1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

“Giấc mộng Trung Hoa” và canh bạc của lãnh đạo Trung Quốc

(Dân trí) - Kể từ khi lên nhậm chức đến nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những cải cách đầy quyết liệt và được xem như sắp trở thành một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu của Trung Quốc. Tuy vậy, con đường cải cách đó cũng ẩn chứa đầy rủi ro.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một lần đi vi hành
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một lần đi "vi hành"

Nếu thành công trong công cuộc thay đổi cách thức lãnh đạo, kích thích quá trình “tái trẻ hóa” quốc gia và đạt được “Giấc mộng Trung Hoa”, ông Tập Cận Bình có thể sẽ trở thành gương mặt mới nhất được đứng vào hàng ngũ những nhà lãnh đạo để lại dấu ấn lớn trong lịch sử Trung Quốc hậu cách mạng.

Tuy nhiên, những bước cải cách tiếp theo mà ông Tập đang chuẩn bị dấn thân luôn tiềm ẩn nguy cơ gây phản ứng ngược, làm hỏng đi hình ảnh một nhà lãnh đạo được xây dựng một cách kỹ lưỡng.

Nằm trên đỉnh của một cuộc chuyển giao lớn hậu cách mạng, Giấc mộng Trung Hoa đã trở thành một khẩu hiệu dẫn dắt nhiệm kỳ của ông Tập. Các nhà phân tích cho rằng ông chính là người đang cầm trên tay ngọn đuốc để tái kích hoạt đảng Cộng Sản, sau nhiều năm chứng kiến hào quang và khí thế phai nhạt dần.

Khi ông Tập, một nhà lãnh đạo mang tư tưởng thực tế, lên nắm quyền, cũng là lúc khái niệm “Giấc mộng Trung Hoa” lên ngôi. Vị Chủ tịch đã miêu tả giấc mộng này chính là “sự tái trẻ hóa quốc gia, cải thiện đời sống, sự thịnh vượng của người dân và kiến tạo một xã hội tốt hơn đi đôi với củng cố sức mạnh quân sự”.

Nói một cách cụ thể hơn, “Giấc mộng Trung Hoa” được cấu thành từ 4 yếu tố có quan hệ đan xen.

Trước hết, giới lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ một quốc gia mạnh mẽ hơn, với ngụ ý phải đạt được quyền lực cứng – gồm kinh tế, quân sự, khoa học, chính trị và ngoại giao.

Đồng thời họ cũng kêu gọi một Trung Quốc văn minh hơn, với sự công bằng, bình đẳng, đề cao đạo đức; một Trung Quốc hài hòa, với mối quan hệ gần gũi giữa các tầng lớp, và một Trung Quốc tươi đẹp, thân thiện với môi trường, trong bối cảnh khói bụi ô nhiễm đang tấn công các thành phố lớn, như Bắc Kinh, cho thấy một hướng phát triển thiếu bền vững.

Một số nhà bình luận cho rằng, điều cốt yếu của “Giấc mộng Trung Hoa” là “phát triển bền vững”, nơi sự thịnh vượng không được chuyển hóa thành chủ nghĩa tiêu dùng mà là sự tiêu dùng thân thiện với môi trường và có lý trí.

Với đạo đức và sự hài hòa cùng với kinh tế và quyền lực định hình cho “Giấc mộng Trung Hoa”, Chủ tịch Tập Cận Bình đang hy vọng có thể ươm mầm cho những khái niệm này, và củng cố hơn nữa nền tảng của nó, theo các truyền thống đáng chân trọng được kiểm chứng theo thời gian của nền văn minh Trung Quốc.

Đây chính là yếu tố có trong đạo Khổng. Không giống như những nhà cách mạng đi trước, những người đã hạ thấp tư tưởng của Khổng Tử, ông Tập lại đề cao nhà triết học này, trong quá trình chấn hưng đất nước.

Đạo Khổng do vậy được đặt ở vị trí cốt lõi của một bản sắc độc nhất và mạnh mẽ mà ông Tập muốn trở thành một phần của “Giấc mộng Trung Hoa”, khiến nó khác biệt xa so với giấc mơ Mỹ, vốn ra đời dựa trên truyền thống triết lý đề cao cá nhân.

Sự mở rộng của bản sắc mới này được nhiều người xem như một liều thuốc hóa giải sức hấp dẫn của “các cuộc cách mạng màu” – vốn đang trở thành tâm điểm chú ý sau những cuộc biểu tình do học sinh, sinh viên đi đầu hiện nay tại Hồng Kông

Không có gì ngạc nhiên khi lễ kỷ niệm 2565 năm ngày sinh Khổng Tử hồi tháng 9 vừa qua đã trở thành một sự kiện lớn được đánh dấu bằng những màn ăn mừng tại Đại lễ đường nhân dân, trung tâm chính trị và cũng là nơi quốc hội Trung Quốc nhóm họp.

Rất nhanh sau khi lên nhậm chức, ông Tập đã kêu gọi thực hiện một cuộc vận động kéo dài một năm, để khôi phục sức sống của các đảng bộ cấp cơ sở, bằng cách đấu tranh chống tham nhũng, và đề cao phong cách tự phục vụ trong hàng ngũ quan chức, vốn được hiểu ngày càng làm gia tăng khoảng cách giữa các đảng viên và người bình thường.

Vị Chủ tịch xem chiến dịch này là trọng tâm của nỗ lực xây dựng “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”.

Trong một bài bình luận gần đây của Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đã so sánh cuộc vận động của ông Tập với chiến dịch Vạn lý trường chinh do cố chủ tịch Mao Trạch Đông lãnh đạo, cho thấy những di sản còn lại của biểu tượng lập quốc của Trung Quốc vẫn còn in đậm trong phong cách của hàng ngũ lãnh đạo mới tại Trung Quốc.

Thanh Tùng
Theo The Hindu