1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khủng hoảng di dân – châu Âu đã bừng tỉnh?

Những ngày qua, bức ảnh hết sức đau lòng của bé trai tên Aylan Kurdi chết đuối nằm sấp mặt trên bãi biển, tràn ngập trên trang nhất của báo chí toàn thế giới và mạng xã hội...

... Bức ảnh ngay lập tức trở thành hình ảnh biểu tượng cho cuộc khủng hoảng người tị nạn do cuộc chiến ở Syria gây ra, và mang hiệu ứng như một tiếng nổ lớn làm bừng tỉnh hầu hết các nước châu Âu đang còn tranh cãi về việc có nên tiếp nhận hay từ chối người di cư.

Lung lay tinh thần Hiệp ước Schengen

Tờ The Guardian của Anh đã so sánh hình ảnh của em bé Aylan Kurdi với hình ảnh mang tính biểu tượng đầy sức mạnh của nạn nhân bom napal trong Chiến tranh Việt Nam, Phan Kim Phúc. Bức hình này đã khiến công chúng Mỹ thấy được nỗi kinh hoàng của chiến tranh trong lúc biểu tình gia tăng đòi chấm dứt 20 năm chiến tranh.

Theo The Guardian, hình ảnh đau lòng của cậu bé Aylan đã gây tác động mạnh đến toàn thế giới, bất kể quan điểm về vấn đề di cư như thế nào.

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ vài giờ sau khi xuất hiện bức ảnh thương tâm về cậu bé Syria, nhiều người ủng hộ đảng Bảo thủ của Anh đã bắt đầu thúc giục Thủ tướng David Cameron rằng đã đến lúc chấp nhận thêm người tị nạn.

Ông Nadhim Zahawi, một nghị sĩ đảng Bảo thủ, đồng minh thân cận của ông Cameron, đã lên tiếng về những tác động của bức ảnh. Ông viết trên Twitter: “Chúng ta không là gì cả nếu không có lòng nhân ái. Bức ảnh khiến tất cả chúng ta cảm thấy xấu hổ. Chúng ta đã thất bại ở Syria. Tôi xin lỗi thiên thần nhỏ”.

Trước khi có hình ảnh bé Aylan chết đuối trên bãi biển, cả châu Âu còn đang tranh cãi không dứt về đủ thứ chuyện liên quan đến người di cư.

Khủng hoảng di dân – châu Âu đã bừng tỉnh? - 1

Người biểu tình tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) với tấm biển vẽ hình cậu bé Aylan Kurdi, người Syria, bị chết đuối trên đường vượt biển qua châu Âu.

Sau Thế chiến II, các nước châu Âu cố gắng phát huy tinh thần hợp tác và hội nhập để cùng phát triển trong hòa bình. Bốn mươi năm sau, năm 1985, các thành viên sáng lập Cộng đồng châu Âu là Pháp, Tây Ðức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg còn ký Hiệp ước Schengen (tên một thị trấn của Luxembourg), mục đích là thiết lập chế độ tự do di chuyển người và vật bên trong biên giới của các thành viên.

Mười năm sau, tinh thần tự do ấy quy tụ 26 quốc gia cùng bãi bỏ việc kiểm soát biên giới giữa các nước với nhau và áp dụng quy chế visa thống nhất: sống tại nước này là được tự do lưu thông và sinh sống tại nước khác.

Yếu tố then chốt ở đây là các thành viên cùng từ bỏ một phần của chủ quyền quốc gia - hết kiểm soát biên giới với nhau nữa - để tiến tới thể chế liên bang cho châu Âu. Ðiều kiện then chốt không kém là các thành viên phải tin nhau vì trao quyền kiểm soát cho nước khác bên trong “khu vực Schengen”. Từ ước mong hội nhập đó mới thành hình Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1992 rồi khối Eurozone vào năm 1999.

Khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, các nước lạc quan từ bỏ chủ quyền quốc gia trong nhiều lĩnh vực để cùng xây dựng nền thịnh vượng trường cửu trong hòa bình và thống nhất. Ngày nay, tình hình đã đổi khác vì từ 6 năm qua, 4 vấn đề đã theo nhau đe dọa tinh thần hợp tác trong một khu vực không còn biên giới. Ðó là:

1) Khủng hoảng kinh tế, 2) Sự thắng thế của các đảng quốc gia dân tộc trong nhiều nước, 3) Làn sóng di dân vào châu Âu và 4) Mâu thuẫn giữa các nước trung tâm như Pháp và Ðức với các nước ở vòng ngoài, như Hy Lạp hay Italia ở miền Nam hay thậm chí Anh ở miền Bắc. Vì vậy, một lần nữa, tinh thần tự do di trú của Hiệp ước Schengen lại được một số quốc gia nêu thành vấn đề.

Thứ nhất, các thành viên Schengen tại miền Bắc than phiền các nước miền Nam (trong vùng Ðịa Trung Hải) là không kiểm soát dân di cư đang tràn vào biên giới EU, vì họ mà vào trong rồi là có quyền tự do di chuyển qua nước khác để xin tị nạn chính trị. Ví dụ như Pháp và Áo lên án Italia là cho phép, thậm chí còn khuyến khích người tị nạn rời Italia qua nước khác. Thực tế thì Pháp đã có lúc khóa biên giới Pháp - Italia vào tháng 6/2015.

Ngược lại, các thành viên Schengen tại miền Nam thì than phiền các nước miền Bắc là thiếu tinh thần liên đới để cùng chia sẻ gánh nặng. Như Hy Lạp đã yêu cầu được thêm ngân khoản canh phòng Ðịa Trung Hải, cấp cứu nạn dân ngoài biển, lập khu cứu trợ tị nạn và thiết lập chế độ hạn ngạch di dân cho cả EU.

Xưa nay các nước Ðông Âu (nhìn theo trục Ðông-Tây) và Trung Âu (nhìn theo trục Nam-Bắc) thì phản đối yêu cầu hạn ngạch ấy của miền Nam và chủ trương cho rằng, tùy sự chấp nhận tự nguyện của từng thành viên.

Nhưng mâu thuẫn bên trong hệ thống châu Âu còn trầm trọng hơn vì hai vấn đề khác. Ðầu tiên, các nước EU phải thống nhất ý kiến về một chế độ di trú chung của toàn khối. Sau nhiều phiên họp, EU sẽ lại có nhiều đợt bàn cãi vào ba tháng tới để cải thiện điều kiện di trú bên trong.

Chẳng hạn như sau nhiều vụ tấn công các trung tâm tị nạn, nước Ðức đã đổi ý, nhận đón 800.000 nạn dân năm nay với điều kiện là định ra tiêu chuẩn nạn dân: công dân tại các nước không bị nội chiến như Albania hay Macedonia trong vùng Balkans không thể xin tị nạn chính trị. Và nên cấp thêm phương tiện thanh lọc và định cư nạn dân cho các nước miền Nam như Hy Lạp và Italia, đồng thời bố trí nạn dân vào các nước EU theo tỉ lệ dân số từng nước.

Khủng hoảng di dân – châu Âu đã bừng tỉnh? - 2

Quyết định tiếp đón người di cư đã khiến bà Merkel bị các đối thủ chính trị chỉ trích.

Những đề nghị lý tưởng và hợp lý ấy đối mặt với thực tế là các nước miền Nam, vốn đã nghèo lại đang lâm vào khủng hoảng kinh tế, thì không muốn mở thêm trung tâm di trú - nếu các nước khác không nhận thêm người đang tạm trú trong lãnh thổ của họ.

Vấn đề thứ hai còn nghiêm trọng hơn nữa: các nước nên làm gì với Hiệp ước Schengen? Khi thiết lập chế độ tự do di chuyển, Hiệp ước Schengen tạo điều kiện cho di dân nhập cư lậu có thể tự do đi lại bên trong lãnh thổ của 26 quốc gia và đe dọa an ninh các nước nếu quân khủng bố Hồi giáo cũng được quyền tự do sau khi xâm nhập vào nơi ít kiểm soát nhất.

Vụ khủng bố vừa qua trên chuyến tầu tốc hành từ Amsterdam vào Paris là một lời nhắc nhở. Vì vậy, các nước ngoại biên của khu vực Schengen phải có trách nhiệm kiểm soát nặng nề hơn, để bảo vệ an ninh cho toàn khối.

Chuyện thứ hai là phong trào quốc gia dân tộc - và hoài nghi lợi ích của việc hội nhập châu Âu - đang thắng thế tại nhiều quốc gia, dù ôn hòa ở Bắc Âu như Phần Lan, Ðan Mạch và Na Uy, hay có vấn đề như tại Pháp hoặc Hungary. Phong trào này không chỉ gây vấn đề cho EU mà còn đe dọa sự tồn vong của Hiệp ước Schengen. Những người chống đối cho là lợi bất cập hại, họ đòi tu chính và thậm chí hủy bỏ luôn văn kiện này!

