Giải mã bí mật lật đổ hoàng đế Trung Hoa cuối cùng
(Dân trí) - Phải mất hơn 100 năm những âm mưu và những vụ hối lộ nhằm lật đổ hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa mới được một nhà sử học Trung Quốc xâu chuỗi.
Phổ Nghi được đưa vào cung để làm hoàng đế khi mới 2 tuổi 10 tháng.
Bị đưa ra khỏi nhà khi còn là một đữa trẻ chập chững và được phong là thánh sống, Phổ Nghi đã gào khóc khi được đưa tới Tử Cấm Thành, để tiếp nối hàng ngàn năm chế độ phong kiến ở Trung Quốc. Khi đó, Phổ Nghi mới 2 tuổi 10 tháng.
Nhưng chỉ vài năm sau, vào năm 1912, khi cách mạng ở Trung Quốc sôi sục, chính người mẹ nuôi của ông, Long Dụ Thái hậu, ký giấy, ép buộc ông thoái vị.
Kể từ đó, nhiều câu hỏi đã được đặt ra là vì sao bà lại có vẻ như rất tự nguyện làm điều đó. Và giờ đây, Jia Yinghua, nhà sử học 60 tuổi và là một cựu quan chức chính phủ Trung Quốc, đã tìm ra câu trả lời. Bà đã được hối lộ 20.000 lượng bạc và bị đe dọa chặt đầu nếu từ chối.
Phổ Nghi vẫn là một nhân vật được công chúng Trung Quốc quan tâm. “Ông ấy đặc biệt”, Jia đánh giá. “Ông đã sống qua 3 triều đại. Toàn bộ những xáo trộn trong thế kỷ trước của Trung Hoa có thể được tổng hòa trong ông. Ông từ một hoàng đế trở thành người làm vườn và trong những năm cuối cùng ông đã treo ảnh của chính mình với Chủ tịch Mao Trạch Đông trên khung giường ngủ”.
Trên thực tế, một số khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời Phổ Nghi gây ra những rúng động lớn thậm chí trong cả thời nay, khiến cho một số chi tiết trong tiểu sử của ông vẫn không được công bố ở Trung Quốc, do quá nhạy cảm.
“Thời gian ông thoái vị là thời gian tràn ngập tham nhũng và mua chuộc quan chức”, ông Jia cho hay.
Triều đình phong kiến trong những ngày cuối cùng của triều đại nhà Thanh là cái bóng của chính triều đại cũ. Các nước ngoài, đặc biệt là Anh, sau khi đánh bại Mãn Thanh đã “xẻ thịt”các vùng đất trù phú và “rút ruột” chúng.
Hết tiền, triều đình Mãn Thanh thậm chí còn cầm cố cả những bộ đồ lụa sang trọng của vị vua tiền nhiệm của Phổ Nghi, hoàng đế Quang Tự.
Bên ngoài Tử Cấm Thành, những cuộc nổi dậy đã lan rộng, với người dân kêu gọi một nền cộng hòa.
Nhưng theo nhà sử học Jia, ông Viên đã quyết tâm phế truất hoàng đế cuối cùng, bằng cả những lời dụ dỗ, đe dọa rồi sáu đó là hối lộ những nhân vật chính tại triều đình.
Không chỉ hối lộ người mẹ nuôi của Phổ Nghi mà ông còn hối lộ thái giám thân cận nhất của bà, Xiao Dezheng và Hoàng tử Thế Phả, một trong những người quyền lực nhất tại triều đình.
“Năm 1911, tờ The Times của Anh đưa tin Thế Phả có 2 triệu đô la bạc trong tài khoản ở ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải”, ông Jia cho hay. “Đó là tiền hối lộ để phế truất hoàng đế”.
Trong khi đó, viên thái giám cũng nhận được một khoản tiền tương tự, tương đương với hơn 1 tỷ bảng Anh, quy đổi theo tiền ngày nay. Ông ta đã dùng số tiền đó để xây một ngôi nhà ở Thiên Tân và chất đầy của cái ăn cắp từ cung điện.
Đổi lại, viên thái giám nói với Long Dụ Thái hậu rằng bà sẽ giàu có nếu ký giấy buộc hoàng đế thoái vị. “Và nếu bà từ chối, bà sẽ kết thúc giống như Vua Louis XVI trong thời kỳ Cách mạng Pháp: chặt đầu”, nhà sử học Jia cho hay.
Tướng Viên không dừng lại ở đó. Ông còn gây áp lực lên triều đình khi là người đứng sau một loạt các bức thư đe dọa. “Ông có mối quan hệ tốt với sứ quán Nga và đã yêu cầu viết một bức thư nói nếu không ký giấy, những cường quốc phương Tây sẽ ép buộc điều đó”, Jia dẫn nguồn tin lưu trữ tại Trung Nam Hải.
Theo ghi chép của Zeng Yujun, phụ tá của Tướng Viên, vị tướng này cũng bí mật dàn dựng bức điện tín từ 44 chỉ huy quân đội kêu gọi hoàng đế thoái vị.
Sau khi thoái vị, Phổ Nghi bị buộc phải rời Tử Cấm Thành và khi Cách mạng Tân Hợi bùng nổ, ông được Phát xít Nhật đưa lên làm vua bù nhìn của Mãn Châu Quốc ở Đông Bắc Trung Quốc năm 1934.
Năm 1945, ông bị Quân đội Xô viết bắt. Từ 1949 đến 1959, ông bị Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quản thúc, giam giữ. Tháng 12/1959, ông được tha và sống ở Bắc Kinh như một thường dân, có lúc ông được làm việc trong Vườn thực vật Bắc Kinh. Ông qua đời năm 1967, do bị ung thư thận và mắc bệnh tim.
Vũ Quý
Theo Telegraph