1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Giải mã" và "giải độc" thánh chiến IS

Sau hàng loạt các vụ tấn công khủng bố đẫm máu dưới sự chỉ đạo của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), giới điều tra đang bắt đầu nghi ngờ về cái gọi là “chiến thuật náu mình” của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Rất có thể, đây chính là “tấm vé thông hành” hợp thức hóa các hành vi nhằm che giấu đức tin và trà trộn vào xã hội phương Tây. Chiến thuật này cho phép người theo đạo Hồi trong trường hợp nguy hiểm cận kề, chẳng hạn như bị truy xét, được phép che giấu tín ngưỡng bằng những hành vi không phù hợp với tôn giáo của họ.

Những kẻ khủng bố đã lợi dụng quy tắc trên để có thể “hòa tan” vào xã hội phương Tây nhằm che giấu kế hoạch phạm tội, chờ thời điểm thuận lợi để thực hiện mệnh lệnh chỉ huy của IS.

Chiến thuật náu mình

Nhiều chuyên gia cho rằng, “chiến thuật náu mình” đã được các phần tử khủng bố áp dụng từ lâu nhằm mục đích che mắt mọi người xung quanh, ẩn đi suy nghĩ của bản thân để đạt được chiến thắng sau cuối. Rõ ràng, đối với các chiến binh thánh chiến, chiến thuật này cho phép họ hợp thức hóa các hành vi nhằm che giấu đức tin, và âm thầm tiến hành các âm mưu khủng bố mà không ai có thể phát hiện ra.

Để tiến hành cuộc chiến chống phương Tây, IS đã triển khai một cách bài bản chiến thuật này. Trường hợp của anh em nhà Abdeslam, những kẻ chủ mưu vụ tấn công đêm 13-11-2015 ở Paris, là một ví dụ.

Chính quyền nhiều quốc gia cùng những “ông lớn” như Facebook hay Twitter đang nỗ lực chống lại các chiến dịch tuyên truyền cực đoan trên Internet của IS.
Chính quyền nhiều quốc gia cùng những “ông lớn” như Facebook hay Twitter đang nỗ lực chống lại các chiến dịch tuyên truyền cực đoan trên Internet của IS.

Trước khi xảy ra vụ việc, anh em nhà Abdeslam thường xuyên có mặt tại các hộp đêm ở Brussels (Bỉ), thích uống rượu, hút thuốc và tán tỉnh các cô gái. Nhờ vậy, không một cá nhân nào lường trước được các hành vi khủng bố cho đến khi mọi việc đã diễn ra trót lọt, khiến nhiều người bị thương và thiệt mạng.

“Chiến thuật náu mình” cũng đã được Mohamed Lahouaiej Bouhlel, thủ phạm lái chiếc xe tải đâm vào đám đông đang xem pháo hoa mừng quốc khánh Pháp tại thành phố Nice đêm 14-7, sử dụng triệt để nhằm biến Nice lại trở thành “thủ phủ Hồi giáo cực đoan”, tạo nên nỗi hoang mang lan rộng trong cộng đồng nước Pháp.

Các kết quả điều tra cho thấy, nhiều hành vi trong đời thường của tên này mâu thuẫn với những quy tắc của đạo Hồi, cho phép hắn phá vỡ các quy tắc của đạo Hồi để có thể “xâm nhập” vào xã hội phương Tây cũng như thoát khỏi “tầm ngắm” của giới chức.

Bouhlel là một người xa lạ đối với các quy định nghiêm ngặt của đạo Hồi khi hắn không tới nhà thờ Hồi giáo, không cầu nguyện, không tuân thủ các quy tắc của đạo Hồi trong tháng ăn chay Ramadan (như uống rượu, ăn thịt lợn, dùng ma túy và có đời sống tình dục phóng túng.).

Mohamed Lahouaiej Bouhlel đã chuẩn bị kế hoạch giết người từ nhiều tháng. Các nhân viên điều tra và chuyên gia pháp lý đã tìm thấy trong điện thoại của hắn những thông tin cho thấy tên này đã khảo sát một số địa điểm có đông người tụ tập.

