1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hình ảnh mới về một Việt Nam hội nhập

(Dân trí) - Khi đến Hà Nội, Tổng thống Mỹ sẽ chứng kiến một Việt Nam với nền kinh tế đang ngày một hưng thịnh, hoàn toàn khác với những gì mà ông đã từng được biết đến trong cuộc chiến tranh hơn 30 năm về trước. Đó là nhận định của tạp chí Time nhân chuyến thăm của Tổng thống Bush tới Việt Nam vào ngày hôm nay 17/11.

Theo Time, thước đo hữu hiệu nhất cho tốc độ thay đổi của Việt Nam là đường phố của Hà Nội. 15 năm trước, mọi con đường của thành phố im lìm dưới guồng quay lặng lẽ của những chiếc xe đạp. Nhưng giờ đây, những con phố ấy nườm nượp xe cộ, nhất là xe máy.

 

Tuần trước, Việt Nam giành được chiếc vé trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Và khi Tổng thống Bush đến Việt Nam vào cuối tuần này để tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC, ông sẽ được chứng kiến một quốc gia đang phát triển khác hẳn với những năm tháng chiến tranh và nghèo đói từng làm người dân nơi đây phải điêu đứng.

 

Hơn một nửa trong số 84 triệu dân Việt Nam đang ở độ tuổi dưới 30, những người được sinh ra sau cuộc chiến mà người Mỹ gọi là “American War”. Họ là thế hệ trải qua hai thập kỷ “đổi mới”, chương trình cải cách kinh tế đã xoá đói giảm nghèo từ hơn 60% dân số đầu những năm 1990 xuống còn ít hơn 20% ngày hôm nay.

 

Sau Trung Quốc, Việt Nam hiện là nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất châu Á, với xuất khẩu đạt trên 24% trong năm nay. Và giống như Trung Quốc, Việt Nam đang hi vọng việc gia nhập WTO sẽ làm tăng vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu.

 

Một số công ty Mỹ đã bắt đầu chú ý tới Việt Nam. Tuần trước, Intel tuyên bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy vi mạch điện tử lớn nhất thế giới ở TPHCM (Sài Gòn trước kia). Các nhà máy ký kết với hãng Nike tuyển 160.000 nhân công, và gần đây đã tăng sản xuất hàng năm lên 70 triệu đôi giày, biến Việt Nam thành nguồn cung giày lớn thứ hai thế giới của Nike, sau Trung Quốc.

 

Có thể nhìn thấy rõ Việt Nam có môi trường thu hút các nhà đầu tư như thế nào: Lực lượng lao động Việt Nam có trình độ, trẻ, ngày một lớn mạnh, trong khi giá nhân công rẻ hơn so với các thành phố ven biển của Trung Quốc. Ngoài ra, chế độ một đảng đã tạo ra sự ổn định xã hội nhất định, và chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu đã hứa sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế.

 

Nhưng điều quan trọng nhất, đó là con người Việt Nam, họ là những người chăm chỉ và luôn khát khao hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. “Tôi nhận thấy niềm đam mê và khát vọng thống trị nơi đây, cũng giống như ở Trung Quốc” - Rick Howarth, Tổng giám đốc mới của Intel ở Việt Nam nhận xét.

 

Khi WTO mở cửa thị trường Việt Nam cho các công ty nước ngoài, các ngân hàng và nhà bảo hiểm Mỹ sẽ cùng nhau đổ xô vào nhóm người tiêu dùng đang ngày một phát triển mạnh ở đây. Hiện chỉ có dưới 5% người dân Việt Nam có tài khoản ở ngân hàng hoặc các chế độ bảo hiểm khác. Vì vậy trong lĩnh vực này các công ty nước ngoài có thể sẽ chiếm tỷ lệ lớn hơn các công ty nhà nước.

 

Bà Lê Tố Nga, 65 tuổi là người đã từng trải qua cuộc chiến chống Mỹ và đã từng phải xếp hàng mua thực phẩm những năm 1980. Nhưng hôm nay, bà hạnh phúc điền tên mình vào thẻ mua hàng ở Big C, một siêu thị lớn do Pháp đầu tư mới mở ở Hà Nội. “Mua sắm giờ đây không còn là vấn đề yêu nước hay không nữa. Chúng tôi có thể mua những gì chúng tôi thích” - bà cho biết.

 

Tuy nhiên, theo tạp chí Time, con đường gia nhập nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam không phải không có chông gai. Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như tệ nạn tham nhũng, quan liêu. Và trở ngại lớn nhất đó là thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ thông qua cơ chế thương mại bình thường vĩnh viễn PNTR với Việt Nam, dự luật đã không được Hạ viện Mỹ thông qua hồi đầu tuần, do không giành được 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết. 

 

Phan Vũ

Theo Time

Dòng sự kiện: APEC 14 - Vietnam 2006