Hi vọng và mất mát ở Nhật
(Dân trí) - Dòng nối tiếp dòng, một danh sách dài người thiệt mạng được dán trên bức tường của tòa thị chính. Một số có tên. Số khác chỉ với vài miêu tả ngắn.
Nữ. Khoảng 50. Có lạc trong túi ngực trái. Nốt ruồi lớn. Đồng hồ Seiko.
Nam. 70-80 tuổi. Mặc tạp dề có dòng chữ “Rentacom”.
Và một dòng miêu tả đã đập vào mắt Hideki Kano, người đàn ông trong độ tuổi khoảng 30. “Tôi nghĩ đó là mẹ tôi!”, anh nói rồi lao ra ngoài tuyết, hướng tới một nhà xác tạm.
Danh sách ở Natori, và các thành phố khác dọc bờ biển đông bắc Nhật, sẽ chỉ dài thêm mà thôi.
5 ngày sau trận siêu động đất/sóng thần, con số người thiệt mạng chính thức đã vượt quá 5.000. 8.500 người hiện vẫn mất tích, với hàng trăm đội cứu hộ trong và ngoài nước đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm họ.
Ở thành phố công nghiệp Kamaishi, 70 lính cứu hỏa Anh trong đồng phục màu cam trèo qua hàng hàng những chiếc xe bị lật ngửa, lần tìm trong khe hẹp của những ngôi nhà đã bị phá hủy. Họ mang theo cả máy đo phóng xạ cá nhân giữa những lo ngại rò rỉ phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân bị hư hại xa hơn về phía nam.
Thi thể một phụ nữ được tìm thấy mắc kẹt bên dưới chiếc tủ lạnh trong ngôi nhà hai tầng bị đẩy ra khỏi móng.
“Hôm nay và ngày mai vẫn còn hi vọng sẽ tìm thấy người sống sót”, Pete Stevenson, người đứng đầu đội cứu hộ Anh cho hay. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm”.
Còn những người đang tìm kiếm người thân của mình đã đăng tải những dòng nhắn tràn đầy hi vọng ở những nơi trú ẩn tạm cùng những nơi công cộng khác. Các dòng nhắn phủ kín cửa kính phía trước tòa thị chính Natori, khiến không thể nhìn được vào bên trong.
“Tôi đang tìm kiếm cụ ông 75 tuổi, hãy gọi tôi nếu tìm thấy cụ”.
“Kento Shibayama ở trung tâm y tế phía trước nhà thể dục công cộng”.
“Gửi Miyuki Nakayama: Mọi người trong gia đình đều ổn! Mọi người không dùng được điện thoại, vì thế không gọi được. Nhưng mọi người đều ở đây. Nếu về được nhà, xin hãy về. Mọi người đều cầu nguyện cho em”.
Giới chức thành phố cũng đăng tải danh sách 5.000 người đang ở trong các trung tâm trú ẩn. Yu Sato, 28 tuổi, đưa các bức ảnh với tên lên. “Tôi sẽ gửi chúng lên mạng để mọi người ở xa có thể kiểm tra được”, anh cho hay.
Ở thành phố Otsuchi, Reiko Miura cũng đang tiến hành công cuộc tìm kiếm của riêng bà. Bà đang tìm người cháu 50 tuổi, đã không thể chạy sóng thần được do bị tàn tật. Chị gái bà Miura đã nhờ bà tìm kiếm hộ cậu con trai.
Nhưng với người phụ nữ 68 tuổi này, cuộc tìm kiếm là một cuộc vận lộn, ngay cả với việc nhận biết khu nhà mình ở, bởi nó giờ đã là một biển bùn, điểm xuyết bằng những chiếc xe hơi bị lật ngửa và dày đặc đống đổ nát.
