Hiểm họa từ lòng đất Đông Nam Á
Lòng biển Đông Nam Á tiếp tục là một bí ẩn sau những trận động đất, sóng thần khủng khiếp ngày 26/12/2004. Chưa bao giờ những dự báo khoa học trong lĩnh vực này được chứng minh nhanh đến thế...
Chỉ mới vài tháng trước, trên tạp chí Nature (Anh), các nhà khoa học cảnh báo sắp diễn ra một trận động đất lớn trong hệ thống đứt gãy tạo ra từ trận động đất hồi tháng mười hai.
Dự báo ngay lập tức được xác nhận bằng các trận động đất liên tiếp, mạnh nhất là ở Nias (Indonesia) tháng 3/2005, làm 600 người chết.
Sự bùng nổ của thế kỷ
Các dữ liệu ghi nhận hiện nay cho thấy đã có sự dịch chuyển của bốn đĩa kiến tạo Sunda, Burma, Úc và Ấn (xem bản đồ) và trong điểm giao thoa do vụ chấn động mạnh này đã xuất hiện đường nứt dài 1.200km trên bề mặt diện tích khoảng 250km2.
Trong số 12 trận động đất cường độ 8,5 độ Richter được ghi nhận kể từ thế kỷ trước tới nay, ba trận xảy ra tại khu vực Đông Nam á này. Đây là một hiện tượng lạ.
Thomas Jordan thuộc Trung tâm Động đất Nam California giả định: "Đường nứt Sunda (gần tâm chấn của hai trận động đất 26/12/2004 và 28/3/2005) tích tụ năng lượng hàng chục thập niên qua mà chưa giải phóng được, vì thế trong gần một thế kỷ không có những trận động đất lớn như thế". Đây là cách giải thích duy nhất có thể chấp nhận.
Nhà khoa học Anh John McCloskey thuộc Đại học Ulster nhận thấy các trận động đất trong khu vực này rất thường diễn ra liên tiếp nhau.
Dọc theo rãnh Nankai ở Nhật có 5/7 trận động đất lớn trong 1.500 năm qua có chu kỳ lặp lại trong vòng năm năm, còn ba trận lặp lại ngay trong năm. Tương tự là trận động đất ở Izmit, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ba tháng sau lại xảy ra một trận động đất mới chỉ cách vài trăm kilômet.
Sau trận động đất ở Sumatra ngày 26/12/2004, các nhà địa chấn học nhận thấy có sự tích tụ các nhiễu động tại cuối mỗi đường rãnh nứt.
Điều đó có nghĩa các trận động đất có thể "giao tiếp" với nhau, do độ căng của lòng đất xuất hiện trong thời gian chấn động đã lan truyền từ đĩa kiến tạo này sang đĩa kiến tạo khác. Điều đó có thể dẫn tới sự dịch chuyển một trong những đĩa kiến tạo.
Dự báo vẫn chỉ là...dự báo!
Vậy thì điều gì có thể xảy ra tiếp theo? Thomas Jordan dự báo: "Có thể sẽ có một loạt chấn động nhẹ hơn. Một số đã nổ ra, có trận lên tới 6,5 độ Richter. Nhưng khó có thể nói những chấn động này còn tiếp tục trong bao lâu. Có thể nhiều tháng mà có thể nhiều năm".
Ở Italy, các nhà khoa học nhắc rằng hai ngày sau trận động đất lớn ở Santo Stafano đã xảy ra số dư chấn nhiều hơn tổng số những trận động đất ghi nhận được trên toàn nước Italy trong vòng 200 năm qua.
Vì lẽ đó, khó lòng dự báo khi nào rãnh Sunda sẽ dịch chuyển. Rãnh San Andreas ở California đã được nghiên cứu kỹ nhất trên thế giới, ấy thế mà vẫn không ai có thể khẳng định khi nào động đất có thể xảy ra cũng như khi nào sẽ có sóng thần.
Lý do: còn nhiều yếu tố tác động khác như độ sâu của tâm chấn và cường độ trận động đất, góc dịch chuyển của lòng biển, độ nén của cột nước trong vùng động đất.
Vậy phải làm gì để cứu sống con người? Cái chết của hàng trăm ngàn người tại Ấn Độ Dương không chỉ được giải thích bởi sự thiếu hệ thống báo động sớm. Giữa chấn động đầu tiên và trận sóng thần là khoảng thời gian vài giờ đồng hồ.
Trong giai đoạn này, nhiều nhóm nhà khoa học đã nhận được những thông tin chính xác nhưng những thông tin đó đã không dẫn tới những quyết định cụ thể từ những người lẽ ra phải đưa ra quyết định.
Vì lý do đó, trong tương lai phải giải quyết hai nhiệm vụ: thành lập hệ thống thông tin toàn cầu, không chỉ hạn chế trong Ấn Độ Dương mà còn có thể dự báo những loại hiểm họa khác.
Hệ thống này phải tương thích với các dị biệt văn hóa, kinh tế các nước khác nhau, bảo đảm mối liên hệ giữa các cộng đồng nhà khoa học, giới khí tượng thủy văn, các chuyên gia vật lý, cũng như giữa giới khoa học và chính khách.
Đây là một việc không đơn giản. Tháng 6/2005, các nhà khoa học trên thế giới sẽ qui tụ lại ở Paris để vẽ nên một bản đồ các phao tiêu báo động trên Ấn Độ Dương cho hệ thống cảnh báo sóng thần.
Tuổi trẻ - Theo Panorama