1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hải quân đánh bộ Mỹ bắt đầu dùng F/A-18 "nghĩa địa"

Do thiếu máy bay chiến đấu mới, lực lượng hải quân đánh bộ Mỹ đã bắt đầu sử dụng các chiến đấu cơ cũ lấy từ các “nghĩa địa máy bay”.

Hải quân đánh bộ Mỹ thiếu máy bay trầm trọng

Kênh truyền hình Fox News của Mỹ đưa tin, do đang lâm vào tình trạng thiếu máy bay trầm trọng nên Lực lượng không quân của Hải quân đánh bộ Mỹ đã bắt đầu sử dụng máy bay McDonnell Douglas F/A-18 cũ, đã hết hạn sử dụng, nhiều chiếc bị gỉ sét.

Kênh truyền hình Mỹ Fox News cho biết, độ tuổi trung bình của chiến đấu cơ theo quy định trong điều lệ kỹ thuật của máy bay quân sự Mỹ là 27 năm.

Trong 10 năm qua, Bộ quốc phòng Mỹ đã cắt giảm một nửa kinh phí cho các chương trình của không quân. Việc thiếu hụt ngân sách đã khiến cho không quân Mỹ phải cắt giảm số lượng lớn nhân lực và vật lực, cả lực lượng tác chiến và lực lượng bảo đảm.

Kể từ khi kết thúc chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư, số lượng nhân viên không quân Mỹ đã giảm 30%, số lượng máy bay giảm 40%, số lượng phi đội máy bay chiến đấu giảm 60%.

Lực lượng không quân trong tất cả các quân chủng hiện thiếu khoảng 700 phi công và khoảng 4.000 chuyên gia và thợ kỹ thuật để có thể duy trì hoạt động của các máy bay trong điều kiện cần thiết.

Hiện nay, nhóm hàng không của lực lượng hải quân đánh bộ Mỹ đang bị “co lại”. Họ còn sở hữu 276 chiếc F/A-18 Hornet, chiếm hơn 2/3 số lượng máy bay của toàn bộ lực lượng (còn lại là khoảng 140 chiếc AV-8B Harrier đã cũ, tỷ lệ rơi và gặp sự cố kỹ thuật cao).

2 chiếc F-35C Lightning II và 2 chiếc F/A-18E/F Super Hornet bay qua căn cứ huấn luyện của không quân hải quân Fallon ở Nevada
2 chiếc F-35C Lightning II và 2 chiếc F/A-18E/F Super Hornet bay qua căn cứ huấn luyện của không quân hải quân Fallon ở Nevada

Ngày 20/4 năm nay, Phó tư lệnh hải quân đánh bộ, phụ trách lực lượng không quân của USMC là ông Jon Davis đã báo cáo trước Thượng viện Mỹ rằng, trong số 276 chiếc F/A-18 Hornet (số hiện đại nhất) cũng chỉ có 87 chiếc đủ điều kiện an toàn bay, chiếm tỷ lệ có 32%.

Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện thường xuyên, để hàng trăm phi công có đủ số giờ bay tích lũy kinh nghiệm điều khiển máy bay, sử dụng thành thạo vũ khí, họ cần phải có ít nhất là 58% số lượng máy bay F/A-18 đủ điều kiện cất cánh.

Hơn nữa, hiện khoảng 40 chiếc Hornet đang được triển khai ở tây Thái Bình Dương và chiến trường Trung Đông. Ngoài ra, còn 30 chiếc khác đang trong biên chế các phi đội huấn luyện cơ bản của hải quân đánh bộ Mỹ (USMC - United States Marine Corps).

Điều này khiến cho hàng trăm phi công khác của hải quân đánh bộ (không tham gia đánh IS hoặc tuần tiễu ở Tây Thái Bình Dương) đang sử dụng vẻn vẹn có 17 chiếc F/A-18.

Mà những chiếc máy bay này vì tránh quá tải nên mỗi tuần cũng chỉ cất cánh vài lần, trong thời gian ngắn, không đủ để các phi công có số giờ bay tương đối, nhằm mục đích tối thiểu là duy trì kỹ thuật bay của bản thân.

