1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hậu trường báo chí tác nghiệp nghẹt thở tại đàm phán Mỹ - Triều

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vừa diễn ra tại Singapore là sự kiện thu hút sự quan tâm sát sao.

Hậu trường báo chí tác nghiệp nghẹt thở tại đàm phán Mỹ - Triều - 1

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vừa diễn ra tại Singapore là sự kiện thu hút sự quan tâm sát sao từ báo giới quốc tế. Đã có hàng nghìn nhà báo đổ về sự kiện này trong 3 ngày để tác nghiệp và đưa tin. Đằng sau những hình ảnh cận cảnh và dòng tin cập nhật liên tục, kịp thời là những trải nghiệm tác nghiệp "dở khóc, dở cười".

Hậu cần chu đáo

Theo thông báo từ Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore, ngay trước thềm hội đàm đã có hơn 2.500 phóng viên đăng ký tác nghiệp về sự kiện này và con số thực có thể hơn 3.000 người. Nhiều báo đài chi mạnh, thuê phòng cho khoảng 100 người ở và đưa tin sự kiện.

Chẳng hạn, tờ The Straits Times (Singapore), Đài NHK (Nhật) đã đặt chuyến bay và phòng khách sạn cho khoảng 100 người; BBC (Anh) cử khoảng 80 phóng viên.

Hàn Quốc - nước theo dõi sát sao kết quả cuộc họp và truyền hình trực tiếp về nước nhà để Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nắm bắt tình hình - đã cử khoảng 100 phóng viên thuộc đoàn truyền thông của Phủ Tổng thống và Bộ Ngoại giao. Đài Truyền hình quốc gia KBS điều từ 60 - 70 người, gồm các phóng viên, nhà sản xuất và quay phim.

Để phục vụ lượng lớn phóng viên đổ dồn tới sự kiện này, Chính phủ Singapore đã thành lập Trung tâm Truyền thông quốc tế (IMC) tại tòa nhà F1 Pit ở khu vực vịnh Marin rộng 2.100m2. Đây vốn là trung tâm tác nghiệp vào dịp Giải đua xe công thức 1 diễn ra ở Singapore. Bên trong IMC có khoảng 2.000 bàn làm việc, 50 phòng truyền thông, khu ăn uống, mạng wifi miễn phí tốc độ cao, điều hòa... Phóng viên cần thẻ ra vào trung tâm, ai đến trước sẽ được sử dụng trước.

Singapore vốn được mệnh danh là thủ phủ ẩm thực thu nhỏ của châu Á, cũng thết đãi các phóng viên với một loạt hơn 20 món ăn yêu thích của địa phương và quốc tế. Trong đó, có nhiều món ăn đặc sản của Singapore như bánh mỳ nướng với dừa và trứng ốp-lết, cơm gà và tôm chiên sốt cay và một số món của châu Á như kim chi Hàn Quốc.

Bên cạnh các đãi ngộ trên, các phóng viên đưa tin sự kiện còn được tặng một túi quà thú vị bao gồm một chai nước, sách hướng dẫn du lịch trên đảo Sentosa nơi cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Mỹ - Triều diễn ra và một chiếc quạt nhỏ có thể cắm vào cổng USB mini hoặc cổng iPhone Lightning để sạc điện giúp các nhà báo bớt nóng giữa thời tiết hầm hập tại Singapore.

Triều Tiên kín bưng, Mỹ hạn chế phóng viên

Mặc dù các phóng viên nhận được những đãi ngộ chu đáo từ nước chủ nhà hội đàm nhưng lại “vật vã” với rào cản từ hai nước tham gia đàm phán như hạn chế khoảng cách tiếp cận, số lượng phóng viên, cấm chụp ảnh, quay phim...

Vốn được biết là đất nước “kín tiếng”, chưa kể đây là lần đầu tiên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có chuyến công tác nước ngoài xa đến như vậy nên Triều Tiên khá cẩn trọng trong mọi tiếp xúc với phóng viên.