Vì nhiều lý do, các nước châu Âu không dễ gì thu hồi một văn kiện đã áp dụng được 20 năm. Quả thật là quyền tự do lưu thông có tiết kiệm được thời giờ và tiền bạc trong việc vận chuyển hàng hóa, đem lại lợi ích cho công nghiệp du lịch và tránh được phí tổn kiểm soát biên giới. Nhưng nếu không hủy bỏ văn kiện hữu ích này và chối từ lý tưởng tự do di chuyển, các nước vẫn phải cải thiện. Ví dụ như tái áp dụng một biện pháp của năm 2003 là tạm thời thiết lập chế độ kiểm soát trong trường hợp khẩn cấp.

Nhưng vì biện pháp kiểm soát khẩn cấp chỉ áp dụng trong 10 ngày nên chưa chắc đã bảo vệ được an ninh cho toàn khối. Vấn đề ở đây là mâu thuẫn giữa an ninh và kinh tế.

Một số quốc gia tại miền Bắc châu Âu thì có yêu cầu gắt gao hơn: tạm đình chỉ hoặc trục xuất các thành viên Schengen đã không chặt chẽ bảo vệ biên giới chung. Cũng do phản ứng quyết liệt bảo vệ đó, các thành viên EU như Croatia, Romania và Bulgaria sẽ khó gia nhập khối Schengen và tinh thần Schengen sẽ là sự khép kín.

Trong khi chờ đợi sự thống nhất ý kiến về những hướng cải tiến Hiệp ước Schengen, nhiều quốc gia đang tự động tăng cường kiểm soát an ninh bên trong và các trục giao thông với bên ngoài. Nhiều nước khác, như tại Bắc Âu, thì soạn thảo dự luật khắt khe hơn cho di dân - không cho lãnh trợ cấp xã hội - để khỏi thu hút người tị nạn và tránh các phần tử khủng bố ngay trong thành phần này. Cùng Hiệp ước Schengen, lý tưởng tự do di chuyển và sinh sống tại châu Âu đang suy yếu dần.

Chỉ mới là chia lửa

Ngày 5/9, Thủ tướng Đức Merkel mở biên giới đón người di cư. Chỉ trong hai ngày cuối tuần qua, Đức đón nhận gần 20.000 người nhập cư. Theo chính quyền Berlin, sẽ có hơn 800.000 đơn xin tị nạn tại Đức trong năm nay. Con số này cao gấp 4 lần so với năm 2014. Chính quyền Liên bang dự trù cải tổ luật di trú để thu ngắn thời gian cứu xét đơn xin tị nạn.

Ngoài ra, Đức dành thêm 6 tỉ euro đón nhận người tị nạn. Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách của Đức sẽ bị đội thêm 10 tỉ euro mỗi năm, nhưng quốc gia hàng đầu châu Âu này vẫn tuyên bố sẽ mang lại cho những người tị nạn niềm hy vọng về cuộc sống mới.

Dân cư tại nhiều thành phố như Frankfurt, Munchen và một số các thị trấn khác mở rộng vòng tay với người nhập cư chạy trốn chiến tranh và nội chiến. Với việc dang tay cứu giúp những người nhập cư và yêu cầu các nước khác làm như mình, nước Đức đã làm cho hình ảnh của mình trên thế giới trở nên "lung linh" hơn rất nhiều.

Theo các nhà phân tích, thái độ của Đức - dù theo phe nào, trung dung, tự do hay dân túy - đều thể hiện một quan điểm chung rằng Đức là một nước lớn ở châu Âu và trên thế giới, nước Đức có thể giúp đỡ được người tị nạn theo cách trực tiếp và gián tiếp.

Bất chấp việc nước Pháp lưỡng lự, nước Anh phân vân và các nước Đông Âu lớn tiếng chỉ trích, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn hành động với sự quyết đoán cao độ và những gì bà làm đã khẳng định một điều rằng trên khía cạnh nhân đạo, Đức làm gương cho cả châu Âu trong việc tuân thủ một trong những nguyên tắc hàng đầu mà EU đưa ra là đoàn kết.

Pháp và Anh, vốn trước đó cũng tỏ ra cứng rắn với làn sóng nhập cư, đã tuyên bố tiếp nhận thêm dân di cư. Ngày 9/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ đề nghị phân bổ tổng cộng 120.000 người tị nạn mà các nước EU sẽ đón tiếp trong hai năm tới, để đối phó với làn sóng di dân đang ồ ạt đổ sang lục địa này. Ủy ban châu Âu sẽ ấn định các hạn ngạch (quota) cho mỗi nước, chẳng hạn như Đức sẽ đón 26,2% số người xin tị nạn, Pháp 20% và Tây Ban Nha 12,4%.

