1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Diễn giả Mỹ tiết lộ bà Clinton từng là mục tiêu tấn công của tin giả

(Dân trí) - Giáo sư trợ giảng tại Trường Truyền thông của Đại học Mỹ đã chia sẻ với độc giả Việt Nam những thách thức về tin tức thật - giả trong thời đại công nghệ hiện nay cũng như biện pháp để đối phó với thực trạng này.

Diễn giả Maggie Farley trình bày về tin giả và cách ứng phó với tin giả tại Trung tâm Mỹ. (Ảnh: Thành Đạt)
Diễn giả Maggie Farley trình bày về tin giả và cách ứng phó với tin giả tại Trung tâm Mỹ. (Ảnh: Thành Đạt)

Bà Maggie Farley, Thạc sĩ Đại học Harvard và là Giáo sư trợ giảng tại Trường Truyền thông của Đại học Mỹ, đã chia sẻ về việc ứng phó với tin giả trong cuộc trò chuyện tại Trung tâm Mỹ vào chiều ngày 22/10 tại Hà Nội.

Theo Giáo sư trợ giảng Farley, tin giả là thông tin đưa ra sai lệch với chủ ý thao túng, lừa đảo, gây ảnh hưởng tới người tiếp nhận thông tin hoặc làm lợi cho người cung cấp thông tin. Đặc điểm của tin giả là rất dễ lan truyền và phạm vi rất rộng. Bà Farley cho biết tin giả có thể gây ra nhiều tác hại, thậm chí có thể gây chết người hoặc biến đổi xã hội.

Bà Farley lấy ví dụ về những tin giả được đưa ra trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Người tung tin trên mạng nói rằng các cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton chỉ cần cầm điện thoại và nhắn tin bầu chọn, còn nếu muốn bầu cho ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, họ phải trực tiếp tới nơi bỏ phiếu. Tuy nhiên, đây là thông tin sai lệch vì thực chất, việc bỏ phiếu bằng tin nhắn không được coi là hợp lệ.

img_0335-crop

Bà Farley lấy một ví dụ về tin giả được tung ra trước thềm cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 liên quan tới cách thức bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton. (Ảnh: Thành Đạt)

Bà Farley nhận định não bộ của con người có xu hướng thích tin giả do thường bị thu hút bởi những thông tin sống động, gây bất ngờ và mang lại nhiều cảm xúc. Bà Farley nói rằng công chúng hiện nay tin cậy video hơn so với tin tức thông thường. Tuy nhiên, ngay cả video cũng có thể bị làm giả và việc xác định video là giả hay thật còn khó hơn so với tin tức. Bà Farley cho biết video giả hiện chưa nhiều, nhưng trong khoảng 5 năm tới sẽ rất phổ biến.

Bà Farley đã lấy dẫn chứng từ một đoạn video do Đại học Washington thực hiện trong một cuộc nghiên cứu về video giả. Nghiên cứu này đã tổng hợp nhiều video quay hình ảnh cựu Tổng thống Barack Obama và tìm ra đặc thù về khẩu hình của ông. Sau đó, họ sử dụng trí tuệ nhân tạo để dựng một video mới, lồng tiếng và làm ra một video giả với nội dung mà ông Obama chưa bao giờ nói.

“Các chính phủ và xã hội hiện nay phải đương đầu với những thách thức về tin giả. Các chính phủ gặp nhiều khó khăn trong việc vừa đảm bảo quyền tự do ngôn luận của người dân nhưng cũng phải bảo vệ người dân trước hệ quả của tin giả”, bà Farley chia sẻ.

Giải pháp nào đối phó tin giả?

Diễn giả Mỹ giới thiệu một số công cụ để kiểm tra thông tin thật - giả. (Ảnh: Thành Đạt)
Diễn giả Mỹ giới thiệu một số công cụ để kiểm tra thông tin thật - giả. (Ảnh: Thành Đạt)

Theo Giáo sư trợ giảng Farley, các nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook, Twitter hay Google đều phải xây dựng các biện pháp để xử lý tin giả. Google hiện có chức năng Reverse Image Search giúp xác định một hình ảnh bất kỳ đã từng xuất hiện trước đó hay chưa hoặc có bị chỉnh sửa so với ảnh gốc hay không. Facebook cũng áp dụng các chính sách ngăn chặn thông tin sai lệch trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ vào tháng 11 tới, trong khi Twitter đã đóng các tài khoản ảo để ngăn tin giả lan rộng.

Bà Farley cũng giới thiệu một số công cụ trực tuyến giúp người đọc kiểm tra thông tin thật - giả như NewsGuard hay Newstrition. Công cụ NewsGuard sẽ cung cấp các tiêu chí mà một tin tức được coi là tin tốt phải đáp ứng được như có dẫn nguồn, kiểm tra thông tin thực tế hay đính chính khi xảy ra sai sót.

Tuy vậy bà Farley khẳng định công cụ hiệu quả nhất hiện nay vẫn là não bộ của con người vì não sẽ giúp xử lý thông tin ngay cả khi công nghệ chưa kịp cập nhật. Bà Farley khuyên độc giả nên tìm hiểu từ nhiều nguồn khác nhau cho một thông tin và đưa ra đánh giá cụ thể.

“Tôi muốn nói với các bạn rằng cần cân nhắc kỹ trước khi chia sẻ thông tin lên mạng”, bà Farly nhấn mạnh.

Thành Đạt