Theo tin của kênh truyền hình Mỹ, nguyên nhân chính khiến hải quân đánh bộ thiếu máy bay là do kế hoạch chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5, phiên bản cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) F-35B gặp quá nhiều trục trặc.

Do đó, kế hoạch bổ sung máy bay tiêm kích mới F-35B cho Hải quân đánh bộ bị trì hoãn chưa biết đến khi nào mới thực hiện được, trong khi các máy bay AV-8B Harrier II đã quá cũ và hay gặp tai nạn, đồng thời những chiếc F/A-18 còn lại có thể bay được cũng rất ít.

Bởi vậy, hải quân Mỹ đã tiếp tục phải giữ lại nhà máy sản xuất tiêm kích F/A-18 Super Hornet ở St Louis, Missouri.

Hải quân Mỹ quyết định bổ sung thêm các tiêm kích hạm F/A-18 E/F Super Hornet bằng cách chi 185 triệu USD mua thêm 2 máy bay trong năm tài chính 2017 và 1,3 tỷ USD cho 14 chiếc khác trong năm 2018 để duy trì lực lượng cho các phi đội Hornet.

Tuy nhiên, do ngân sách phân bổ quá ít nên 16 chiếc F/A-18 này không thấm vào đâu so với nhu cầu sử dụng của USMC. Vì vậy, họ bắt buộc phải lôi chiến đấu cơ cũ từ “nghĩa địa máy bay” ra sử dụng.

Có khoảng 30 máy bay ném bom phiên bản cũ F/A-18C Hornet đã được kéo về từ "nghĩa địa máy bay của không quân" ở bang Arizona. Những chiếc máy bay này sẽ được đại tu theo hợp đồng đã được ký vào năm 2014 giữa Boeing và hải quân đánh bộ Mỹ.

Theo tiết lộ của kênh truyền hình, cho đến lúc này, Boeing đã hoàn thành cải tạo 2 trong tổng số 30 máy bay chiến đấu cũ, chúng đã nhiều năm "đóng bụi và bị rỉ sét bao phủ" tại căn cứ không quân Davis-Monthan ở Tucson, nơi nổi tiếng là "nghĩa địa của công nghệ hàng không".

Hải quân đánh bộ Mỹ đã phải lôi F/A-18C từ “nghĩa địa máy bay” về sử dụng
Hải quân đánh bộ Mỹ đã phải lôi F/A-18C từ “nghĩa địa máy bay” về sử dụng

Căn cứ này được xác định là một khu quân sự cấm của chính phủ Hoa Kỳ. Đây cũng là căn cứ của Trung tâm sửa chữa và tái chế máy bay số 309 (Aerospace Maintenance and Regeneration Center-AMARC) của không quân Mỹ, tổng cộng có 7.000 nhân viên.

Đây là một “nghĩa trang máy bay” rất lớn của Mỹ, là nơi tập kết và bảo quản hàng nghìn máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng “về hưu” của Bộ quốc phòng Mỹ, lực lượng bảo vệ bờ biển, Cục hàng không vũ trụ, lực lượng vệ binh quốc gia và 1 số lực lượng khác.

Tại đây người ta phân ra làm bốn loại máy bay: Thứ nhất, tình trạng còn tốt, dùng để dự bị cho lực lượng máy bay hiện đang sử dụng trong không quân, sẵn sàng đưa ra sử dụng trong thời gian ngắn nhất. Số máy bay F/A-18C Hornet được kéo về tái sử dụng nằm trong số này.

Loại thứ hai, có số lượng ít hơn là sau một thời gian bảo dưỡng, thay thế một số bộ phận mới có thể tiếp tục hoạt động trở lại.

Loại thứ 3 là không còn khả năng bay, sẽ tháo lấy các bộ phận linh kiện còn tốt, dùng để thay thế cho các loại máy bay cùng chủng loại.

Loại thứ tư là máy bay bị tiêu hủy, vài bộ phận được thu hồi làm thép phế liệu, đưa vào lò nấu tái chế.

Theo Toàn Thắng

Đất Việt