1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hải Dương 981 - Toan tính và hệ quả trên Biển Đông - Kỳ 3

Trung Quốc vốn vẫn nổi tiếng là bậc thầy trong cách lựa chọn thời điểm đưa ra các quyết định chiến lược. Tháng 4-5/2014 đã có khá nhiều sự kiện tạo thuận lợi cho một quyết định như vậy. Trước hết đó là Hội nghị an ninh quốc gia thông qua khái niệm an ninh quốc gia mang đặc sắc Trung Quốc.

Lựa chọn Thời điểm

Tiếp theo là chuyến thăm châu Á của Tổng thống Obama tạo cớ cho Trung Quốc có phản ứng ngay nhằm ngăn chặn làn sóng hồ hởi của khu vực sau chuyến đi và chứng minh với khu vực sự ủng hộ của Mỹ nếu có tranh chấp chỉ là những phát biểu hoa mỹ.

Thứ ba, tình hình bất ổn ở Ukraine làm Mỹ và EU phân tán. Nga bị cô lập, cần sự hậu thuẫn của Trung Quốc, nước đã bỏ phiếu trắng với Nghị quyết của HĐBA về vấn đề Crimea. Nga và Trung Quốc đã tuyên bố tập trận chung ở biển Hoa Đông một ngày trước khi triển khai giàn khoan Hải Dương 981. Tổng thống Putin đã thăm chính thức Trung Quốc ngày 20-21/5/2014 với một hợp đồng mua bán khí đốt 400 tỷ USD và coi đây là thời điểm tốt nhất trong quan hệ giữa hai nước. Một liên minh Nga-Trung đang hình thành thách thức các quyền lợi của Mỹ.

Hải Dương 981 - Toan tính và hệ quả trên Biển Đông - Kỳ 3
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin chứng kiến lễ ký hợp đồng khí đốt khổng lồ giữa hai nước tại Thượng Hải, ngày 21/5. Ảnh: AFP-TTXVN

Thời điểm này cũng là lúc ASEAN có quá nhiều bận rộn. Malaysia vẫn đang đau đầu với vụ MH 370, các cuộc bầu cử chưa ngã ngũ ở Indonesia, khủng hoảng chính trị tại Thái Lan. Hội nghị cấp cao ASEAN 10/5/2014 sẽ khó lòng có được sự đồng thuận cao trước sự lấn lướt của Trung Quốc và kịch bản không có Tuyên bố chung như năm 2012 có thể lặp lại. Sau một thời gian yên ổn không quá ngắn từ sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị và Thủ tướng Lý Khắc Cường năm 2013, Đông Nam Á sẽ lại bất ngờ dù chiến thuật "tằm ăn dâu" hay "bóc bắp cải" của Trung Quốc đã được biết đến nhiều lần nhất là từ năm 2009.

Tháng 5 cũng là thời điểm bắt đầu lệnh cấm bắt cá phi pháp hàng năm của Trung Quốc ban hành từ năm 1998 nhưng vẫn không ngăn được hoạt động của ngư dân Việt Nam hay Philippines trên vùng biển của họ. Đưa giàn khoan ra, Trung Quốc muốn tăng cường hiện diện, đẩy lui sự có mặt của ngư dân đồng thời cũng hạn chế các bên huy động tàu cá “quấy rối” hoạt động của dàn khoan Trung Quốc. Lựa chọn này còn nhằm lúc Việt Nam đang có Hội nghị Trung ương IX, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhắc đến công lao giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc nên sẽ dễ không chuẩn bị đề phòng.

Lựa chọn đối thủ

Sau Nhật Bản ở Hoa Đông, Philippines ở Scarborough, Việt Nam trở thành đối thủ va chạm trực tiếp của Trung Quốc trong khu vực. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh một Việt Nam lớn mạnh, vượt tầm kiểm soát không phải là ưu tiên trong chính sách của Trung Quốc. Những tín hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam phục hồi sau khủng hoảng và sự cải thiện quan hệ Việt – Mỹ lên tầm đối tác hợp tác toàn diện không khỏi làm Trung Quốc khó chịu. Họ không lựa chọn Philippines vì nước này là đồng minh của Mỹ, vừa ký Hiệp định hợp tác quân sự 10 năm chia sẻ các căn cứ quân sự với Mỹ.

Một hành động quá giới hạn sẽ buộc Mỹ có phản ứng không có lợi, Philippines đang kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài. Ra tay với Manila sẽ làm thế giới đánh giá tính hẹp hòi trong quan hệ quốc tế và thúc đẩy Tòa ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc. Đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam sẽ như một cảnh cáo Việt Nam không tham gia ủng hộ vụ kiện của Philippines, buộc Việt Nam phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh, chấp nhận gác tranh chấp cùng khai thác. "Nắn gân" được Việt Nam thì sẽ khống chế các nước ASEAN khác dễ dàng.

Hải Dương 981 - Toan tính và hệ quả trên Biển Đông - Kỳ 3
Tại cuộc hội thảo với chủ đề: “Philippines, Việt Nam và các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông” ngày 3/6 tại Washington, các học giả bày tỏ đặc biệt quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông do các hành động gây hấn của Trung Quốc gây ra. Ảnh: Quang Hòa/TTXVN

Việt Nam chứ không phải Philippines mới là đối thủ chính ngáng đường Trung Quốc xuống phía Nam cả trong lịch sử và hiện tại. Chĩa mũi dùi vào Việt Nam sẽ cho cả thế giới và khu vực biết sự kiên định "đường lưỡi bò" dù có phải bỏ qua các quan hệ ý thức hệ hay tình cảm môi hở răng lạnh. Sự kiềm chế của Việt Nam trong các vụ ngư dân bị tấn công, cáp ngầm bị cắt trong thời gian trước có thể tạo ảo tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục kiềm chế, không dám làm lớn, không dám đáp trả trước các vi phạm của Trung Quốc.

Suy nghĩ này càng được củng cố khi nhìn vào nền kinh tế Việt Nam. Năm 2012, tổng thương mại Việt-Trung đạt 41,18 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất gần 12,4 tỷ USD, nhập gần 28,8 tỷ USD. Năm 2013 hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 264,26 tỉ USD trong đó với Trung Quốc là 50,21 tỉ USD tăng 22,0% so với năm 2012. Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đạt 13,3 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 10,0% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2013 là 36,9 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 28,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Trung Quốc còn đầu tư vào một loạt những công trình quan trọng về năng lượng, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Thương mại tiểu ngạch giữa hai nước cũng nghiêng về phía Trung Quốc. Trong tay Bắc Kinh có khá nhiều công cụ kinh tế để gây sức ép. Việt Nam sẽ bị tổn thương nhanh chóng khi không có Mỹ và ASEAN ủng hộ và buộc quay lại quỹ đạo kiểm soát của Trung Quốc.
 
(còn tiếp)
 
Theo Việt Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm