Hamas: "Palestine thà chết đói chứ không đầu hàng!"
Đó là câu trả lời của Hamas, nhóm dân quân Hồi giáo vũ trang vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp của Palestine hồi tháng qua, sau khi báo New York Times tiết lộ một kế hoạch giữa Mỹ và Israel nhằm <a href="http://www.dantri.com.vn/Thegioi/2006/2/101971.vi">lật đổ</a> Hamas bằng sức ép tài chính.
Trước nguy cơ các nguồn tài chính từ phương Tây đổ vào Palestine sẽ bị cắt giảm, lãnh đạo Hamas K. Mashaal hồi tuần qua đã bắt đầu chuyến thăm đến hàng loạt quốc gia Hồi giáo để kêu gọi viện trợ. Thông điệp mà ông đưa ra có vẻ rất trái ngược với mục đích chuyến đi: "Chúng tôi là một quốc gia sẵn sàng chết vì đói".
Điều mà ông đang muốn đề cập đến để kêu gọi sự cảm thông từ thế giới Hồi giáo là kế hoạch của Mỹ và Israel mà tờ New York Times tiết lộ, trong đó tập trung vào việc "bỏ đói" Palestine bằng cách cắt đứt các nguồn tài chính từ bên ngoài, từ đó khiến người dân quay lưng lại với chính quyền Hamas và một cuộc bầu cử mới theo kịch bản của Mỹ được tiến hành.
Dù cả Mỹ và Israel đều đã bác bỏ sự tồn tại của kế hoạch này nhưng thực hư vấn đề là điều còn nằm trong vòng tranh cãi. Chỉ biết rằng phương Tây từng đe dọa sẽ cắt 1 tỉ USD viện trợ cho Palestine sau khi Hamas thắng cử và hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này đang xem xét lại chính sách viện trợ cho Palestine.
Bất chấp áp lực từ phương Tây, lãnh đạo Mashaal của Hamas vẫn hùng hồn tuyên bố: "Sẽ không có chuyện công nhận Israel và sẽ không có thứ an ninh nào cho những kẻ xâm lược". Israel cũng đáp lại bằng một thứ ngôn ngữ cứng rắn không kém: "Chúng tôi hứa là sẽ không có chuyện đàm phán hay thương lượng gì với một chính quyền Palestine do một nhóm khủng bố kiểm soát".
Giữa bầu không khí quá căng thẳng đó, người ta có thể nghe thấy những tiếng nói đầy quan ngại. Giáo sư S. Mishal của Trường đại học Tel Aviv (Israel), cũng là một chuyên gia về Hamas, cảnh báo rằng việc cắt viện trợ cho Palestine có thể dẫn đến hậu quả gậy ông đập lưng ông. "Ở giai đoạn hiện nay, bạn không thể dựa vào thứ logic là nếu không có viện trợ, người dân Palestine không thể xoay xở gì được và họ sẽ phải đầu hàng". Ông giải thích: "Palestine có thể gây ảnh hưởng đến cả thế giới Hồi giáo... Khi người ta nhìn thấy ảnh những đứa trẻ đang đói khát, người ta sẽ quyên góp để giúp Palestine. Phương Tây thì lúc nào cũng kêu gọi dân chủ nhưng lại loại bỏ dân chủ khi nó không thích hợp với họ".
Trong khi đó, vị thế của Hamas chưa bao giờ vững vàng như hiện nay, sau khi được nhiều người dân ủng hộ nhất trong cuộc bầu cử vừa qua. Tổ chức từng thực hiện hầu hết các cuộc đánh bom tự sát nhắm vào Israel này càng có thể mạnh miệng: "Thế giới phải tôn trọng dân chủ vì chúng tôi là kết quả của dân chủ. Chúng tôi đang đại diện cho phần lớn người dân Palestine".
Tuy nhiên, sự cắt giảm viện trợ từ phương Tây cùng với khoản tiền thuế 50 triệu USD nhờ Israel "thu giúp" mà nước này dọa sẽ ngừng chuyển cho Palestine sẽ khiến chính phủ của Hamas phải sa thải hàng trăm ngàn lao động. Israel cũng đang nắm nhiều vũ khí sắc bén khác: kiểm soát quyền di chuyển của người dân cũng như hàng hóa Palestine giữa Dải Gaza và Bờ Tây cũng như nắm chìa khóa cánh cổng vào Israel của người lao động Palestine. Giải pháp chỉ có thể là ngồi vào bàn đàm phán, nhưng ở vị thế nào thì còn tùy thuộc vào số lượng "vũ khí" mà từng bên đang nắm giữ.
Theo Kiều Oanh
Thanh niên/JP, AP, CNN