Theo lời kể của 6 phóng viên Reuters tác nghiệp hội đàm lịch sử giữa Chủ tịch Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump, 3 ngày đó, hành lang cẩm thạch màu kem của khách sạn St. Regis, một trong những khách sạn sang trọng nhất của Singapore nơi Chủ tịch Kim nghỉ gần như “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Các nhân viên an ninh Triều Tiên không phải là lực lượng duy nhất theo dõi nhất cử nhất động của cánh báo chí mà còn có cả nhân viên khách sạn và cảnh sát Singapore. Công việc của họ là phải đảm bảo các nhà báo không đến gần các lãnh đạo Triều Tiên, đặc biệt là ông Kim.

Ngoài ra, theo Reuters, cánh nhà báo nước ngoài có lúc còn bị cấm chụp ảnh, chỉ duy nhất khoảng một chục nhân viên truyền thông nhà nước Triều Tiên tháp tùng ông Kim được phép đi theo, làm việc trong vòng cấm và ghi hình. Dù vậy, nhóm phóng viên Reuters đến từ Seoul, Hong Kong và Singapore vẫn “chầu chực” tại khách sạn nơi ông Kim ở từ tờ mờ sáng cho đến nửa đêm.

Cuối đêm thứ 2 tại khách sạn St. Regis, một nhân viên an ninh của ông Kim ngồi cạnh một nữ phóng viên Reuters trên hành lang và bất chợt mỉm cười. Đây thực sự là khoảnh khắc đáng giá đối với bất cứ phóng viên nào ở đây vì trước đó tất cả đội ngũ vệ sĩ, nhân viên của Triều Tiên đều tránh tiếp xúc ánh mắt với họ.

Nữ phóng viên Reuters tưởng chừng đây là cơ hội để cô có thể làm quen và tìm hiểu thêm về chuyến thăm của ông Kim nhưng cuối cùng nhân viên đó xua tay, sau đó lôi cặp kính đen, lau và đeo lên mắt bất chấp lúc đó là nửa đêm và đang ở trong phòng.

Rào cản an ninh càng khắt khe hơn khi ông Kim di chuyển. Khi đó, cảnh sát Singapore và giới chức chính phủ có vũ trang hạng nặng sẽ hòa cùng nhóm bảo vệ của Triều Tiên ngăn cản gần như hết tầm nhìn của các nhà báo đang hướng về phía ông Kim. Điện thoại và camera đều bị cấm dùng, bất cứ ai cố tình chụp ảnh đều bị tịch thu và xóa dữ liệu.

Không chỉ gặp rào cản từ phía Triều Tiên, các phóng viên theo dõi Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bị Nhà Trắng hạn chế tiếp cận nhiều phần trong hội nghị thượng đỉnh, theo Washington Post.

Theo quy định tiêu chuẩn đã được Nhà Trắng và cơ quan báo chí thông qua, có một nhóm phóng viên chuyên trách sẽ được phép tiếp cận Tổng thống toàn bộ thời gian và được tham dự bất cứ cuộc họp nào mà báo chí được vào kể cả không gian hạn chế. Nhóm này bao gồm đại diện của các kênh truyền thông như truyền hình, báo in, ảnh.

Sau đó, những thông tin từ nhóm này sẽ được chia sẻ với các báo khác không được tham gia. Nhưng, trong nhiều sự kiện, một số phóng viên của nhóm này không được tham dự như khoảnh khắc chụp ảnh đầu tiên giữa hai lãnh đạo, bữa trưa làm việc...

“Sự hạn chế truyền thông này đã khiến AP gặp rắc rối”, Laurent Easton, Giám đốc quan hệ truyền thông, người phát ngôn của AP nhận định. Nhà Trắng hiện chưa bình luận về các thắc mắc trên.

Theo Trang Trần

Báo Giao Thông