“Tôi chắc là nhà tôi ở đây, một ngôi nhà lớn”, bà cho biết khi bước tới đống đổ nát mà bà cảm thấy thân quen. Không thấy bóng dáng cháu bà đâu và bà bước trở lại qua đống bùn, lòng rối bời bởi sẽ không biết nói với chị gái ra sao đây.
Sức tàn phá của trận siêu động đất thật khó có thể tượng tượng được đối với một số cộng đồng vừa mới được tái thiết. Thành phố nối tiếp thành phố bị xóa sổ.
Mỗi góc quanh trên đường đều mở ra một cảnh tượng tàn phá mới, một chiếc xe nằm trọn trên hàng rào của một ngôi đền đạo Phật, một chiếc túi xách tay bên trong chiếc máy giặt bị lật ngửa.
Kesen gần như là một thành phố ma.
Miyuki Kanno, sống cách đó vài km, đã đạp xe xuống một đoạn đường bị ngập trong bùn, nước để tìm kiếm thông tin về người thân mất tích. Anh nghĩ phải 20 năm nữa Kesen mới trở lại như xưa.
“Quê nhà mãi là quê nhà. Họ sẽ xây dựng lại. Tôi không biết liệu những người trẻ có quay lại không, nhưng họ sẽ xây dựng lại”, anh nhói.
Xa hơn về phía bắc ở Ofunato, Keiichi Nagai, 72 tuổi, hoài nghi hơn. Ông đứng trên rìa một vùng đất hoang rộng lớn, từng là phần trũng của thành phố. Ông lắc đầu và nhắc đi nhắc lại: “Không còn gì hết, không còn gì hết”.
Ông chỉ vào một chiếc tàu đánh cá bị sóng thần cuốn trôi vào trong đất liền, chính chiếc tàu đã phá hủy nhà ông. Tất cả những gì ông có thể tìm lại được là một chiếc ví màu nâu nhỏ với tấm thẻ bệnh viện.
“Không còn gì sót lại ở nơi này”, ông nói. “Người dân sẽ chỉ còn một nửa. Thật đáng sợ khi ở đây. Mọi người chắc sẽ nghĩ tới sự nguy hiểm khi ở đây. Sẽ có khả năng sóng thần lại đến. Tôi sẽ không sống ở đây. Có thể sẽ lên núi, chứ không ở đây”.
Khoảng 430.000 người hiện đang ở trong các trung tâm tạm trú. Họ còn đang phải lo lắng cho sự sinh tồn mỗi ngày, chưa có thời gian nghĩ đến tương lai.
Khoảng 350 người ở trong phòng thể dục và phòng chiếu phim của một trường trung học ở Ofunato. Họ lấy các tấm bìa các-tông, chăn làm giường. Người già đi lại quanh những máy sưởi bằng ga, người trẻ chơi bóng trên sân bóng chày phủ tuyết trắng.
Quân đội Nhật đã trữ một lượng lớn nước ở một bãi đỗ xe, chở chuối, gạo và mì tới.
Ở Kesennuma, một thành phố duyên hải khác, Kayoko Watabe tới trung tâm tạm trú sau khi lần đường được qua bùn đất và lớp tuyết dày. Người phụ nữ 58 tuổi vẫn mặc cùng bộ quần áo kể từ khi sóng thần ập đến thành phố.
Bà tới trung tâm cùng người thân, đối mặt với tình trạng thiếu nước, điện, nhiên liệu sưởi. Nhưng dù sao tới đây, một trường trung học, bà cũng còn có thực phẩm để ăn và những thứ cần thiết khác. Ở đây, những người sống sót sống trong các phòng học. Hầu hết đều phải nằm trên sàn nhà, quấn chăn để giữ ấm. Mùi nước tiểu khó chịu bốc lên khắp hành lang.
“Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến hay trải qua những điều tồi tệ như thế này”, bà nói. “Tất cả những gì tôi có thể nghĩ tới bây giờ là lấy đâu ra thức ăn và ở đâu để được ấm”.
Phan Anh
Theo AP