Tại Pháp, hôm 7/9, Tổng thống Francois Hollande loan báo sẽ đón tiếp tổng cộng 24.000 người tị nạn trong khuôn khổ các quota do Ủy ban châu Âu ấn định. Nhân dịp này, ông Hollande đề nghị triệu tập tại Paris một hội nghị quốc tế tại Paris để giải quyết khủng hoảng này.

Thủ tướng David Cameron cũng thông báo là nước Anh sẽ đón tiếp 20.000 người tị nạn trong 5 năm tới. Trước mắt, London cho biết sẽ dành một phần ngân sách viện trợ phát triển cho việc đón tiếp những người tị nạn chiến tranh Syria.

Chính phủ Áo quyết định mở cửa đón những người di cư đến từ Hungary. Thủ tướng Áo Werner Faymann cho hay, lý do của quyết định này xuất phát từ “tình trạng khẩn cấp trên biên giới với Hungary”, khi khoảng hơn 50.000 người tị nạn đã tràn vào  nước này và muốn tìm đường sang các nước phía tây của châu Âu. Chính phủ Bỉ cũng họp bàn tăng cường các biện pháp nhằm hỗ trợ người xin nhập cư. Theo đó, kể từ ngày 7/9, chính phủ sẽ đưa vào sử dụng tòa nhà dành cho người xin nhập cư đợi đăng ký tại Cơ quan Quản lý người nước ngoài ở Brussels.

Mặc dù bị chỉ trích từ nhiều phe phái chính trị, Thủ tướng Australia vẫn tuyên bố sẽ tiếp nhận người di cư đến từ Syria dù cho biết không nâng mức giới hạn tiếp nhận người di cư mà chỉ dừng ở 13.750 người mỗi năm.

 
Khủng hoảng di dân – châu Âu đã bừng tỉnh? - 3

Hai bé trai lộ rõ vẻ vui sướng khi đến nhà ga Dortmund, Đức.

Trong bối cảnh trên, Hungary lại phản đối lời kêu gọi trên khi cho rằng không có ích lợi gì khi bàn tới một động thái “mở cửa” như vậy, chừng nào châu Âu chưa thể bảo vệ được biên giới của mình. Thủ tướng Hungary Orban cho rằng, EU nên lập một quỹ để giúp các nước thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ xử lý dòng người khổng lồ đi qua.

Với quan điểm cứng rắn, Thủ tướng Hungary nói rằng số lượng lớn người đổ tới Đức nên được xem là nhập cư thay vì tị nạn, vì họ đang tìm kiếm một “cuộc sống Đức”, và đã từ chối ở lại quốc gia đầu tiên mà họ đặt chân tới.

Cho đến nay, Hungary, Séc, Ba Lan và Slovakia… vẫn từ chối chấp nhận bất kỳ hạn ngạch nào. Mâu thuẫn sâu sắc về cách đối phó với làn sóng di cư vẫn đang tạo ra không ít thách thức đối với các giá trị cũng như vị thế toàn cầu của EU, đồng thời đe dọa xói mòn tính thống nhất của khối này trong việc cải cách khu vực đồng euro.

Cuộc khủng hoảng di cư không chỉ khiến EU bị coi là "vô dụng", chia rẽ và thiếu lương tâm trong mắt cộng đồng quốc tế, mà nó còn gây ra bất đồng sâu sắc giữa các nước thành viên, kích động chủ nghĩa dân túy chính trị và tư tưởng chống Hồi giáo. Có lẽ cuộc khủng hoảng này đang làm xói mòn lý tưởng về hội nhập châu Âu một cách toàn diện.

Trong bài xã luận “Bừng tỉnh”, tờ Le Monde (Pháp) ra ngày 5/9 không đòi hỏi những lý tưởng tuyệt đối nhưng khuyến cáo các chính phủ châu Âu phải hành động ngay bây giờ vì chỉ vài năm sau, các sử gia sẽ phê phán những người lãnh đạo hôm nay về cung cách đối xử của châu Âu đối với người tị nạn.

Tờ La Croix thì khẳng định: Hơn bao giờ hết, chúng ta phải thông tin nhiều hơn, phải hành động nhiều hơn nữa. Công dân châu Âu đã thức tỉnh. Cái chết của một đứa bé ngăn cấm chúng ta dựng lên bức tường vô cảm.

Theo Mộc Thạch - Bảo Trân (tổng hợp)

An ninh Thế giới

Khủng hoảng di dân – châu Âu đã bừng tỉnh? - 4