1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hậu trường họp quốc hội Trung Quốc: Hết thời tôm hùm, vây cá mập

(Dân trí) - “Giờ đây không có thêm thịt cho các bữa sáng. Chúng tôi ăn buffet y như đi du lịch cùng một công ty lữ hành bình thường và nghỉ trong khách sạn chẳng có sao nào cả”, một đại biểu đang tham dự kỳ họp quốc hội Trung Quốc cho hay.

Một đại biểu quốc hội thuộc dân tộc thiểu số bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Một đại biểu quốc hội thuộc dân tộc thiểu số bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Tự mang theo bàn chải. Đó cũng là một yêu cầu.

Các quan chức quân đội tới Bắc Kinh để tham gia sự kiện chính trị lớn nhất cả nước đã được thông báo tự mang các vật dụng vệ sinh cá nhân. Năm nay, các đại biểu tới sân bay cũng không còn nhìn thấy các nhóm tiếp tân xinh đẹp đứng vẫy tay chào đón và được cảnh sát dẹp đường trên con phố đông đúc ở Bắc Kinh.

Từng được chiêu đãi yến tiệc với tôm hùm và vây cá mập, các đại biểu quốc hội giờ đây phải tự phục vụ mình tại bữa ăn buffet và ở trong các nhà nghỉ thay vì các khách sạn sang trọng.

Trước đó, Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã cấm tiêu pha phung phí và cấm sự phô trương tại kỳ họp quốc hội lần này.

“Các bữa trưa và bữa tối đều đơn giản hơn. Chỉ có 4 hoặc 5 món ăn, và không có hải sản”, Han Deyun, một luật sư từ thành phố Trùng Khánh và là đại biểu quốc hội 11 năm qua, cho hay.

Thực đơn bữa trưa ngày 6/3 dành cho đoàn đại biểu quốc hội Bắc Kinh chỉ gồm có súp trứng, ngô luộc, cải xào, cơm trắng và thịt lợn.

Tình trạng tham nhũng tràn lan và phong cách sống xa hoa của các quan chức - vốn thường sử dụng những chiếc ô tô đắt tiền, sở hữu nhiều biệt thự và cho con cái du học nước ngoài tại các trường danh tiếng - đã trở thành một trong những nguyên nhân gây ra sự giận dữ của công chúng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền.

Ông Tập Cận Bình đã chú trọng tới vấn đề đó kể từ khi trở thành bí thư hồi tháng 11 năm ngoái, cảnh báo rằng tình trạng tham nhũng đe dọa sự sống còn của đảng và yêu cầu các quan chức cắt giảm chi phí. Ông Tập được cho là chỉ ăn uống đơn giản trong các chuyến công tác và yêu cầu xóa bỏ các nghi lễ đón tiếp rườm rà.

Cuộc chiến chống tham nhũng cũng có vị trí quan trọng trong báo cáo công tác chính phủ được công bố tại trong ngày khai mạc kỳ họp quốc hội hôm 5/3, mặc dù cần phải chờ xem liệu chính phủ Trung Quốc có đưa ra các biện pháp cải cách sâu rộng hơn, như yêu cầu tất cả các công chức phải công khai tài sản cá nhân hay không.

Tất nhiên, việc hủy bó các yến tiệc và các hoạt động tương tự như vậy không phải là giải pháp nhằm nhổ tận gốc tình trạng tham nhũng.

Nhưng không phải tất cả các đại biểu tham gia kỳ họp lần này hiểu được thông điệp chống phô trương. Một số thành viên cấp cao của ủy ban cố vấn chính phủ - hầu hết là các ngôi sao và doanh nhân - vẫn được nhìn thấy sử dụng những chiếc túi xách và thắt lưng hàng hiệu. Tuy nhiên, số lượng các trường hợp đã ít hơn nhiều so với vài năm trước, khi cư dân mạng đăng tải ảnh các quan chức đeo đồng hồ Thụy Sĩ và quần áo hàng hiệu.

Daniel Wu, một người say mê đồ hiệu và thường “soi” ảnh các quan chức và đồng hồ họ sử dụng, cho hay mặc dù năm nay anh nhìn thấy ít đồng hồ hàng hiệu hơn nhưng anh cho rằng đó là do mọi người chỉ cố thay đổi hình ảnh bên ngoài chứ không phải sẵn lòng từ bỏ các biểu tượng của quyền lực.

