1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hết thời đi lại tự do giữa châu Âu?

Hai thập niên đi lại tự do giữa các quốc gia châu Âu đã khép lại vào ngày 14/9, khi một loạt nước tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới trong bối cảnh dòng di dân đông chưa từng có kéo tới đây.

Việc Đức bất ngờ quyết định phục hồi kiểm soát biên giới từ ngày 13/9 đã nhanh chóng gây hiệu ứng domino, khiến nhiều nước láng giềng hành động tương tự. Hungary đã "khóa" cửa khẩu không chính thức chủ chốt vào Liên minh châu Âu.

Hết thời đi lại tự do giữa châu Âu? - 1

Người tị nạn vượt rào thép gai để ra khỏi một điểm tập trung được thiết lập để đưa người tới các trại ngày 9/9 ở Morahalom, Hungary. (Ảnh: Getty)

Luxembourg, nước đang giữ chức Chủ tịch EU, cho biết, trong cuộc họp tại Brussels, đa số các bộ trưởng nội vụ của khối đã nhất trí trên nguyên tắc về việc chia sẻ tiếp nhận 120.000 người tị nạn sau khi đã tự nguyện tiếp nhận 40.000 người tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, chi tiết của thỏa thuận - chính thức có hiệu lực vào ngày 8/10 - vẫn mập mờ với một số nước Trung Âu kiên quyết phản đối định mức bắt buộc.

Áo thông báo nước này sẽ điều binh lính tới giúp cảnh sát tiến hành các thủ tục kiểm tra tại biên giới với Hungary, sau khi hàng nghìn di dân đi bộ kéo tới đây trong đêm, lấp đầy khoảng trống ở khu trại khẩn cấp gần đó. Thêm hàng nghìn người nữa đã vượt qua các nước Balkan để vào Hungary trước khi các quy định mới có hiệu lực trong hôm nay (15/9), mà theo đó chính phủ cánh hữu ở Bundapest tuyên bố sẽ không cho di dân đi qua lãnh thổ nước này.

Đến 14h chiều qua, cảnh sát thống kê gần 7.500 người di cư từ Serbia đã kéo sang Hungary, cao hơn cả con số kỷ lục trước đó là 5.809. người. Sau đó, cảnh sát Hungary đã đóng điểm vượt biên không chính thức mà đông đảo di dân đã đi qua. Một xe thực phẩm bọc dây thép gai đã được đưa vào để "khóa" đường tàu hỏa mà người di cư dùng để tiến vào vùng Schengen được đi lại tự do của EU.

Khi làn sóng di cư lan tỏa khắp châu Âu, Slovakia thông báo sẽ tiến hành kiểm soát các đường biên giới giữa nước này với Hungary và Áo. Hà Lan cũng tiến hành kiểm tra đột xuất ở các đường biên. Nhiều nước EU khác từ Thụy Điển cho tới Ba Lan tuyên bố đang theo dõi tình hình để quyết định cần đến những biện pháp nào.

"Nếu Đức tiến hành kiểm soát biên giới thì Áo cũng thực thi các biện pháp kiểm soát biên giới tăng cường", Phó Thủ tướng Reinhold Mitterlehner cho biết tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Werner Faymann. "Hiện giờ chúng tôi đang làm điều đó".

Hết thời đi lại tự do giữa châu Âu? - 2

Cảnh sát Hungary áp tải di dân trở lại một điểm tập trung ở làng Roszke mà từ đó họ đã trốn đi, ngày 9/9.

Các biện pháp kiểm soát biên giới được áp dụng đồng loạt khắp châu Âu ngày 14/9 là đe dọa lớn nhất tính tới nay đối với hệ thống Schengen về một châu Âu không biên giới.  Được đặt tên theo tên một thị trấn của Luxembourg, nơi hệ thống được nhất trí, Schengen đã "khai tử" các cửa khẩu trên toàn châu lục kể từ năm 1995. 26 thành viên EU giờ đây ban hành chung visa và không canh phòng biên giới giữa họ.

Các quy định được đề ra cấm người di cư không giấy tờ đi lại trong khu vực nhưng có rất ít cơ chế ngăn chặn họ. Điều này đã gây hỗn loạn khi hàng trăm nghìn người, chủ yếu lánh nạn chiến tranh từ Trung Đông, kéo tới các rìa đông và nam EU rồi đi bộ tới các nước giàu có hơn ở phía bắc và phía tây.

Các bộ trưởng Nội vụ EU đã trải qua nhiều giờ hội đàm về khủng hoảng, với Đức, Pháp và Ủy ban điều hành Khối cố gắng chế ngự sự phản đối từ các thành viên phía đông về kế hoạch phân bổ 160.000 người đang tập trung ở Italia, Hungary và Hy Lạp theo một định mức bắt buộc. Họ đã đồng ý cần phải kiểm soát các biên giới ngoại khối chặt chẽ hơn, viện trợ nhiều hơn để tổ chức người tị nạn của Liên Hợp Quốc dựng các trại gần biên giới Syria, nhanh chóng kiểm tra người mới đến, trục xuất những ai không đủ tiêu chuẩn tị nạn, và trấn an những nước cho rằng tái định cư di dân càng thu hút thêm nhiều di dân mới.

Các bộ trưởng EU cũng nhất trí sớm hoàn tất một danh sách "nước an toàn" mà những người xuất phát từ đó sẽ không được cho tị nạn.

Các quốc gia Schengen được phép tái áp dụng kiểm soát biên giới một cách tạm thời trong các trường hợp khẩn cấp, và trước kia họ thỉnh thoảng vẫn làm như vậy vì các lý do an ninh mỗi khi có sự kiện thể thao lớn hay hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, chưa lần nào ở mức độ lớn như lần này.

Hầu hết di dân hướng tới Đức, nước thông báo hồi tháng 8 rằng họ sẽ tạm đình hoãn chính sách tị nạn của EU để tiếp nhận người Syria. Chủ trương của Berlin càng khiến cho dòng di dân thêm đông đúc.

Nguy cơ tái kiểm soát biên giới đã lan tỏa tới cả các nước phía nam và phía đông châu Âu dọc theo các tuyến di cư chính.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Lan cho biết sẽ áp dụng "kiểm soát di động" ở các khu vực biên giới. Tuần trước, nước này đã tiếp nhận 3.000 người xin tị nạn, gấp đôi số lượng của tuần trước đó.

Theo Thanh Hảo

Vietnamnet

Hết thời đi lại tự do giữa châu Âu? - 3