Hé lộ trạm vũ trụ đầy tham vọng của Trung Quốc
(Dân trí) - Giới chức phụ trách chương trình không gian của Trung Quốc hôm qua đã tiết lộ kế hoạch xây dựng một trạm vũ trụ nặng 60 tấn, gồm 3 khoang và sẽ phát triển một tàu không gian để vận chuyển nhu yếu phẩm lên trạm.
Văn phòng xây dựng trạm vũ trụ có người ở của Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo ngày hôm qua rằng, họ cũng muốn công chúng tham gia gợi ý đặt tên cho trạm vũ trụ này, dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2020.
Theo các tài liệu Văn phòng trên công bố, trạm vũ trụ nặng khoảng 60 tấn, với một khoang chính và 2 khoang sẽ được dùng để thực hiện các cuộc thí nghiệm.
Ngoài ra, một tàu vũ trụ chở hàng dự kiến cũng sẽ được phát triển.
Khoang vũ trụ chính dài 18,1m, với chiều rộng tối đa là 4,2m và có trọng lượng phóng từ 20-22 tấn. Khoang này sẽ được phóng lên vũ trụ trước.
Hai khoang thí nghiệm sẽ được phóng lên sau đó, khớp nối với khoang chính. Mỗi khoang thí nghiệm dài 14,4m và có đường kính tối đa, cũng như trọng lượng phóng cũng bằng với khoang chính.
“Trạm vũ trụ nặng 60 tấn này khá nhỏ so với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) nặng 419 tấn và Trạm vũ trụ Mir của Nga, nặng 137 tấn – trạm vũ trụ phục vụ trong không gian từ năm 1996-2001”, Pang Zhihao, nhà nghiên cứu đồng thời là phó tổng biên tập tạp chí Space International cho hay.
“Nhưng đây sẽ là trạm vũ trụ đa khoang thứ ba trên thế giới – thường đòi hỏi công nghệ tinh vi, phức tạp hơn một phòng thí nghiệm đơn khoang”, ông cho hay.
Văn phòng xây dựng trạm vũ trụ cũng cho biết Trung Quốc sẽ phát triển tàu vũ trụ vận tải, với đường kính tối đa là 3,35m và có trọng lượng phóng dưới 13 tấn. Tàu này sẽ chuyên chở nhu yếu phẩm cũng như các thiết bị của phòng thí nghiệm lên trạm vũ trụ.
Cũng theo ông Pang, đây là lần đầu tiên Văn phòng xác nhận kế hoạch xây tàu vận tải vũ trụ– phương tiện quan trọng trong các sứ mệnh không gian lâu dài.
Công chúng Trung Quốc được kêu gọi tham gia gợi ý đặt tên cho trạm vũ trụ của riêng họ. Trước đây, nước này đã đặt tên cho phòng thí nghiệm trong vũ trụ của mình là “Thiên Cung”, tức cung điện trên thiên đường và tàu vũ trụ chở các nhà du hành là “Thần Châu”, con tàu thần thánh. Tàu tăm dò mặt trăng của nước này được đặt tên “Hằng Nga”. Tuy nhiên, những cái tên này được chọn mà không có sự tham gia gợi ý của công chúng.
Ngoài ra, công chúng cũng được mời gọi tham gia đặt tên cho 3 khoang trên vũ trụ cũng như biểu tượng cho Chương trình xây dựng trạm không gian có người của Trung Quốc cùng biểu tượng cho trạm vũ trụ.
Kết quả cuối cùng sẽ được đưa ra trước cuối tháng 9.
Trung Quốc hiện đang ở giai đoạn hai của chương trình vũ trụ có người của mình. Theo lịch trình, khoang tàu vũ trụ Thiên Cung-1 và tàu vũ trụ Thần Châu VIII sẽ được phóng vào nửa sau của năm nay, trong sứ mệnh khớp nối không người lái đầu tiên. Thần Châu IX và Thần Châu X sẽ được phóng vào năm sau, nhằm khớp nối với Thiên Cung-1.
Tuy nhiên, để các nhà du hành có thể thực hiện sứ mệnh không gian trong một thời gian dài là một vấn đề lớn. Wang Zhaoyao, người phát ngôn của chương trình cho biết họ đang phát triển công nghệ để trước mắt sẽ thực hiện những sứ mệnh ngắn trong vụ trụ cho các nhà du hành (ở ít nhất 20 ngày). Ngoài ra, theo ông, phát triển công nghệ chở hàng là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12.
Theo kế hoạch của Trung Quốc, chương trình không gian có người sẽ đặt nền móng cho những sứ mệnh trong tương lai, như đưa người lên mặt trăng.
Phan Anh
Theo China Daily