Hải trình tàu “Chernobyl nổi” của Nga gây xôn xao
(Dân trí) - Hải trình đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga với biệt danh tàu “Titanic hạt nhân” hay “Chernobyl nổi” khiến nhiều người lo ngại về những nguy cơ có thể xảy ra liên quan tới thảm họa hạt nhân trên biển.
Tàu Akademik Lomonosov, nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP) đầu tiên của Nga, đã bắt đầu hải trình đầu tiên từ St. Petersburg tới Murmansk hôm 28/4. Nhà máy này sẽ được nạp nhiên liệu hạt nhân trước khi di chuyển tới khu vực Viễn Đông của Nga. Tàu Akademik Lomonosov dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2019 tại Bắc Cực, ngoài khơi bờ biển Chukotka gần cảng Pevek.
Chuyến đi đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Nga đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông, trong đó tập trung vào những mối nguy hiểm tiềm tàng của tàu này. Truyền thông đã trích dẫn nhận định của các chuyên gia môi trường - những người đặt cho tàu này những biệt danh như “Titanic hạt nhân” và “Chernobyl nổi”, gợi nhắc tới một vụ chìm tàu và một vụ nổ nhà máy điện hạt nhân tai tiếng trong lịch sử.
“Khi các lò phản ứng hạt nhân di chuyển trên Bắc Băng Dương, chúng sẽ tạo ra mối đe dọa đáng sợ đối với môi trường, vốn đã chịu sức ép rất lớn từ hiện tượng biến đổi khí hậu”, chuyên gia hạt nhân Jan Haverkamp cho biết.
Theo chuyên gia Haverkamp, các nhà máy điện hạt nhân nổi không đủ sức chống chọi với sóng thần và lốc xoáy. Mặc dù cho đến nay, sóng thần chưa đánh chìm bất kỳ tàu nào chứa lò phản ứng hạt nhân, song chúng từng gây thiệt hại nặng nề cho nhà máy điện hạt nhân đặt ở ven biển tại Fukushima, Nhật Bản. Ngoài ra, giới chuyên gia môi trường cũng lo ngại các nhà máy điện hạt nhân nổi có thể gặp các vấn đề liên quan tới khủng bố, các tảng băng dày hay rác thải hạt nhân.
Tuy nhiên, theo RT, tàu Akademik Lomonosov của Nga không phải là lò phản ứng hạt nhân đầu tiên nổi được đưa ra biển. Hàng chục tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân do một số quốc gia trên thế giới vận hành, bao gồm hạm đội tàu sân bay hạt nhân của Mỹ và các tàu hạt nhân dân sự hộ tống, cũng ra khơi, song không nhận được sự quan tâm quá mức của truyền thông như vậy. Trong khi đó, tập đoàn Rosatom của Nga, đơn vị sản xuất tàu, cũng khẳng định tất cả các nguy cơ tiềm tàng mà tàu Akademik Lomonosov có thể gặp phải đều đã được tính đến trong quá trình chế tạo.
“Nhà máy điện hạt nhân nổi được thiết kế với độ an toàn cao, vượt qua tất cả các mối đe dọa tiềm tàng và giúp các nhà máy này có thể chống chọi với các đợt sóng thần hoặc thảm họa thiên nhiên. Hơn nữa, các quy trình hạt nhân trên nhà máy điện hạt nhân nổi cũng đáp ứng tất cả yêu cầu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và không gây nguy hiểm tới môi trường”, đơn vị sản xuất tàu cho biết.
Nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga được trang bị 2 lò phản ứng KLT-40S có khả năng sản xuất 70 megawatt điện và 50 gigacalorie mỗi giờ. Các lò phản ứng này là phiên bản mới của các lò phản ứng KLT-40M từng được trang bị trên các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Taymyr.
Nhiệm vụ chính của nhà máy điện hạt nhân nổi là cung cấp điện cho các khu công nghiệp xa xôi, cũng như các dàn khoan dầu khí ngoài biển. Một nhà máy như vậy có thể đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng và nhiệt của một thành phố 100.000 dân. Tuổi thọ của tàu là 40 năm và có thể được kéo dài lên tới 50 năm.
Thành Đạt
Theo RT