Hậu bão Katrina, người Việt tại Mỹ hồi phục mạnh mẽ
Đã 10 năm trôi qua kể từ khi cơn bão Katrina ập vào TP New Orleans, bang Louisiana – Mỹ, nơi cộng đồng người Việt tập trung đông đảo. “Thành phố chết” năm nào giờ hồi sinh như phép màu kỳ diệu, trong đó có dấu ấn "người Việt".
Một tờ báo lớn của Mỹ, The New York Times, không tiếc lời khen ngợi sự hồi phục mạnh mẽ ở TP New Orleans – khu vực bị tàn phá nặng nề sau khi cơn bão Katrina ập vào đây hồi tháng 8-2005, tàn phá mọi thứ và khiến hàng ngàn cư dân địa phương phải dời đến nơi khác.
Nằm ở rìa Đông thành phố, khu dân cư Village de l’Est của người Việt cũng chịu chung số phận. Nước lũ cuốn trôi nhà cửa, hàng hóa, xe cộ… buộc những người sống sót tìm nơi trú ẩn và trắng tay trong chốc lát.
Hai người Mỹ gốc Việt Phuc Nguyen (phải) và Victoria Nguyen dọn vườn ở TP New Orleans. (Ảnh: The New York Times)
Nhưng giờ đây, khu phố Việt ở TP New Orleans hồi sinh một cách ấn tượng, với các nhà hàng nhộn nhịp khách ra vào, nhà cửa gọn gàng và những bãi cỏ được tỉa tót cẩn thận. Đường sá cũng được tu sửa thuận tiện cho giao thương, đi lại. Trong khi đó, phần lớn các khu vực xung quanh vẫn gặp nhiều khó khăn.
The New York Times cũng ngạc nhiên khi trong số những người di dời sau cơn bão Katrina, người Việt trở lại đông nhất để tái xây dựng nhà cửa, nhiều hơn bất kỳ cộng đồng người da đen hay da trắng nào. Điều này lý giải tại sao khu phố Việt mau chóng lấy lại vẻ sầm uất. Ngoài ra, biểu hiện trầm cảm hậu thảm họa Katrina trong cộng đồng người Việt ít hơn hẳn so với các cộng đồng khác ở New Orleans.
Tờ báo Mỹ cho rằng đặc trưng văn hóa của người Việt Nam khiến cộng đồng người Mỹ gốc Việt quay trở lại “quê hương thứ hai” của họ. Hơn nữa, do New Orleans là thành phố có nhiều vùng đất trũng dễ bị ngập lụt nhưng giá đất đai ở đây rẻ. Tính gắn kết cộng đồng mạnh mẽ cũng là lý do khiến nhiều nhiều người Việt rủ nhau quay về.
Điểm cuối cùng, người Việt tại Mỹ tạo được hình ảnh tốt trong mắt cư dân bản xứ. Một nhân viên từ thiện đã về hưu ở New Orleans nhận xét người Việt không ngừng cải thiện cuộc sống và muốn đóng góp cho xã hội. Bản thân người này cũng cảm thấy “rất hạnh phúc khi có những người Việt sống ở đây”. Chính vì vậy, họ tạo được thiện cảm và dễ dàng nhận được sự giúp đỡ.
Các cửa hàng của người Việt tại Village de L'Est họat động trở lại. (Ảnh: The New York Times)
Theo P.Nghĩa/The New York Times
Người Lao động