“Mọi người đều thận trọng hơn và chính phủ mới của ông Tập liên tục gửi thông điệp rằng họ phải từ bỏ hàng xa xỉ để người dân thấu hiểu”, Wu nói.

Wu từng thu hút sự chú ý trong cuộc chiến chống tham nhũng sau khi đăng tải ảnh các đại biểu quốc hội đeo đồng hồ Rolex và các loại đồng hồ hạng sang khác có giá hàng nghìn USD mà họ không thể mua nổi bằng tiền lương của chính phủ.

“Rất khó biết họ có thực sự thay đổi để tiết kiệm hơn không, nhưng bề ngoài họ vẫn phải làm vậy. Tôi có cảm giác rằng đây chỉ là sự phô diễn chính trị, không nên được xem là việc chống tham nhũng”, Wu nói.
 
Một đại biểu quốc hội thuộc dân tộc thiểu số bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Khu vực bên ngoài một phòng họp Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh không được trang trí gì để tiết kiệm chi phí.

Về phần mình, quân đội đã yêu cầu các đại biểu quốc hội tự mang đồ dùng vệ sinh cá nhân và đi thành từng nhóm tới Bắc Kinh, tờ báo của quân đội đưa tin. Họ không được phục vụ hoa quả tại phòng khách sạn và không được phép tự do ra ngoài ăn uống.

Liu Lianchang, thuộc một phái đoàn đại biểu từ tỉnh Giang Tô, cho biết các đại biểu được thông báo không mời hoặc nhận các lời mời ăn tối ở ngoài trong thời gian diễn ra kỳ họp, đặc biệt vì lý do cá nhân, và phải “tập trung thời gian và sự chú ý vào các buổi họp”.

“Trước khi tới Bắc Kinh, một số bạn bè đã hẹn gặp tôi, nhưng sau khi tôi nhìn thấy các quy định, tôi đã hủy tất cả các cuộc hẹn”, ông Liu nói.

Các nhà tổ chức kỳ họp quốc hội năm nay thậm chí còn in ít tài liệu hơn, Han Jianmin, một đại biểu khác từ Trùng Khánh, cho biết. Ông này nói thêm rằng các đại biểu còn được phát những chiếc cặp đựng tài liệu rẻ tiền hơn.

“Ấn tượng của tôi là sự kiện này khá đơn giản. Nơi chúng tôi nghỉ cũng đơn giản hơn so với phán đoán của tôi trước đó. Chúng tôi đang ở trong một nhà nghỉ”.

Nỗ lực chống sự lãng phí và tham nhũng của ông Tập Cận Bình một phần xuất phát từ vụ bê bối tồi tệ hồi năm ngoái liên quan tới cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai và gia đình nổi tiếng của ông này.

Ông Bạc đã bị cách chức và bà vợ bị kết tội sát hại một doanh nhân Anh. Trong khi đó, con trai của họ, Bạc Qua Qua, lại vấp phải sự chỉ trích của công chúng vì các cáo buộc rằng anh này được đối xử thiên vị khi nộp đơn vào các trường đại học ở Anh và Mỹ, thường xuất hiện trong các bữa tiệc và lái những chiếc xe siêu sang.

Trong lần cuối cùng xuất hiện trước công chúng hồi năm ngoái, ông Bạc nói rằng chuyện con trai du học là nhờ học bổng và gia đình ông không có tài sản. Giờ đây, ông này đang bị điều tra về cái mà giới chức miêu tả là một vụ tham nhũng lớn.
 

Trong tháng 3 này, Trung Quốc tổ chức kỳ họp thường niên của 2 cơ quan lập pháp và cố vấn, nơi các chính sách quan trọng được thông qua và các vị trí hàng đầu chính phủ được bổ nhiệm. Kỳ họp quốc hội Trung Quốc (NPC) được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, với sự tham gia của 2.987 đại biểu, quốc hội lớn nhất thế giới. Một sự kiện quan trọng khác là Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (CPPCC), với các thành viên là đại diện của các nhóm khác nhau trong xã hội.

 

An Bình
Theo AP