1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hiện thực khắc nghiệt chờ bà Suu Kyi

Với việc giành được ít nhất 378/664 ghế quốc hội, chiến thắng vang dội của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) trong cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar hôm 8-11 là điều không còn bàn cãi.

Tuy nhiên, một khi sự phấn khích xung quanh kết quả lịch sử nói trên giảm bớt, NLD sẽ phải đối mặt hiện thực khắc nghiệt trên con đường mang lại thêm dân chủ cho đất nước Myanmar sau thời gian dài được đặt dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân sự.

Nhiệm vụ gian nan đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi sẽ là bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra trơn tru, trong đó chú trọng xoa dịu nỗi lo của một quân đội vẫn còn nắm nhiều quyền lực theo quy định của hiến pháp. Dù vậy, việc nữ chính khách 70 tuổi nói trên tuyên bố sẽ nắm giữ vị trí cao hơn tổng thống trước thềm bầu cử, cùng với ý định chỉnh sửa hiến pháp của NLD, có thể ảnh hưởng xấu đến quan hệ 2 bên.

“Quân đội soạn thảo hiến pháp để bảo vệ những lằn ranh đỏ của mình. Ý tưởng của họ luôn là cho phép sự tự do chính trị tương đối bên trong một không gian hạn chế…Chúng ta sẽ biết được liệu các nhà lãnh đạo chính trị trong những tháng tới có dám bắt đầu thử thách những giới hạn này, chẳng hạn như thông qua vấn đề chỉnh sửa hiến pháp, hay không” - sử gia Thant Myint U giải thích với báo The Straits Times.

Hiện thực khắc nghiệt chờ bà Suu Kyi - 1

Lịch có in hình bà Aung San Suu Kyi được bán tại TP Yangon – Myanmar. (Ảnh: The New York Times)

Mọi ánh mắt đang đổ dồn về cuộc gặp dự kiến diễn ra vào tuần tới giữa bà Suu Kyi, Tổng thống Thein Sein, tướng Min Aung Hlaing (Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang), và Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann. Ông Nyan Win, người phát ngôn NLD, cho biết cuộc gặp này sẽ đóng vai trò rất quan trọng bởi quân đội không có kinh nghiệm chuyển giao quyền lực cho những đảng khác, nhất là đảng đối lập.

Một khi lên nắm quyền, đảng phái còn non kinh nghiệm và chưa được thử thách của bà Suu Kyi sẽ phải đáp ứng được những kỳ vọng to lớn xuất hiện từ chiến dịch vận động tranh cử. Cải thiện kinh tế chắc chắn là mong muốn hàng đầu của cử tri khi bỏ phiếu cho NLD. “Cuộc sống của hầu hết người nghèo không hề cải thiện trong 5 năm qua. Vì thế, họ không muốn chính phủ hiện nay tiếp tục nắm quyền và cần sự thay đổi tức thì. Đó là thông điệp lớn của cuộc bầu cử” – một nhà bình luận chính trị tên U Yan Myo Thein nói với báo The New York Times.

Về vấn đề này, ông Sean Turnell, giáo sư kinh tế tại Trường ĐH Macquarie (Úc) và là cố vấn cho nhóm kinh tế của NLD, nhận định đảng này có một cương lĩnh chính sách kinh tế tiến bộ và phù hợp với tư duy hiện đại, như dành nhiều hỗ trợ hơn cho nông nghiệp, quyền sở hữu đất đai, y tế, giáo dục…

Một ưu tiên, cũng là thách thức lớn, khác của NLD chính là tiếp tục tiến trình hòa bình với các nhóm sắc tộc vũ trang, trong đó tập trung vào đối thoại chính trị. Sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo của Myanmar khiến nhiệm vụ này không dễ dàng chút nào.

Cũng thừa hưởng từ chính phủ hiện tại là vấn đề người Rohingya Hồi giáo đang gây tranh cãi và chia rẽ trong lòng đất nước. Nếu lên tiếng ủng hộ cộng đồng người không được chào đón này, NLD có nguy cơ gánh hậu quả chính trị trong nước. Tuy nhiên, việc giữ thái độ thờ ơ đối với số phận họ có thể khiến bà Suu Kyi đối mặt sức ép của cộng đồng quốc tế.

Về chính sách đối ngoại, chiến thắng của NLD cũng phần nào cho thấy cử tri tiếp tục ủng hộ tăng cường quan hệ với phương Tây – một sự thay đổi về đường lối ngoại giao do chính phủ bán dân sự của ông Thein Sein khởi xướng và dự kiến tiếp tục được đẩy mạnh dưới thời NLD. Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng Myanmar vẫn cần nước láng giềng Trung Quốc giúp đỡ trong việc đầu tư, phát triển kinh tế và giải quyết xung đột sắc tộc tại các vùng miền Bắc.

Quá trình chuyển giao chính trị ở Myanmar, nếu có, sẽ chỉ thực sự diễn ra vào năm tới. Từ giờ đến đó, những nhân vật nào nắm quyền lực quá lâu sẽ phải học cách chấp nhận và thích ứng với hiện thực chính trị mới. Còn NLD cũng phải cân nhắc xem họ sẽ cần phải làm gì để mang lại lợi ích cho mọi người dân, chứ không chỉ những người ủng hộ mình.

Theo Hoàng Phương

Người Lao động

Hiện thực khắc nghiệt chờ bà Suu Kyi - 2