Lâu nay IS vẫn sử dụng Internet và mạng xã hội để tuyển mộ cho “vương quốc Hồi giáo”, đồng thời khuyến khích các tay súng trên khắp thế giới tấn công khủng bố.
Lâu nay IS vẫn sử dụng Internet và mạng xã hội để tuyển mộ cho “vương quốc Hồi giáo”, đồng thời khuyến khích các tay súng trên khắp thế giới tấn công khủng bố.

Cụ thể, một trong những hình ảnh tìm thấy trên điện thoại liên quan đến một màn bắn pháo hoa ngày 15-8 năm ngoái, một cuộc thi chạy diễn ra ngày 10-1 dọc đại lộ Promenade des Anglais và một số địa điểm khác ghi rõ thời gian mở cửa khu vực dành cho các cổ động viên bóng đá trong thời gian diễn ra vòng chung kết giải Vô địch bóng đá châu Âu (EURO) 2016 tại Pháp.

Nhiều quan điểm nhận định rằng, các phần tử Hồi giáo sử dụng “chiến thuật náu mình” đang bị cực đoan hóa rất nhanh, trong cả hệ ý thức và sự tinh vi trong hành động bạo lực.

Các vụ tấn công khủng bố cho thấy diễn biến cảm xúc của thủ phạm đi từ nỗi tuyệt vọng đến sự tự tôn vinh bản thân kèm theo rối loạn tâm trí.

IS đã mang đến cho những phần tử cực đoan như Mohamed Lahouaiej Bouhlel hay anh em nhà Abdeslam cảm giác của một đấng toàn năng - vừa là người đại diện vừa là đao phủ của Chúa Trời. Tờ Nice Matin gọi việc những kẻ cực đoan thực hiện “chiến thuật náu mình” nhằm che giấu ý định phạm tội là lộ trình chống lại những kẻ ngoại đạo.

Rõ ràng, mọi thủ phạm đang nghe theo thông điệp của IS và thực hiện hành động tàn sát một cách độc lập. Chúng đã bị “thánh chiến hóa” thông qua những tư tưởng cực đoan được truyền bá rộng rãi, bị tẩy não và nhồi nhét những ý thức “chống lại phương Tây” để buộc phải tuyên thệ trung thành với IS.

Trên mạng Internet, IS đã phát tán rộng rãi các tài liệu có tiêu đề “Làm thế nào để tồn tại ở phương Tây?” nhằm giúp những người “có thiện cảm” với IS có thể dễ dàng ẩn mình trong xã hội phương Tây.

“Làm sạch” truyền thông

Điều gì đã thúc đẩy nhiều cá nhân “liều mình” đánh đổi mạng sống để sát hại những người không cùng tôn giáo? Các nguyên nhân xã hội như nạn thất nghiệp, việc bị giam giữ, thái độ bài ngoại, các vụ phạm tội nhỏ không giải thích được tất cả.

Trên thực tế, những cá nhân này đều có sự bất ổn tâm lý, Hồi giáo cực đoan chỉ cần làm nốt những điều còn lại bằng cách tuyên truyền. Họ đã bị “nhiễm độc” khi nghe theo thông điệp của IS và đã thực hiện hành động tàn sát một cách độc lập.

Do vậy, chống lại tuyên truyền thánh chiến và “giải độc” cho những người mong muốn theo con đường sát hại người khác là thách thức mà cả thế giới đang phải đối mặt trong cuộc chiến đầy cam go với IS.

“Chiến thuật náu mình” cho phép các phần tử cực đoan hợp thức hóa các hành vi nhằm che giấu đức tin, và âm thầm tiến hành các âm mưu khủng bố.
“Chiến thuật náu mình” cho phép các phần tử cực đoan hợp thức hóa các hành vi nhằm che giấu đức tin, và âm thầm tiến hành các âm mưu khủng bố.

