1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giới nhà giàu Nga vãi tiền ở Monaco

Sau bước đi tiên phong của tỷ phú Roman Abramovich, tại các điểm nóng trên Cote d’Azur, nơi các tỷ phú Ảrập và các triệu phú Mỹ từng đến đánh bạc, giờ đây đầy người Nga và Ukraine.

Monaco là mảnh đất hình lưỡi liềm kéo dài từ biển lên núi với dân số chỉ khoảng 30 nghìn người, trong đó chỉ có 7 nghìn người mang quốc tịch bản địa. Là một quốc gia nhỏ xíu kẹp giữa Pháp và Italy, nhưng Monaco là một trong những nước giàu có nhất châu Âu.

 

Những luống hoa, những cây cọ và mỗi cm đất tại đây đều được phủ màu xanh, các bến đỗ chật cứng du thuyền, các đường phố trông như vừa được gột rửa, các nhà hàng, sòng bạc, hộp đêm và bãi biển làm nên quanh cảnh của Monaco.

 

Monaco là một trong những quốc gia đắt đỏ và độc đáo nhất châu Âu. Người dân từ khắp nơi trên thế giới đến đây để tiêu tiền. Và mùa hè vừa qua được coi là mùa của "quả bom Nga".

 

"Chúng tôi làm việc ở Monaco 22 năm rồi và mãi gần đây mới gặp người Nga. Họ xuất hiện cách đây 3 năm nhưng năm nay thì họ là khách hàng chủ yếu của chúng tôi", Chantal Sobra, giám đốc một cửa hàng Louis Vuitton, cho hay. Cửa hàng sáng choang ba tầng vừa được nâng cấp này là một trong những shop đắt nhất ở đây.

 

"Người Nga thông thạo mọi thứ, sự cạnh tranh, các sản phẩm mới cũng như xu hướng mới nhất. Và họ còn rất thanh lịch nữa", bà giám đốc mỉm cười và nói giữa đám khách hàng Nga ồn ào. Những phụ nữ trông dáng vẻ tỉnh lẻ đang ra hiệu bằng tay chân để nói với người bán hàng và trông họ không khác gì chị em gái của nàng Lọ Lem trong phim Nga.

 

"Tôi đang đi dạo quanh Monte Carlo thì nhìn thấy cửa hàng này. Tôi vừa mới được tặng một chiếc đồng hồ của hãng nên muốn vào xem. Một chiếc tương tự như thế giá 40 nghìn USD nhưng chiếc của tôi có ít hạt kim cương hơn nên có lẽ nó chỉ khoảng 20 nghìn", một cô gái trông như búp bê Barbie nói với bạn trong quán Cafe de Paris.

 

Và những giai thoại về người Nga ở Monaco.

 

Một người đàn ông cùng rất nhiều bạn gái ăn sáng tại một nhà hàng. Ông đã trả 110.000 euro và boa cho người hầu bàn 10.000 euro.

 

Một tiếng hét với chất giọng khủng khiếp đã khiến tất cả mọi người trong sòng bạc SUN chú ý. Khoản tiền 300.000 euro mà một người Nga không ai biết là ai để thua trong ván bài đã làm giàu vốn từ vựng của người Monaco bằng một từ chửi tục bằng tiếng Nga.

 

Bãi biển trước khách sạn Beach đẹp nhất Monaco là nơi ông hoàng của đất nước nhỏ bé này hay đến nghỉ. Nhưng ở đây, mọi người đã sững sờ khi một cậu bé khoảng 10 tuổi cầm một nắm tiền toàn những tờ 500 euro màu hồng và nói: "Bố, đưa cho con để con tổ chức sinh nhật!".

 

Năm ngoái, chiếc du thuyền của một tỷ phú dầu mỏ Nga đã dừng tại cảng d’Hercule. Nửa đêm, đèn điện và nhạc disco nổi lên. Song, chỉ ít lâu sau, du thuyền này mất quyền đậu và không bao giờ được phép vào lãnh hải Monaco. Tốt nhất là đừng tranh cãi với hoàng tử.

 

Ở Monaco, khách tiêu càng nhiều tiền càng được chào đón. Thậm chí những cảnh sát khắt khe nhất cũng cố gắng không phạt tài xế say xỉn đang lái những chiếc xe sang trọng khi họ rời sòng bạc.

 

Vị vua không vương miện của Monaco, công ty Societe des Bains de Mer (SBM), chủ sở hữu của những khách sạn, sòng bạc và ngân hàng xịn nhất, đã quản lý khối tài sản của họ suốt nửa thế kỷ qua bằng đôi bàn tay sắt. Mỗi khách sạn của SBM có giá phòng thấp nhất là 1.500 USD một đêm và có cả những khu căn hộ với giá từ 2.000 đến 7.000 euro một đêm vào mùa cao điểm.

 

Trước đây, những khách sạn này chỉ có các ông hoàng Ảrập và các tỷ phú Mỹ sử dụng. Giờ đây, người ta thấy khách Nga chật cứng bên trong.

 

"Không khí nghỉ ngơi và lễ hội thường xuyên của địa phương có tác động về tâm lý rất lớn. Mùa hè này, những khoản tiền lớn đã được vung ở Monte Carlo", Alex Oppenot, giám đốc tiếp thị của SBM, cho hay.

 

Bất động sản là mối quan tâm hàng đầu của người Nga ở Cote d’Azur. Giá biệt thự ở đây từ 70 đến 200 triệu euro nhưng tại Cannes, Cap Ferra, Antibes, và đặc biệt là ở Monaco, giá nhà đất đã tăng lên. Biệt thự La Vigie bên bãi biển đẹp nhất của Monte Carlo đã được một người Nga thuê suốt cả mùa hè với giá 80.000 euro một tháng.

 

Du thuyền cũng là một yếu tố gây ấn tượng và kích cỡ là sự cạnh tranh ngầm. Mỗi mét dài thêm ra tiêu tốn của ông chủ khoảng một triệu euro. Những người đóng du thuyền vẫn gặp nhau ở cảng d’Hercule để khoe hàng, mặc cả và nhận đơn đặt hàng.

 

Điểm hấp dẫn nữa của Monaco là phong cách sống tại đây. Ở quốc gia nhỏ bé này, số phòng trưng bày ô tô còn nhiều hơn cửa hàng tạp hóa. Giá một chiếc Maybach hay Lamborghini ở đây chỉ bằng một nửa so với ở Pháp, nơi những mặt hàng xa xỉ bị đánh thuế cao.

 

Trên đại lộ Beaux-Arts, một đường phố nhỏ xíu ở trung tâm Monaco nhưng đầy các cửa hàng trang sức và đồ hiệu, mùi đô la lẫn dầu hoả lan tỏa trong mùa hoa lan. Các bộ sưu tập mùa thu đã bị cơn bão từ Nga quét qua. Một trong những thông điệp phổ biến nhất là "massage sau khi đi mua sắm". Năm nay, lợi nhuận của các cửa hàng ở Monaco tăng 30 đến 40%, chủ yếu là nhờ các khách hàng Nga và Ukraina.

 

"Năm nay người Mỹ ở nhà vì giá đồng đô la sụt giảm và không có lợi khi đi du lịch châu Âu. Người Ảrập có những vấn đề riêng cần giải quyết. Khách Nhật rất hiếm bởi họ sợ khủng bố trên máy bay. Nếu không có khách Nga chắc chúng tôi chẳng lãi được đồng nào", người quản lý của SBM cho hay.

 

Theo Ngọc Sơn

Vnexpress/Moscow News