1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giải Nobel Hòa bình 2013 đã có chủ

(Dân trí) - Chiều nay (11/10), Ủy ban Nobel Na-uy đã chính thức tuyên bố trao giải Nobel Hòa bình 2013 cho tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), với mong muốn đóng góp vào nỗ lực cấm phổ biến vũ khí hóa học toàn thế giới.

Trụ sở của OPCW tại Hà Lan.
Trụ sở của OPCW tại Hà Lan.

Trước giờ trao giải, hầu hết các hãng cá cược tại châu Âu cũng như các nhà phân tích đều cho rằng Malala Yousafzai, nữ sinh 16 tuổi người Pakistan là người có cơ hội giành giải cao nhất.

Khả năng này càng trở nên rõ ràng hơn khi trong ngày 10/10, Malala được nhận giải thưởng Sakharov của Nghị viện châu Âu. Đây được xem như giải thưởng về nhân quyền cao quý nhất châu lục này, với giá trị tiền thưởng 50.000 euro.

Dù vậy chỉ ít giờ trước khi giải thưởng được công bố, truyền thông Na-uy đã dự báo OPCW sẽ được trao giải.

Có trụ sở tại Hague, Hà Lan, OPCW là một tổ chức nhỏ được thành lập để thực thi Công ước 1997 về vũ khí hóa học. Công ước này cấm việc phát triển, sản xuất, mua, cất giữ, tái chiếm dụng, chuyển giao hoặc sử dụng vũ khí hóa học.

Đến nay đã có 189 quốc gia thông qua công ước này, trong đó có 7 nước gồm: Albania, Ấn Độ, Iraq, Libya, Nga và Mỹ cùng với một quốc gia giấu tên tuyên bố có kho vũ khí hóa học. Những vũ khí này bao gồm khí mù tạc và các loại khí thần kinh, ví dụ như sarin hay VX.

Vào ngày thứ Hai (14/10) tới, Syria sẽ trở thành quốc gia thành viên tiếp theo của OPCW. Những tuần gần đây, tổ chức này đã trở thành tâm điểm chú ý khi cử các thanh sát viên tới giám sát quá trình giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria, bất chấp tình hình giao tranh ác liệt.

Cho đến nay tổ chức này đã thực hiện hơn 5000 đợt thanh tra tại 86 quốc gia. OPCW khẳng định 100% các kho vũ khí hóa học được khai báo đã được kiểm kê và xác nhận. Theo đó 57.740 tấn, tương đương 81,1% các kho vũ khí hóa học đã bị tiêu hủy.

Trong tuyên bố của mình Ủy ban Nobel khẳng định OPCW được vinh danh vì “những công việc rộng khắp để loại trừ vũ khí hóa học”.

“Những sự kiện gần đây tại Syria, nơi vũ khí hóa học đã được sử dụng, đã cho thấy sự cần thiết phải đẩy mạnh những nỗ lực loại trừ thứ vũ khí này”, Thorbjørn Jagland, chủ tịch Ủy ban Nobel Na-uy khẳng định.

Nhưng ông Jagland cũng lưu ý rằng giải thưởng được trao cho OPCW không chỉ bởi tình hình tại Syria mà bởi công việc của tổ chức này sốt những năm qua. Ông cho biết OPCW đã được đề cử trong những năm trước.

“Giải giáp vũ khí luôn là ý nguyện nổi bật của Alfred Nobel. Ủy ban Nobel Na-uy đã thông qua rất nhiều giải thưởng để khẳng định phải loại trừ vũ khí hạt nhân”, Jagland khẳng định. “Với việc trao giải cho OPCW, Ủy ban muốn đóng góp vào nỗ lực loại trừ vũ khí hóa học”.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm