1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giới chức Thái Lan lên tiếng khi mạng xã hội dậy sóng chuyện đổi tên thủ đô

Minh Phương

(Dân trí) - Việc Thái Lan thay đổi tên thủ đô đã kéo theo làn sóng tranh luận trên các diễn đàn, buộc giới chức nước này phải lên tiếng giải thích thêm.

Giới chức Thái Lan lên tiếng khi mạng xã hội dậy sóng chuyện đổi tên thủ đô - 1

Giới chức Thái Lan giải thích Krung Thep Maha Nakhon thực chất là tên gọi chính thức của thủ đô từ năm 2001 (Ảnh: News)

Văn phòng Hội Hoàng gia Thái Lan (ORST) hôm 16/2 thông báo, tên của thủ đô Bangkok sẽ chuyển thành Krung Thep Maha Nakhon. Sự thay đổi này đã được nội các Thái Lan phê chuẩn nhưng vẫn cần sự phê duyệt của một ủy ban đặc biệt của chính phủ trước khi có hiệu lực.
Thông báo này ngay lập tức đã khiến cộng đồng mạng Thái Lan "dậy sóng".

Tuy nhiên, phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Rachada Dhnadirek cho biết, thực tế, không có bất cứ thay đổi nào về tên thủ đô ngoài cách viết dấu câu. Bà cho biết, Krung Thep Maha Nakhon được coi là tên gọi chính thức của thủ đô Thái Lan kể từ năm 2001 và sẽ tiếp tục là tên gọi chính thức. Trong khi đó, tên gọi Bangkok vẫn tiếp tục được công nhận với dấu ngoặc đơn.

"Từ năm 2001, chúng tôi sử dụng cách viết Krung Thep Maha Nakhon; Bangkok với dấu chấm phẩy ở giữa. Bây giờ, cách viết sẽ được đổi thành Krung Thep Maha Nakhon (Bangkok), với dấu ngoặc đơn".

Trên trang Facebook của mình, ORST cho biết, người dân có thể sử dụng song song hai tên gọi Krung Thep Maha Nakhon và Bangkok.

Tên gọi thủ đô Bangkok là thủ đô của Thái Lan phổ biến từ rất lâu, nhưng chính thức được Văn phòng Hội Hoàng gia tuyên bố sử dụng từ tháng 11/2001. Theo giải thích của cố vương Thái Lan Rama IV, Bangkok là tên cũ của cố đô Thon Buri, nay là quận cùng tên của thủ đô Thái Lan, vì nó nằm dọc theo kênh Bangkok Noi và Bangkok Yai.

Trong khi nhiều người cho rằng, cách gọi Bangkok (tiếng Anh) dễ đọc, dễ nhớ hơn Krung Thep Maha Nakhon, nhưng ORST cho biết, việc thay đổi là cần thiết để phản ánh đúng hơn "tình hình hiện tại".

Krung Thep Maha Nakhon bắt nguồn từ tên gọi đã được rút gọn của nghi lễ Krung Thep Mahanakhon Amon Rattanakosin Mahinthara Ayuthaya Mahadilok Phop Noppharat Ratchathani Burirom Udomratchaniwet Mahasathan Amon Piman Awatan Sathit Sakkathattiya Witsanukam Prasit. Tên gọi gồm 21 chữ này được tạm dịch là "Thành phố của các thiên thần, thành phố vĩ đại của những người bất tử, thành phố tráng lệ của chín viên ngọc quý, nơi ở của nhà vua, thành phố của các cung điện hoàng gia, quê hương của các vị thần, được Vishvakarman dựng lên theo lệnh của thần Indra".

Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang hôm 16/2 cho biết, tên gọi Krung Thep Maha Nakhon thực tế không hề thay đổi bởi vì nó đã được sử dụng từ năm 2001. Tuy nhiên, hầu hết người nước ngoài dùng cách gọi Bangkok.

Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan Itthiphol Kunplome cũng cho biết, ông đồng tình với tên gọi chính thức Krung Thep Maha Nakhon vì nó gợi ánh hào quang của thủ đô. Ông cho rằng tên gọi Bangkok chủ yếu được sử dụng trên phim ảnh, quảng cáo.

Trong khi đó, Nang Mwe Phaung, một du học sinh Myanmar, 22 tuổi, nói rằng với khách du lịch, cách gọi Bangkok dễ dùng hơn Krung Thep Maha Nakhon. Việc sử dụng 2 tên gọi có thể gây khó khăn cho giao tiếp giữa người bản địa và người nước ngoài.

Chyuo Tan, 27 tuổi, một giáo viên người Singapore, cho rằng Bangkok nên được coi là cách gọi quốc tế bởi người nước ngoài không thể phát âm tên gọi dài bằng tiếng Thái Lan.