Tại phiên họp thảo luận về các nguy cơ khủng bố đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế mới đây, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bày tỏ quan ngại về việc IS, mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và các cá nhân, tổ chức liên quan đang tìm cách lợi dụng khoa học công nghệ, bao gồm cả Internet và các mạng truyền thông xã hội, phục vụ các hoạt động khủng bố.

Việc các đối tượng khủng bố lợi dụng Internet được xem là thách thức mang tính toàn cầu. Bởi vậy, vấn đề này không thể giải quyết thông qua các hoạt động đơn lẻ của các công ty ứng dụng Internet hoặc của các quốc gia, hay các tổ chức phi chính phủ, mà phải thông qua sự kết hợp hoạt động của tất cả các chủ thể này.

Thực tế cho thấy, lâu nay IS vẫn sử dụng Internet và mạng xã hội để tuyển mộ các binh sĩ cho cái gọi là “vương quốc Hồi giáo” tại Iraq và Syria, đồng thời khuyến khích các tay súng trên khắp thế giới thực hiện những vụ tấn công khủng bố.

Trước tình hình này, chính quyền Mỹ cùng những “ông lớn” đang đẩy mạnh các nỗ lực chống lại các chiến dịch tuyên truyền trên Internet của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Đến nay, mạng xã hội Twitter đã cho đóng 200.000 tài khoản được xác định là ủng hộ IS, trong khi kênh chia sẻ video lớn nhất thế giới Youtube cũng đã gỡ bỏ hàng triệu đoạn băng kích động. Riêng mạng xã hội Facebook còn có một đội ngũ hàng trăm nhân viên hoạt động 24/7 để kiểm duyệt và ngăn chặn các nội dung độc hại.

Trong nỗ lực nhằm “làm sạch” mạng truyền thông xã hội, giới chức Đức mới đây đã tiến hành một chiến dịch trên phạm vi cả nước nhằm trấn áp các cá nhân và tổ chức bị cáo buộc truyền bá hoặc có những phát ngôn mang tính thù địch trên Internet.

Chính quyền các bang của Đức cho biết, họ mở chiến dịch nhằm đương đầu một cách quyết liệt với tình trạng gia tăng mạnh mẽ của chủ nghĩa cực đoan thông qua việc truyền bá trên Internet.

Chiến dịch nói trên được triển khai trong bối cảnh dòng người di cư tiếp tục tràn vào Đức và Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tư tưởng cực đoan trên Internet. Nhiều quốc gia khác cũng đang tích cực triển khai những hoạt động tương tự như tại Đức.

Điển hình như ở Malaysia, Bộ trưởng Truyền thông và Đa phương tiện Salleh Said Keruak cho biết, nhà chức trách nước này hiện đã liên hệ với các nhà cung cấp mạng xã hội để phối hợp trong việc xóa bỏ các tài khoản liên quan đến chủ nghĩa cực đoan.

Giới chuyên gia cho rằng, những bước đi mạnh mẽ kể trên đang khiến những kẻ ủng hộ IS vấp phải áp lực lớn, buộc phải thu hẹp quy mô hoạt động, phạm vi tuyên truyền cũng như tiếp cận các nhóm đối tượng lôi kéo.

Các tài khoản trên mạng Internet ủng hộ IS đã có ít người theo dõi hơn, khiến IS cũng khó lòng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tuyển mộ chiến binh rầm rộ và rộng rãi như trước đây. Tuy nhiên, IS vẫn cố gắng duy trì sự hiện diện tại những mạng xã hội lớn, bởi đó là mảnh đất đầy tiềm năng cho việc tuyển dụng các chiến binh.

Nhiều ý kiến cho rằng, còn quá sớm để khẳng định “bộ máy tuyên truyền” của IS đang đuối sức. Những động thái mà Đức, Mỹ, Malaysia cũng như nhiều quốc gia khác đang thực hiện chỉ là “phát súng mở màn” nhằm mục đích triệt tiêu những mầm mống cực đoan trên mạng xã hội ngay khi chúng có dấu hiệu nảy sinh…

Theo Tố Uyên

An ninh thế giới