1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giấc ngủ giúp não "tẩy rửa" sạch độc chất

(Dân trí) - Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy khi ngủ chính là lúc não bộ làm sạch các chất thải độc hại sinh ra sau một ngày suy nghĩ. Đây là hoạt động thiết yếu với sự sống nhưng chỉ có thể thực hiện được khi ngủ.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Theo BBC, nghiên cứu trên vừa được các nhà nghiên cứu của Trung tâm y khoa đại học Rochester của Mỹ công bố trên tạp chí Khoa học. Nhóm nghiên cứu này cũng tin rằng “hệ thống loại bỏ chất thải” chính là một trong những lý do cơ bản của giấc ngủ.

Nghiên cứu của họ chỉ ra rằng khi ngủ, các tế bào não co lại để mở ra các khoảng trống giữa các nơ ron thần kinh và cho phép chất lỏng rửa sạch bộ não.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng việc không thể làm sạch một số protein độc hại có lẽ là nguyên nhân góp phần khiến não bị rối loạn.

Một câu hỏi lớn cho các nhà nghiên cứu giấc ngủ đó là vì sao động vật vẫn ngủ cho dù việc này khiến chúng dễ thành mục tiêu của những kẻ săn mồi?

Trước đây giấc ngủ đã được chứng minh có vai trò lớn trong việc hồi phục trí nhớ và khả năng học tập, nhưng các nhà khoa học tại đại học Rochester tin rằng “việc dọn dẹp” mới là một trong những lí do chính của giấc ngủ.

“Bộ não chỉ có một nguồn năng lượng hạn chế và có vẻ như nó phải chọn giữa hai trạng thái chức năng khác nhau: tỉnh táo và nhận thức hay ngủ và làm sạch”, tiến sỹ Maiken Nedergaard nói.

“Bạn cứ tưởng tượng như khi tổ chức một bữa tiệc tại nhà. Bạn chỉ có thể khiến khách vui vẻ hoặc tiến hành dọn dẹp ngôi nhà mà không thể cùng lúc làm cả hai việc đó”.

Phát hiện mới của các nhà nghiên cứu dựa trên khám phá hồi năm ngoái rằng bộ não có một mạng lưới ống vận chuyển chất thải ra khỏi não.

Các nhà khoa học đã theo dõi hoạt động bên trong não của chuột và nhận thấy hệ thống này hoạt động mạnh gấp 10 lần khi chuột ngủ.

Các tế bào trong não, có lẽ là tế bào thần kinh đệm, vốn giúp các tế bào thần kinh tồn tại, sẽ co lại trong giấc ngủ. Hiện tượng này làm tăng kích thước khoảng trống giữa các tế bào não, cho phép nhiều chất lỏng hơn được bơm ra và rửa sạch các chất độc.

Tiến sỹ Nedergaard cho rằng đây là “chức năng sống còn” đối với sự sống nhưng có vẻ lại không thể thực hiện khi não còn thức.

Bà khẳng định với BBC rằng: “Đây mới hoàn toàn là giả thuyết, nhưng có vẻ như bộ não mất nhiều năng lượng khi bơm nước đi khắp não, và có lẽ không thể so sánh với hoạt động xử lý thông tin”.

Bà tin rằng ý nghĩa thực sự của phát hiện này sẽ chỉ được làm rõ khi tiến hành nghiên cứu trên người, nhưng việc thực hiện những thí nghiệm tương tự trong một máy chụp cộng hưởng từ sẽ khá dễ dàng.

Thanh Tùng
Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm