1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giai đoạn khủng hoảng trong mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp sóng gió liên quan đến việc Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd tại Syria, yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gulen về nước...

Quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào giai đoạn khủng hoảng sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7 vừa qua. Không chỉ mâu thuẫn với Mỹ trong yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Giáo sĩ F.Gulen sống lưu vong tại Mỹ về nước, Thổ Nhĩ Kỹ còn chỉ đích danh tướng Mỹ tại Trung Đông đứng đằng sau cuộc đảo chính tại nước này.

Quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào giai đoạn khủng hoảng. (Ảnh: anatoliaturknews)
Quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào giai đoạn khủng hoảng. (Ảnh: anatoliaturknews)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 29/7 cho rằng, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Joseph Votel liên quan đến cuộc đảo chính quân sự vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan cũng bác bỏ những chỉ trích của các nước phương Tây về chiến dịch trấn áp quy mô lớn do chính quyền nước này tiến hành sau vụ đảo chính quân sự vừa qua.

“Lãnh đạo các nước phương Tây bày tỏ lo ngại về những diễn biến sắp tới tại Thổ Nhĩ Kỳ thay vì thể hiện sự cảm thông với những gì chúng tôi đang trải qua. Thay vì chỉ trích, các nước phương Tây nên bày tỏ sự vui mừng và hoan nghênh trước việc Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã có những động thái kịp thời dập tắt được cuộc đảo chính quân sự", ông Erdogan nói.

Tướng Votel ngay lập tức phủ nhận những cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ luôn là một đối tác tốt và Mỹ trân trọng sự hợp tác được duy trì với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong tương lai.

Chính quyền Mỹ cũng lên tiếng bênh vực Tướng Votel, đồng thời bày tỏ lo ngại trước các hoạt động trấn áp của Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhấn mạnh: “Chúng tôi bày tỏ lo ngại sâu sắc về các báo cáo cho rằng có những nhà báo bị bắt giữ và đang tìm kiếm thêm thông tin xác nhận từ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ ủng hộ quyền tự do thể hiện quan điểm trên toàn thế giới. Chúng tôi lo ngại khi bất cứ nước nào có bước đi như đóng cửa các cơ quan truyền thông, giới hạn các giá trị cơ bản này. Chúng tôi hy vọng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuân theo qui định luật pháp và tự do cơ bản”.

Mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua giai đoạn nhạy cảm với những bất đồng liên quan đến việc Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd tại Syria, yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gullen về nước... Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo, mối quan hệ song phương sẽ xấu đi nếu Mỹ không dẫn độ giáo sĩ Gulen về nước.

Trong khi đó, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ thanh trừng các tướng lĩnh quan trọng trong cuộc chiến chống IS do Mỹ dẫn đầu - đây là bước lùi trong mối quan hệ hợp tác Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một đồng minh gần gũi của Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria. Hiện Mỹ đang sử dụng một căn cứ không quân trên lãnh thổ nước này để thực hiện chiến dịch chống IS.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra hiện nay là, liệu những rắc rối liên quan đến yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gulen có thể phá hủy mối quan hệ chiến lược Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ hay không? Theo tờ tin tức hàng ngày Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể vượt qua được những bất đồng này do lợi ích của cả hai bên. Bởi bất đồng với phương Tây sẽ không có lợi cho nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn đối với Mỹ, Washington hiểu rằng, gây căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này sẽ không có lợi và rằng, mâu thuẫn gia tăng với Mỹ cũng có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ quay sang Nga khi mối quan hệ giữa hai bên đang ấm dần trong thời gian gần đây.

Chính vì vậy, để cứu vãn mối quan hệ chiến lược đang có nguy cơ đổ vỡ, ngày 31/7, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ Joseph Dunford có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận các biện pháp tháo gỡ bế tắc trong mối quan hệ song phương./.

Theo Phạm Hà/VOV-Trung tâm Tin/ Tổng hợp