1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Giải mã" công cụ tuyên truyền đặc biệt ở Triều Tiên

(Dân trí) - Tại một quốc gia nơi người dân bị hạn chế tiếp cận với internet và có rất ít kênh truyền hình được phép phát sóng, áp phích là một trong những cách hiệu quả nhất để chính phủ Triều Tiên truyền đạt thông tin tới công chúng trên cả nước.

Người Triều Tiên mang áp phích trong cuộc biểu tình chống Mỹ ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Người Triều Tiên mang áp phích trong cuộc biểu tình chống Mỹ ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Đối với nhiều người nước ngoài, những tấm áp phích tuyên truyền tại Triều Tiên thường truyền tải các thông điệp quân sự và chống Mỹ. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Katharina Zellweger, người từng sống ở thủ đô Bình Nhưỡng 5 năm khi còn làm việc cho một tổ chức thuộc chính phủ Thụy Sỹ, áp phích của Triều Tiên có thể ẩn chứa những điều đặc biệt khác về quốc gia bí ẩn này.

Ngoài những hình ảnh liên quan tới quân sự, hầu hết áp phích tại Triều Tiên đều ca ngợi nền nông nghiệp và khoa học của nước này. Với mục đích khuyến khích lao động chăm chỉ và đoàn kết, các áp phích tại Triều Tiên thường sử dụng hình ảnh những công dân kiểu mẫu với nụ cười thường trực và ca ngợi các thành tựu của đất nước.

Hình ảnh phụ nữ

Áp phích của Triều Tiên với khẩu hiệu Trồng thêm nhiều bông! (Ảnh: SCMP)
Áp phích của Triều Tiên với khẩu hiệu "Trồng thêm nhiều bông!" (Ảnh: SCMP)

Những người lính xuất hiện trong các áp phích tuyên truyền chống Mỹ hoặc chống Nhật tại Triều Tiên luôn luôn là đàn ông. Trong khi đó, hình ảnh phụ nữ thường được chọn để truyền tải các thông điệp liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp của nước này.

“Hình ảnh nông dân (trên áp phích) gần như lúc nào cũng là những người phụ nữ đang cười, kêu gọi thúc đẩy các chính sách nông nghiệp mới, nuôi thỏ và sản xuất bông”, Zellweger cho biết.

Theo Florian Knothe, giám đốc Đại học Bảo tàng và Triển lãm nghệ thuật tại Hong Kong, những áp phích có hình ảnh phụ nữ thường được sử dụng để tuyên truyền các chủ đề liên quan đến lao động hoặc khoa học.

Truyền đạt thông tin

Khẩu hiệu Hãy nuôi thêm động vật ăn cỏ! trên áp phích Triều Tiên (Ảnh: SCMP)
Khẩu hiệu "Hãy nuôi thêm động vật ăn cỏ!" trên áp phích Triều Tiên (Ảnh: SCMP)

Các nhà chức trách Triều Tiên sử dụng áp phích làm công cụ để truyền đạt thông tin tới người dân. Tại một quốc gia nơi người dân bị hạn chế tiếp cận với internet và có rất ít kênh truyền hình được phép phát sóng, áp phích là một trong những cách hiệu quả nhất để đưa thông tin tới đa số công chúng trên cả nước.

“Năm 2008, một áp phích từng được công bố để tuyên truyền kế hoạch điều tra nhân khẩu (tại Triều Tiên). Theo đó, tất cả mọi người đều hiểu rằng họ cần phải ở nhà để gặp những người tiến hành cuộc điều tra này”, Zellweger cho biết.

Gia nhập Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 2005, Triều Tiên cũng phát hành nhiều áp phích tuyên truyền việc cấm hút thuốc lá. Theo WHO, Triều Tiên hàng năm đều tổ chức Ngày Không hút thuốc lá Thế giới.

Ca ngợi sự phát triển

Áp phích với nội dung Hãy mang thêm điện tới chiến trường nơi chúng ta khai phá những vùng đất mới! (Ảnh: HongKongfp)
Áp phích với nội dung "Hãy mang thêm điện tới chiến trường nơi chúng ta khai phá những vùng đất mới!" (Ảnh: HongKongfp)

Áp phích tuyên truyền tại Triều Tiên có thể được sử dụng để thông báo về sự thay đổi trong nội bộ đất nước. Trước đây, Triều Tiên cũng từng sử dụng áp phích để công bố những chính sách ưu tiên của ban lãnh đạo.

“Mọi người có thể thấy qua thời gian, nhiều chính sách khác nhau đã được truyền đạt tới người dân. Các áp phích có thể cho thấy sự thay đổi của xã hội, tăng trưởng kinh tế hoặc tiến bộ về khoa học như quá trình phủ sóng mạng lưới điện trên cả nước”, Knothe cho biết.

Theo Knothe, việc tuyên truyền bằng áp phích đã mang lại sự thay đổi trong ngành trồng trọt ở Triều Tiên và kỹ thuật canh tác của người dân từ đó cũng hiệu quả hơn. Knothe lấy dẫn chứng là áp phích có hình một chiếc kính hiển vi và một loạt các loại cây trồng với dòng chữ: “Cải tiến để tìm ra những hạt giống có năng suất cao cho nhiều loại cây trồng nhằm mang lại mùa màng bội thu”.

“Đó là thông điệp rất thô sơ và trực diện, nhưng tôi cho rằng đó là minh chứng điển hình cho các chính sách nhằm cách mạng hóa nền nông nghiệp”, Knothe nhận định.

Hình thức ít thay đổi

Tấm áp phích với hình ảnh trẻ em Triều Tiên chơi đùa cùng nhau (Ảnh: SCMP)
Tấm áp phích với hình ảnh trẻ em Triều Tiên chơi đùa cùng nhau (Ảnh: SCMP)

Mặc dù nội dung các áp phích thường ca ngợi sự tiến bộ của Triều Tiên, song phong cách trình bày của các áp phích này vẫn gần như không thay đổi kể từ thập niên 1950 đến nay. Triều Tiên hiện nay vẫn vẽ áp phích theo truyền thống của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đây là cách vẽ từng một thời phổ biến trong cộng đồng các nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa.

“Tôi không thấy có sự thay đổi thực sự trong cách vẽ, họ vẫn đi theo truyền thống của riêng họ. Những tấm áp phích cho thấy cùng một kiểu vẽ nhất định. Mặc dù tất cả áp phích đều có sự khác biệt rõ rệt về màu sắc cũng như cách chúng truyền tải thông tin tới người xem, nhưng bố cục của hình ảnh khá đồng đều từ trước đến nay”, Knothe cho biết.

Điều Knothe thấy thú vị là cách kết hợp giữa phần cận cảnh và hậu cảnh trong các áp phích của Triều Tiên. Đây là kiểu sắp xếp được phân định rất rạch ròi. Phía trước áp phích thường đặt hình ảnh của người truyền tải thông điệp và kết nối với bối cảnh phía sau.

Vẽ bằng tay

Áp phích được thiết kế để tuyên truyền hoạt động trồng trọt tại Triều Tiên (Ảnh: HongKongfp)
Áp phích được thiết kế để tuyên truyền hoạt động trồng trọt tại Triều Tiên (Ảnh: HongKongfp)

Hầu hết các áp phích của Triều Tiên ban đầu đều được vẽ bằng tay. Điều này cho thấy quy trình phát hành áp phích tại nước này gần như không thay đổi trong hàng chục năm qua.

“Thông thường chính phủ sẽ thông báo chủ đề, ví dụ như nuôi thỏ, sau đó các họa sĩ sẽ vẽ áp phích. Tương tự một cuộc thi, một hoặc hai áp phích sẽ được chọn, sau đó được in thành hàng nghìn bản”, Zellweger cho biết.

Nhiều áp phích tại Triều Tiên xuất xứ từ Xưởng nghệ thuật Mansudae - một cơ sở nhà nước với sự tham gia của khoảng 1.000 họa sĩ giỏi nhất. Ngoài áp phích, cơ sở này cũng sản xuất tượng, tranh, đồ gốm và các tác phẩm nghệ thuật khác.

Màu sắc

Áp phích cổ động hoạt động thể thao tại Triều Tiên (Ảnh: SCMP)
Áp phích cổ động hoạt động thể thao tại Triều Tiên (Ảnh: SCMP)

“Các màu sắc biểu tượng truyền thống tại Triều Tiên dựa trên 5 yếu tố kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Do vậy, các áp phích cũng sử dụng 5 màu cơ bản là xanh, đỏ, vàng, trắng và đen”, Zellweger nói.

“Các màu sắc đều có ý nghĩa riêng. Đỏ không chỉ là màu của chủ nghĩa xã hội mà còn là màu của sự gây hấn và sự say mê. Màu xanh dương có nghĩa là hòa bình và hòa hợp. Ngoài ra, màu này cũng thể hiện cho sự thống nhất và thường được sử dụng cho các áp phích mang tính giáo dục. Màu đen tượng trưng cho sự u tối và điều xấu xa, nên thường được dùng trong các áp phích chống Mỹ và chống Nhật. Còn màu vàng thể hiện cho sự thịnh vượng và huy hoàng”, Zellweger nói thêm.

Tỷ lệ biết chữ

Gạo là chủ nghĩa xã hội. Hãy tập trung mọi nỗ lực để phát triển nông nghiệp! là nội dung câu khẩu hiệu trên áp phích của Triều Tiên (Ảnh: SCMP)
"Gạo là chủ nghĩa xã hội. Hãy tập trung mọi nỗ lực để phát triển nông nghiệp!" là nội dung câu khẩu hiệu trên áp phích của Triều Tiên (Ảnh: SCMP)

Gần như tất cả các áp phích tại Triều Tiên đều có những câu khẩu hiệu được in lớn. Tại Triều Tiên, việc dạy chữ cho người dân là bắt buộc và miễn phí. Mặc dù tỷ lệ biết chữ có thể không đạt tới con số 100% như các quan chức Triều Tiên từng tuyên bố, song Zellweger nói rằng các áp phích được thiết kế để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có thể đọc được.

“Tôi chưa bao giờ gặp một đứa trẻ hay một người lớn nào ở Triều Tiên mà không biết đọc, viết hay làm những phép toán đơn giản”, Zellweger, người từng sống ở Triều Tiên, cho biết.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm