1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giá trị Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Ông Donald Trump luôn mang Tổng thống Nga Vladimir Putin để làm hình mẫu, còn đối với người Nga, ông Putin sẽ đối phó với cả nước Mỹ.

Niềm tin hòa hảo Nga- Mỹ

Nhiều người Nga tin vào những lời vị ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump nói rằng, ông rất tôn sùng nhà lãnh đạo Putin và mong muốn quan hệ hợp tác giữa Nga - Mỹ.

Donald Trump hôm 7/9 khen ngợi ông Putin và cho rằng ông là nhà lãnh đạo giỏi hơn Tổng thống Mỹ Obama. "Tôi nghĩ rằng tôi sẽ có mối quan hệ rất tốt với ông Putin và đồng thời có mối quan hệ rất tốt với Nga", ông nói.

Tỷ phú Donald Trump sẽ kéo quan hệ Nga - Mỹ gần lại?
Tỷ phú Donald Trump sẽ kéo quan hệ Nga - Mỹ gần lại?

Alexei Pushkov, một nghị sĩ trong đảng cầm quyền Nga, viết trên Twitter: "Ông Trump hứa hẹn chúng ta về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, còn bà Clinton thì chắc chắn sẽ đem đến mối quan hệ rất tệ.... Bạn chẳng cần ống nhòm để soi xét điều này".

"Tôi thích ý tưởng của ông ấy, ông Trump là một người tuyệt vời", Vadim Lativ, một sinh viên kỹ thuật 18 tuổi tại Moscow, cho biết. "Ông ấy có thái độ tốt về Nga. Ông Putin và ông ấy sẽ hòa hợp với nhau".

Một nhạc sĩ Nga tên Vadim Voronov bình luận: "Rõ ràng ông Trump sẽ là người bạn tốt hơn với Nga. Tất cả bạn bè của tôi đều ủng hộ ông ấy". Dù nhạc sĩ này cho rằng, ông Donald Trump có những tính cách bốc đồng và có thể không phù hợp với các nhiệm vụ của tổng thống.

"Sẽ khó khăn cho người bốc đồng như vậy nắm quyền lực. Có lẽ bà Hillary làm tổng thống sẽ tốt hơn, bà ấy là một người mẹ và sẽ không phát động chiến tranh. Ông Trump thì chưa biết được", ông nói.

Một cuộc thăm dò vào tháng 8 của trung tâm độc lập Levada cho thấy 39% người Nga theo dõi chiến dịch tranh cử Mỹ ủng hộ ông Trump trong khi chỉ có 15% chọn bà Clinton - người được coi là có quan điểm chống Moscow sau thời gian bà làm ngoại trưởng Mỹ.

Theo nhận định của nhà phân tích chính trị Konstanin Kalachev: "Ông Donald Trump giành được nhiều cảm tình từ người Nga hơn bà Clinton vì phong cách chính trị của ông ấy là điều người Nga thích: thẳng thắn, đôi khi hài hước và phi truyền thống".

"Nhưng người Nga quên rằng, mặc dù giờ ông ấy có vẻ tốt, một khi đắc cử, ông ấy sẽ hành động theo lợi ích của Mỹ", ông Kalachev nói thêm.

Còn cô Anna Futoryan, người Nga làm việc ở New York lại bị "sốc" bởi phản ứng tích cực tại quê nhà đối với tỷ phú Trump. "Truyền hình Nga đưa tin tích cực về ông ấy và bạn bè của tôi cũng nghĩ ông ấy ủng hộ Nga và sẽ cải thiện quan hệ hai nước", cô nói. "Điều đó hoàn toàn sai lầm".

Dẫu vậy, dù ai làm Tổng thống Mỹ thì đối với người Nga, điều đó chẳng quan trọng vì họ đã có Putin.

Bất kể có nhiều nhận định khó đoán về ông Donald Trump, người dẫn chương trình phát thanh nổi tiếng Mikhail Klimov nói: "Chúng tôi sẽ sống tốt nếu ông Trump được bầu. Nga vốn đã làm nhiều tổng thống Mỹ nhức đầu. Ông Kennedy, Bush Jr, Obama, giờ đến Trump... Đừng lo lắng, ông Putin đối phó được hết".

Chính cả người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin là ông Dmitry Peskov mới đây cũng tuyên bố: "Chúng tôi đương nhiên theo dõi sát chiến dịch tranh cử Mỹ và chú ý đến các phát ngôn của ứng viên. Chúng tôi thấy rằng các vấn đề xoay quanh Nga và ông Putin được bàn luận rất nhiều trong chiến dịch".

"Thuyết Putin" - điều tỷ phú Trump có thể đảo ngược thế cờ

Ông Putin vẫn là hình mẫu Tổng thống cứng rắn mà vị ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump theo đuổi.

Putin "kiểm soát mạnh mẽ đất nước", Trump nói. "Đó là một hệ thống rất khác và chắc chắn ở hệ thống đó, ông ấy là một nhà lãnh đạo thực sự, vượt xa tổng thống của chúng ta".

Ông Trump luôn tôn thờ Putin.
Ông Trump luôn "tôn thờ" Putin.

Giới chuyên gia đánh giá ánh nhìn đầy thiện cảm mà tỷ phú Trump dành cho Tổng thống Nga một phần xuất phát từ thực tế rằng ông Putin thật sự là một nhà lãnh đạo cứng rắn, biết cách đưa mọi chuyện đi theo đúng quỹ đạo.

"Tôi nghĩ Trump ngưỡng mộ Putin với tư cách một người đàn ông quyền lực, luôn hoàn thành mọi mục tiêu đề ra", Angela E. Stent, Giáo sư tại Đại học Georgetown, Mỹ, nhận xét.

Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Matt Lauer thuộc kênh NBC, Trump nhấn mạnh ông không cần thiết phải tán thành hệ thống chính trị mà Tổng thống Putin xây dựng nhưng liên tục sử dụng những câu hỏi để ám chỉ việc nước Mỹ đang trở thành một quốc gia bị chia rẽ bởi năng lực yếu kém của người lãnh đạo.

Nina Khrushcheva, Giáo sư nghiên cứu quan hệ quốc tế, phó hiệu trưởng đại học tư thục New School, Mỹ, chỉ ra một đặc điểm chung mà cả tỷ phú Trump và Tổng thống Putin cùng có: tư tưởng cứng rắn, không bao giờ ái ngại trước những cuộc đối đầu.

Video: Bà Hillary Clinton ho suốt 4 phút trong cuộc tranh cử ở Cleveland, Ohio:

"Trump rõ ràng mong muốn trở thành một nhà lãnh đạo quyền lực và mạnh mẽ, người có thể uy hiếp đối phương chỉ bằng ánh mắt như Putin", Khrushcheva nhận định.

Sự cứng rắn trong phong cách lãnh đạo của Tổng thống Nga có lẽ đã nuôi dưỡng trong ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mỹ con bài chiến thuật về an ninh - một thứ vũ khí luôn khiến bà Hillary Clinton ở đảng đối lập tỏ ra yếu thế.

Có thể thấy rõ, sau mỗi thảm kịch khủng bố hay các đe dọa an ninh, phản ứng của cử tri đối với ông Donald Trump lại tốt hơn lên. CNN cho thấy, cứ mỗi lần xảy ra các vụ khủng bố ở nước ngoài hay ở nước Mỹ, tỉ lệ ủng hộ ông Trump lại tăng vùn vụt.

Bà Hillary Clinton có kinh nghiệm nhưng nhiều sơ hở để ông Trump tận dụng cơ hội.
Bà Hillary Clinton có kinh nghiệm nhưng nhiều sơ hở để ông Trump tận dụng cơ hội.

CNN cho rằng các đợt khủng bố sẽ tiếp tục đẩy nỗi sợ của người dân về chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, tức trùng với quan điểm cứng rắn về hạn chế nhập cư của ông Trump, và càng khiến đảng Dân chủ của bà Clinton mất uy tín ở lĩnh vực an ninh.

Chính vì vậy, dựa vào thế mạnh này và lợi dụng những khuyết điểm từ hồi bà Hillary còn là Ngoại trưởng Mỹ cùng sự học hỏi từ nhà lãnh đạo Nga, chắc chắn Donald Trump sẽ có thể bước qua khe cửa hẹp để tới vị trí thống lĩnh Nhà Trắng.

Theo Huy Vũ

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm