1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc sống của người già neo đơn Trung Quốc trong những căn nhà "quan tài"

(Dân trí) - Những người cao tuổi, không con cái, neo đơn và nghèo khổ ở Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền đầy khó khăn khi đã bước sang “sườn dốc” bên kia cuộc đời.

Một người cao tuổi đang sống trong nhà quan tài ở Trùng Khánh. (Ảnh: China News)
Một người cao tuổi đang sống trong "nhà quan tài" ở Trùng Khánh. (Ảnh: China News)

Họ là 6 người lớn tuổi đang sinh sống tại Trùng Khánh, một thành phố đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và là điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc. Họ ngủ trên những chiếc giường 3 tầng trong một căn phòng nhỏ vỏn vẹn 15 m2, được gọi là “nhà quan tài” vì kích thước quá nhỏ.

Động lực khiến họ có thể sống được trong một căn phòng chật chội là vì giá thuê nhà khá rẻ, chỉ vỏn vẹn 24 USD 1 tháng. Họ là những người không con cái, neo đơn, nghèo khó và không có đủ khoảng 206 USD hàng tháng để trả chi phí viện dưỡng lão.

Tuy nhiên, với những người đàn ông “gần đất xa trời”, việc sống trong căn “nhà quan tài” cũng có những lợi ích nhất định: Họ có thể quan tâm lẫn nhau khi tất cả đều đang bước vào tuổi "xế bóng".

“Số phận đã đẩy đưa mọi người cùng tới đây”, ông Wang Gande, 74 tuổi, người chủ đất nói với China Youth Daily. Chính vì thế, ông Wang đã cho thuê nhà nhỏ trở thành nơi cư ngụ cho những người thuê trọ có độ tuổi từ 61-81 có thể sống cùng và nương tựa vào nhau.

Dù cuộc sống khó khăn nhưng họ vẫn nương tựa vào nhau ở tuổi gần đất xa trời. (Ảnh: China News)
Dù cuộc sống khó khăn nhưng họ vẫn nương tựa vào nhau ở tuổi "gần đất xa trời". (Ảnh: China News)

Bản thân ông Wang có một con trai bị khuyết tật, được ưu tiên sống riêng ở một phòng. Căn phòng còn lại để dành cho các cụ ông sinh sống với nhau. Trong hơn 20 năm qua, ông Wang đã cho rất nhiều người già cả thuê nhà, những người từ nông thôn di cư lên thành thị và làm đủ nghề để kiếm sinh kế. Họ chưa từng kết hôn, chưa từng có con cái.

Câu chuyện của những khách trọ trong nhà ông Wang chỉ là một trong nhiều câu chuyện về những người già neo đơn, nghèo khó, không con cái khác, những người đang phải đối mặt với cuộc sống khó khăn, nghèo đói, đơn độc.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều của những căn “nhà quan tài” cho thấy thực trạng báo động về cuộc sống vất vả mà người lớn tuổi neo đơn ở Trung Quốc đang phải đối mặt.

Tình trạng ngày càng trầm trọng

Một cụ bà làm nghề thu mua phế liệu (Ảnh: Reuters)
Một cụ bà làm nghề thu mua phế liệu (Ảnh: Reuters)

Theo Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO), tình trạng trên có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn khi số liệu cho thấy tỉ lệ dân số Trung Quốc trên 60 tuổi sẽ tăng từ 12% năm 2010 lên 28% năm 2040. Chuyên gia Zhu Xiao của đại học Renmin năm 2014 ước tính khoảng 50 triệu người cao tuổi Trung Quốc đang sống dưới mức nghèo khó, với bằng hoặc ít hơn 1,9 USD chi phí ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày, theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB). Con số này chiếm 23% tổng số người cao tuổi ở Trung Quốc.

Theo ông Liu Kaiming, từ một tổ chức phi chính phủ ở Thâm Quyến, những người cao tuổi sống ở nông thôn là đối tượng dễ tổn thương và lâm vào cảnh nghèo đói khi họ ít được tiếp cận với các chương trình phúc lợi xã hội.

Mặc dù, nhà nước Trung Quốc đã có chế độ bảo hiểm cho người già neo đơn từ năm 2014, nhưng mức chi từ 15 USD tới 45 USD 1 tháng tùy vào các tiêu chuẩn của địa phương dường như chỉ là “muối bỏ bể”.

Để sinh tồn, những khách trọ trong nhà ông Wang phải làm việc quần quật từ sáng sớm cho đến tối khuya. Họ làm từ các công việc chân tay, tới thu mua phế liệu tái chế, bán hàng ngoài chợ, bán kẹo trái cây trên phố miễn là có đủ tiền để duy trì cuộc sống.

Họ đều có điểm chung là đã lỡ dở tuổi thanh xuân khi không kết hôn cũng như có con cái và đến khi già nua, cái nghèo vẫn không buông tha những người đàn ông này.

Ông Luo, một khách trọ, cho biết hồi còn trẻ ông đã không có đủ tiền trả sính lễ, một tập tục không thể thiếu ở Trung Quốc để cưới được vợ. Khoản tiền này lên tới vài nghìn USD và thường được chú rể hay gia đình chú rể chi trả cho nhà gái. “Ít nhất tôi có thể có con nếu chịu trả khoản tiền đó”, ông Luo nói.

Đức Hoàng

Theo SCMP