1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hai cực của một Hong Kong

Được biết đến như một nơi giàu nhất thế giới, nhưng Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cũng khiến người ta ngạc nhiên khi có tới gần 20% dân số thuộc diện nghèo.

 
1/3 số người cao tuổi ở Hong Kong thuộc diện nghèo.

1/3 số người cao tuổi ở Hong Kong thuộc diện nghèo.

Ngày 28/9 vừa qua, chính quyền Hong Kong lần đầu tiên công bố chuẩn nghèo. Theo đó, mức xác định đối với hộ nghèo là có thu nhập bằng 50% của hộ thu nhập trung bình.

Căn cứ vào số liệu thu nhập năm 2012, mức chuẩn nghèo của gia đình 1 người là có thu nhập 3.600 HKD/tháng, gia đình 2 người là 7.700 HKD, gia đình 3 người là 11.500 HKD, gia đình 4 người là 14.300 HKD, gia đình 5 người là 14.800 HKD và gia đình từ 6 người trở lên là 15.800 HKD.

Nếu tính theo chuẩn nghèo này, năm 2012, Hong Kong có 1,312 triệu người nghèo, tương đương 19,6% dân số. Trong trường hợp cộng thêm các khoản phúc lợi vào thu nhập, số người nghèo năm 2012 của Hong Kong là 1,018 triệu người, bằng 15,2% dân số.

Điều đáng quan tâm là có tới 537.000 người đang đi làm thuộc diện nghèo và tỉ lệ người nghèo tập trung cao ở nhóm cao tuổi (từ 65 trở lên) khi cứ ba người cao tuổi có một người nghèo. Tính chung, toàn Hong Kong có 296.600 người cao tuổi thuộc diện nghèo.

Trong khi đó, vào tháng 2 vừa qua, Cục trưởng Tài chính Hong Kong Tăng Tuấn Hoa cho biết tỉ lệ người cao tuổi năm 2012 chiếm 14% dân số, dự kiến sẽ tăng lên mức 30% sau 30 năm nữa. Thực tế này sẽ khiến cho việc giải quyết vấn đề nghèo khó ở Hong Kong trở nên khó khăn hơn và cần tới nỗ lực trong thời gian dài.

Ở chiều ngược lại, khó ai có thể phủ nhận Hong Kong là nơi phồn hoa đô hội. Cho dù những năm gần đây, kinh tế thế giới ảm đạm, nhưng các trung tâm mua sắm ở Hong Kong vẫn đông khách. Kết quả điều tra mới đây của hãng thẻ tín dụng Master Card còn cho thấy viễn cảnh tiêu thụ hàng xa xỉ của người Hong Kong lạc quan nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi có tới 75% số người được hỏi nói rằng họ có kế hoạch tiêu thêm tiền cho việc mua hàng xa xỉ.

Bên cạnh đó, Hong Kong cũng là một trong những nơi tập trung nhiều triệu phú nhất châu Á-Thái Bình Dương. Theo xếp hạng của Bộ phận quản lý tài sản thuộc Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) và Công ty Cố vấn Quản lý Cap Gemini (CAP), Hong Kong hiện đứng thứ 6 trong khu vực cả về số lượng triệu phú lẫn tổng giá trị tài sản của họ.

Trong năm 2012, số lượng triệu phú ở đây đã tăng 35,7%, đạt 114.000 người và còn nhiều “cận triệu phú”. Tài sản có thể đầu tư của những người này vì một lí do nào đó giảm đi đôi chút, tuột khỏi ngưỡng 1 triệu USD, nên đã bị loại ra khỏi danh sách điều tra của RBC và CAP.

Thực tế nêu trên đã cho thấy tình trạng giàu nghèo ở Hong Kong đang có xu hướng đi về hai phía ngược nhau. Vấn đề càng trở nên rõ ràng khi trong 10 năm, từ 2001-2011, Hệ số Gini của Hong Kong đã tăng thêm 0,012 điểm lên 0,537 điểm. Điều này chứng tỏ sự bất bình đẳng về phân phối thu nhập ở Hong Kong không những không giảm xuống, mà vẫn ở mức cao, thậm chí còn gia tăng.

Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh từng nói “nghèo khó không chỉ là vấn đề khó khăn của người thu nhập thấp, mà nó còn ảnh hưởng tới sự hài hòa và ổn định của Hong Kong, từ đó ảnh hưởng tới sức cạnh tranh lâu dài của Hong Kong”.

Thực tế cũng cho thấy trong những năm gần đây các vụ đình công, biểu tình ở Hong Kong có xu hướng gia tăng khi lạm phát và giá nhà đều tăng tốc. Với việc lần đầu tiên đưa ra chuẩn nghèo, chính quyền Hong Kong dưới sự lãnh đạo của ông Lương Chấn Anh đã tự đặt áp lực cho mình, nhưng đó là một hành động cầu thị. Bởi khi đặt ra chuẩn nghèo, con số người nghèo sẽ hiện ra, dân chúng cũng có cột mốc rõ ràng hơn để giám sát hiệu quả chính sách giảm nghèo của chính quyền.

Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là chính quyền Hong Kong sẽ đưa ra chính sách gì để giảm lượng người nghèo? Chính sách ấy có trúng đối tượng mục tiêu, đảm bảo tránh lãng phí, mang lại hiệu quả cao hay không?
 
Theo Hà Ngọc
TTXVN tại Hong Kong