1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giới chức Nga khó bỏ thói quen dùng đôla

(Dân trí) - Hôm 21/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định nới lỏng dự luật cấm sử dụng từ "đôla" sau khi các ông chủ của điện Kremlin, trong đó có cả chính ông, nhận thấy khó có thể thực hiện quy định này.

Năm ngoái, giới chức lãnh đạo Nga đã bước đầu thông qua một dự luật mà theo đó những quan chức chính phủ nào dùng từ “đôla” hay “euro” trong trường hợp có thể dùng từ “rúp” sẽ bị phạt tiền.

 

Tuy nhiên, một số lãnh đạo cấp cao nhất của điện Kremlin, trong đó có Tổng thống đương nhiệm Putin và Phó Thủ tướng thứ nhất Sergei Ivanov, vẫn dùng đôla để định giá cho một số giao dịch và các khoản chi tiêu lớn.

 

Tổng thống Putin đã ký một sắc lệnh yêu cầu các quan chức chính phủ cố gắng không định giá bằng ngoại tệ, trừ các hợp đồng với nước ngoài. Tuy nhiên, sắc lệnh này, được đăng tải trên website www.kremlin.ru, không hề đề cập đến các hình thức phạt.

 

Giới cầm quyền đã sửa đổi đáng kể dự luật về việc sử dụng từ “rúp”, trong đó có việc bỏ quy định phạt tiền, trước khi dự luật được đa số thành viên của Duma quốc gia Nga thông qua.

 

Đôla Mỹ đã trở thành đơn vị tiền tệ phổ biến ở Nga sau khi Liên bang Xô Viết tan rã. Khi đó, đồng rúp không ổn định nên nhiều người Nga chuyển tiền lương sang đồng đôla ngay sau khi lĩnh lương.

 

Những người ủng hộ biện phạt tiền thì cho rằng quy định này có thể giúp nâng cao niềm tự hào đối với đồng nội tệ của Nga.

 

Giá trị đồng rúp đã tăng mạnh so với đồng đôla vì đợt tăng giá dầu lửa lớn nhất kể từ thập niên 70 đã tăng nguồn thu ngoại tệ của Nga và tăng ngân khố quốc gia.

 

Năm ngoái, giá trị đồng rúp đã tăng 4,3% so với giỏ đôla/euro của ngân hàng trung ương và một số nhà sản xuất của Nga cho rằng việc đồng rúp tăng giá đang làm giảm lợi nhuận xuất khẩu.

 

Một số ngân hàng lớn ở Phố Wall, Mỹ, thậm chí đã khuyên mua đồng rúp - đơn vị tiền tệ đã từng bị các thương gia coi là không ổn định sau đợt mất giá của đồng rúp vào năm 1998.

 

Trong buổi họp báo thường niên hồi tháng 2, Tổng thống Nga Putin đã dùng từ “đôla” chín lần, trong khi Phó Thủ tướng Ivanov dùng đôla để định giá các hợp đồng mua bán vũ khí.

 

Tháng 5 năm ngoái, các quan chức dùng chữ “đôla” trong những trường hợp có thể dùng từ “rúp” có thể bị phạt khoảng 5000 rúp, tương đương 98 bảng Anh, cho mỗi lần vi phạm. Khi đó, Bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin gọi các khoản phạt này là “ngớ ngẩn” vì nhiều hợp đồng quốc tế vẫn dùng đôla và euro làm đơn vị tiền tệ để định giá.

 

Như Tùng

Theo Reuters