1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giới luật gia bàn về thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế tại Hà Nội

(Dân trí) - Hôm nay, tại Hà Nội, hơn 100 luật gia của Việt Nam và quốc tế đã tập trung thảo luận về việc thúc đẩy xây dựng và tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế vì sự phát triển của một châu Á năng động nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức.

Ngày 14/6/2016, hội thảo khu vực của Hội Luật Quốc tế Châu Á do Học viện Ngoại giao và Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức đã được khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Luật pháp quốc tế và một Châu Á năng động”.

Hội thảo Luật pháp quốc tế và một Châu Á năng động” được khai mạc tại Hà Nội ngày 14/6 (Ảnh: Mạnh Thắng)
Hội thảo "Luật pháp quốc tế và một Châu Á năng động” được khai mạc tại Hà Nội ngày 14/6 (Ảnh: Mạnh Thắng)

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký kết và thực hiện hiệu quả nhiều điều ước quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau đồng thời tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam, đặc biệt trong việc xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế.

Hội thảo là cơ hội để Việt Nam chuyển tải thông điệp chính sách đến các đại biểu trong và ngoài khu vực, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn quan điểm, quan điểm của Việt Nam về luật pháp quốc tế. Đồng thời, đây cũng là dịp để giới luật gia Việt Nam trao đổi cùng các đồng nghiệp nước ngoài về việc thúc đẩy xây dựng và tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế.

Trong phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiễn sĩ Nguyễn Vũ Tùng, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh, hiện nay các nước châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới đòi hỏi chúng ta phải đánh giá, xem xét lại và hiểu sâu hơn về luật quốc tế.

Hơn 100 luật gia trong và ngoài nước tham dự hội thảo (Ảnh: Mạnh Thắng)
Hơn 100 luật gia trong và ngoài nước tham dự hội thảo (Ảnh: Mạnh Thắng)

Bởi vậy, hội nghị lần này tập trung vào nhiều lĩnh vực luật quốc tế mà chúng ta cùng quan tâm, như việc làm sao để tăng cường thúc đẩy hợp tác khu vực trong thương mại và đầu tư quốc tế; xử lý, giải quyết các xung đột hàng hải và tranh chấp chủ quyền bằng biện pháp hòa bình nhằm duy trì sự ổn định trong khu vực; cách áp dụng, thực thi luật nhân quyền và luật nhân đạo trong bối cảnh mới; thực thi pháp luật về môi trường sau Hiệp định Paris; tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; các tác động pháp lý của TPP; cơ hội và thách thức của khu vực sau khi Cộng đồng ASEAN thành lập.

Tuân thủ cam kết quốc tế là kim chỉ nam cho hội nhập

Phát biểu biểu tại hội thảo, Đại sứ Nguyễn Thị Thanh Hà, cựu vụ trưởng Vụ Pháp luật và Điều ước, Bộ Ngoại giao, khẳng định: “Là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn theo đuổi chính sách đối ngoại là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn tuân thủ tất cả các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, bao gồm điều khoản nghiêm cấm việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia”.

Đồng thời, bà Thanh Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết quốc tế, mà trong đó, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện, coi đó như kim chỉ nam cho sự hội nhập quốc tế của mình.

Các luật gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế đối với sự phát triển của châu Á (Ảnh: Mạnh Thắng)
Các luật gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế đối với sự phát triển của châu Á (Ảnh: Mạnh Thắng)

Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày, gồm 12 phiên với hơn 50 bài tham luận về các lĩnh vực khác nhau của luật pháp quốc tế, từ giải quyết tranh chấp thương mại, luật kinh tế quốc tế,tư pháp quốc tế đến các chủ đề như quyền con người, luật biển, giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia và luật môi trường quốc tế. Trong ngày hôm nay, các đại biểu đã thảo luận các phát triển mới trong lĩnh vực luật kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp thương mại, sở hữu trí tuệ, luật môi trường quốc tế và luật quốc tế về quyền con người.

Hội thảo cũng dành riêng hai phiên thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc thành lập Cộng đồng ASEAN năm 2015 - hai phát triển mới trong khu vực”.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương đòi chủ quyền trên Biển Đông, vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (1982).

Nam Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm