Hành trình dọc dòng sông dài nhất Trung Á
(Dân trí) - Cùng khám phá cuộc sống dọc dòng sông huyết mạch dài nhất Trung Á, sông Syrdarya, được hình thành trên các đỉnh núi của Kyrgyzstan.
Syrdarya bắt nguồn từ các đỉnh núi của Kyrgyzstan, là dòng sông huyết mạch của cả vùng Trung Á, tuy nhiên, hiện các chuyên gia thời tiết lo ngại các dòng sông băng “nuôi dưỡng” dòng sông này có thể sẽ biến mất.
Rất nhiều người dân làng Kyrgyzstan lấy nước thẳng từ các dòng suối trên núi. Những đứa trẻ này ngày nào cũng phải đi lấy nước về nhà.
Kyrgyzstan đang xây dựng các con đập và nhà máy thủy điện trên dòng sông để cung cấp điện cho nước này và để xuất khẩu. Tuy nhiên, kế hoạch bị đất nước láng giềng Uzbekistan phản đối, do nước này cũng dựa vào nguồn nước trên sông Syrdarya để tưới tiêu.
Hồ chứa nước Toktogul được xây dựng từ thời Liên Xô cũ, để tưới tiêu cho những cánh đồng trồng bông rộng lớn tại Uzbekistan. Vào mùa đông, Kyrgyzstan dùng nước trên sông để sản xuất điện, khiến các nông dân ở Uzbekistan bị thiếu nước vào mùa hè.
Mặc dù sông Syrdarya nằm gần đó, nhưng nhiều làng mạc không có nước sạch để dùng. Những người giàu có ở làng Almalyk mới có tiền mua nước sạch hoặc trữ nước trong những chiếc thùng như thế này.
Đất nước láng giềng Tajikistan cũng phụ thuộc rất nhiều vào nước để sản xuất điện. Một số vùng không có điện, một số vùng có. Tuy nhiên, mất điện là chuyện cơm bữa. Người đàn ông này đã xây dựng một máy phát thủy điện của riêng mình trên sông Syrdarya.
Những đứa cháu của người đàn ông này vừa mới khỏi bệnh viêm gan, một bệnh rất phổ biến ở ngôi làng của người Tajikistan này. Mọi người cho biết họ bị ốm bởi nước quá mặn và bị ô nhiễm do quá trình thâm canh.
Rời những dãy núi ở Trung Á, sông Syrdarya vươn tới những vùng đồng bằng rộng lớn của Kazakhstan và Uzbekistan, những nước đông dân nhất trong vùng và là những nước nông nghiệp lớn của vùng.
Những cánh đồng bông rộng lớn ở Kazakhstan và ở nước láng giềng Uzbekistan phụ thuộc lớn vào lượng nước của Syrdarya kể từ thời Liên Xô cũ. Dân số phát triển đặt ra yêu cầu hiện đại hóa phương thức trồng trọt để tiết kiệm nước.
Xuôi nữa xuống dòng sông, người Kazakhstan kiếm sống nhờ đánh cá. Nhưng họ cũng đã bắt đầu lo ngại lượng cá đang bị vơi dần do một lượng nước lớn bị "ép" cho chuyển dòng lên thượng nguồn để tưới tiêu.
Những cánh đồng khô hạn này trước kia từng là biển Aral, biển trong đất liền lớn thứ tư thế giới, che phủ. Nhưng hầu hết biển đã biến mất do nước của sông Syrdarya bị đổi dòng để tưới tiêu cho các cánh đồng bông. Giờ đây lạc đà có thể lang thang ở nơi trước kia là lòng biển.
Một chiếc thuyền đánh cá hoen rỉ bị bỏ trên lòng biển cũ. Chính phủ Kazakhstan hiện đang cố gắng thay đổi thảm họa sinh thái ở đây. Nhưng phải mất nhiều thập kỷ nữa biển Aral mới có thể trở lại.
Phan Anh
Theo BBC