhật Bản, Philippines một cách cầm chừng và sẽ “đạp phanh” nếu căng thẳng giữa 2 đồng minh này với Trung Quốc xấu thêm. Bởi Mỹ sẽ không bao giờ “sống mái” để bảo vệ Nhật Bản và Philippines cho dù Washington luôn tuyên bố ủng hộ các đồng minh của mình.

Tuy nhiên, tùy viên báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Philiippines Cynthia Cook không bình luận về nhận định của chuyên gia Trung Quốc.

Bàn về vấn đề tranh chấp chủ quyền, tài nguyên trên các vùng biển, trong đó có Biển Đông tại Hội nghị quan chức quốc phòng cao cấp các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+) diễn ra tại Brunei, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc, Trung tướng Thích Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc khẳng định: Thỏa thuận để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) là yếu tố then chốt trong giải quyết các vấn đề trên Biển Đông. Trong khi đó, trưởng đoàn Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Lippert phụ trách về Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, Washington ủng hộ tự do hàng hải và lưu thông trên biển, ủng hộ COC.

Trước đó, trang mạng quân sự “Strategy Page” Mỹ cho biết, gần đây, một tàu ngầm hạt nhân chiến lược trang bị tên lửa đạn đạo lớp 094 của Trung Quốc bị phát hiện đang chạy thử trên biển. Theo bài báo, Trung Quốc rất muốn sử dụng tàu ngầm hạt nhân chiến lược để tuần tra trên biển và đây là lý do tại sao đến nay tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc chưa từng tiến hành tuần tra chiến đấu. Được biết, Trung Quốc đã sản xuất 2 thế hệ tàu ngầm hạt nhân chiến lược, đó là tàu ngầm hạt nhân chiến lược 092 và tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094. Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang tập trung thiết kế tàu ngầm hạt nhân mới Type 096.

Mối tương quan Nhật - Hàn - Trung

Ngày 5/4, Hàn Quốc đã phản đối mạnh mẽ các tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản trong Sách Xanh liên quan tới quần đảo Dokdo/Takeshima. Seoul không những kêu gọi Tokyo lập tức rút lại tuyên bố chủ quyền biển đảo, mà còn triệu một nhà ngoại giao cấp cao tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Hàn Quốc để trao công hàm phản đối. Được biết, đa số người dân hai nước đều cho rằng, quan hệ Nhật - Hàn hiện đang ở mức xấu.

Theo mạng Tin tức châu Á, Nhật Bản đang tăng cường sức mạnh quốc phòng để đề phòng nguy cơ xảy ra xung đột với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lo ngại về xung đột có thể xảy ra tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tăng ngân sách quốc phòng lên khoảng 4.700 tỉ yen (41 tỉ euro) trong năm 2013 (lần đầu tiên trong 11 năm qua). Ngoài việc tăng cường mua sắm các trang thiết bị quân sự, Tokyo còn cho phép quân đội có phạm vi hoạt động lớn hơn với đội quân khoảng 240.000 người.

Tàu sân bay trực thăng Hyuga, lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản

Tàu sân bay trực thăng Hyuga, lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản

Theo giới quân sự, chỉ cần triển khai 1 máy bay P-3C là có thể kiểm soát toàn bộ vùng biển tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong khi Nhật Bản có gần 100 máy bay P-3C. Đây là một lực lượng mạnh tuần tra và săn ngầm - sát thủ đối với 63 tàu ngầm của hải quân Trung Quốc. Thông tin này xuất hiện khi tờ Hoàn cầu thời báo dẫn bài viết ngày 27/3 của tạp chí “Nhà ngoại giao” Nhật Bản với nhan đề “Hải quân Trung Quốc không có khả năng bảo vệ các tuyến đường hàng hải quan trọng, cần học hỏi Liên Xô/Nga”.

Ngày 6/4, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin, lực lượng không quân nước này đã hoàn thành cuộc diễn tập với sự tham gia của máy bay cảnh báo sớm và Nhật Bản là mục tiêu giả định. Cuộc diễn tập bắt đầu lúc 8h ngày 2/4, với sự tham gia của 3 máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 và đều được thiết kế hoạt động trong tình trạng thời tiết xấu như sương mù, gió mạnh, mưa. Và cuộc diễn tập đã đạt được nhiều đột phá, trong đó có tầm xa của máy bay cũng như thời lượng bay.

Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng, trong khi máy bay cảnh báo sớm giúp Trung Quốc cải thiện khả năng chỉ huy trên không và khả năng đối phó với các vụ thâm nhập của Nhật Bản, nhưng quân đội Trung Quốc vẫn thiếu một lượng máy bay lớn, cũng như phần mềm và triển khai tác chiến của loại máy bay này.

Giới quân sự cho rằng, những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông đang có nguy cơ bùng phát thành những cuộc xung đột có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với khu vực và thế giới. Bởi Trung Quốc không có cơ sở pháp lý theo luật hàng hải quốc tế để đòi chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, nhưng Bắc Kinh dường như đang tìm cách dựa vào sức mạnh quân sự ngày một tăng để thực hiện tham vọng của mình.

Điều đó được thể hiện qua những bước đi ngày một hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc ở những vùng tranh chấp trong thời gian gần đây. Ngoài ra, Trung Quốc còn cho rằng, họ thể hiện lập trường cứng rắn trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhằm giúp Bắc Kinh củng cố hình ảnh và uy tín khi phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề trong nước.

Ngày 4/4, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phát biểu tại Hội nghị quan chức quốc phòng cao cấp các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+) diễn ra tại Brunei: Là một quốc gia có bờ biển dài ven Biển Đông, Việt Nam luôn quan tâm và có trách nhiệm trong đảm bảo hòa bình, ổn định ở đây.

Việt Nam cam kết và đề nghị các bên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp đối thoại hòa bình, trên cơ sở công khai minh bạch, tôn trọng các điều ước quốc tế và khu vực trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông năm 2012 và cùng nhau nỗ lực để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Việt Nam đã và sẽ tiếp tục cố gắng cao nhất để đảm bảo tự do, an toàn và an ninh hàng hải quốc tế trên các vùng biển và khu vực thềm lục địa do Việt Nam quản lý.Việt Nam đề nghị các nước tuyệt đối không sử dụng vũ lực trong hành xử đối với ngư dân và những người lao động hòa bình trên biển. Phát biểu của Việt Nam đã được hội nghị đồng tình và nhiều đại biểu đánh giá cao.

Trước đó (2/4), hội nghị quan chức cao cấp quốc phòng ASEAN (ADSOM) cũng đã kêu gọi thúc đẩy hơn nữa hợp tác và sớm hiện thực hóa Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN (APSC).


Theo Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm