1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dư âm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào:

George Bush cứng cỏi nhưng không dọa được Hồ Cẩm Đào

(Dân trí) - Một lần nữa Tổng thống Mỹ George Bush gặp khó khăn trong việc đòi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhượng bộ. Và đó là điều hợp lý. Bush có thể là người đứng đầu siêu cường mạnh nhất thế giới nhưng trước người đồng nhiệm Trung Hoa, cuộc hội đàm có vẻ giống như một cuộc thương lượng để hoãn nợ của người vay với ông chủ nhà băng.

Cuộc đối thoại đó không có nhiều tác động thúc đẩy hiện trạng quan hệ Mỹ - Trung.

 

Cuộc gặp thượng đỉnh hôm 20/4 giữa hai nhà lãnh đạo là chuyến thăm đầu tiên của ông Hồ đến Nhà Trắng kể từ khi ông trở thành người đứng đầu đất nước Trung Hoa cách đây 3 năm. Nhưng thực ra ông này đã gặp ông Bush 5 lần chỉ tính riêng trong năm 2005, trong đó có tính cả chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Bush tháng 11 năm ngoái.

 

Tại các cuộc gặp đó, các đòi hỏi của Mỹ về thương mại hầu như được giữ nguyên: Trung Quốc phải thôi việc định giá không hợp lý đồng tiền của nước này nhằm giành các lợi thế thương mại; Trung Quốc phải chấm dứt nạn ăn cắp bản quyền tràn lan làm thiệt hại hàng tỷ USD cho các công ty Mỹ và hơn nữa Trung Quốc phải mở của thị trường hơn nữa cho hàng xuất khẩu của Mỹ.

 

Tính cấp thiết của các đòi hỏi đó càng ngày càng tăng khi thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc đã tăng vọt; hồi năm ngoái, sự mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay: 202 tỷ USD. Con số thâm hụt này chiếm đến hơn 1/4 tổng số thâm hụt của thương mại của Mỹ với thế giới trong năm 2005, làm cho Quốc hội Mỹ ngày càng bất bình và làm dồn đống các dự luật đòi trừng phạt Trung Quốc, trừ phi nước này chấm dứt các hành động mà những người chỉ trích cho là đã góp phần dẫn đến việc gần 3 triệu người Mỹ mất việc kể từ khi ông Bush trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng năm 2001.

 

Với tâm trí đang phần nào bị chi phối bởi cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào tháng 11 tới, chính quyền Bush đã gia tăng cường độ các bài phát biểu hùng hồn thuộc về bản tính. Thế nhưng cho đến nay cuộc "đối thoại" gay go này chẳng đem lại được mấy kết quả để ông Bush và đảng Cộng hòa làm vốn.

 

Những tuyên bố của ông Hồ trong cuộc gặp thượng đỉnh kéo dài nửa này chẳng đem đến cho người Mỹ cái gì mới ngoài những lời hứa hẹn mà ông đã nhiều lần lập lại trước đó. Sự thất vọng lớn nhất nằm ở vấn đề mà người Mỹ mong đợi nhất: Trung Quốc đã không cam kết sẽ nhanh chóng tăng tỷ giá đồng NDT so với đồng USD để hàng hóa của Mỹ có thể cạnh tranh với hàng của Trung Quốc.

 

Nhưng thực tế trần trụi là chính quyền Bush chẳng có đủ lực để khiến người Trung Hoa làm hơn thế. Từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mai Thế giới (WTO) năm 2001, Mỹ đã không còn có thể dọa dẫm sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương như chính quyền Clinton đã từng dọa làm hồi giữa thập niên 90 thế kỷ trước khi đòi Trung Quốc phải đánh mạnh vào nạn ăn cắp bản quyền.

 

Mỹ cũng có thể đưa các vấn đề ra WTO như đã từng làm với hồi tháng trước trong vụ tranh chấp về phụ tùng ôtô. Thế nhưng trong vấn đề tỷ giá, lĩnh vực hứa hẹn sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ, các chuyên gia nói rằng Mỹ chỉ có cơ hội rất mong manh nếu giải quyết tại trọng tài thương mại quốc tế bởi từ trước tới nay chẳng có nước nào bị hề hấn gì với cáo buộc như thế.

 

Các thành viên Quốc hội Mỹ đang vận động cho một dự luật áp đặt mức thuế trừng phạt đến tới 27,5% đối với tất cả hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc nếu nước này không nhanh chóng tăng giá đồng NDT. Thế nhưng một đạo luật khắc nghiệt kiểu như vậy chỉ làm tổn hại người tiêu dùng Mỹ đang ngày càng thích dùng hàng Trung Quốc giá rẻ từ giày dép, giày thể thao đến đồ chơi trẻ em và thậm chí cả máy thu hình. Một hành động như thế cũng sẽ có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại, với việc Trung Quốc sẽ đáp trả bằng cách trực tiếp như lên án Mỹ vi phạm luật lệ WTO hoặc gián tiếp bằng cách cho các công ty Mỹ ra rìa trong các cuộc đấu thầu hợp đồng.

 

Xét cho kỹ, Tổng thống George Bush đang ở trong một vị thế khá yếu khi muốn có được sự nhân nhượng về kinh tế trong chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bởi Mỹ đang muốn có được sự ủng hộ về một loạt các vấn đề đối ngoại trong đó có việc xử lý vấn đề hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên.

 

Và hơn thế Trung Quốc đang nắm giữ một phần lớn của cải của nước Mỹ (!!!). Các khoản thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ đối với Trung Quốc có nghĩa là hàng trăm tỷ USD đã được chuyển sang tay người Trung Hoa và số tiền đó được dùng để mua các trái phiếu của Bộ Ngân khố Mỹ và các tài sản tài chính khác. Thâm hụt của Mỹ càng nặng, Trung Quốc càng có nhiều vốn tài chính tại chính nước Mỹ. Hiện nước này đã đứng hàng thứ hai trong số các nước nắm giữ các khoản nợ của chính phủ Mỹ với 256,2 tỷ USD trị giá trái phiếu và tổng dự trữ ngoại tệ của người khổng lồ châu Á này mới đây đã vượt Nhật Bản để vươn lên đứng đầu thế giới.

 

Việc Trung Quốc sẵn lòng mua các trái phiếu của Bộ Ngân khố Mỹ đã giúp lãi suất của Cơ quan Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được giữ ở mức thấp, làm cho người Mỹ mua nhiều nhà hơn và đi vay để tiêu nhiều hơn. Nhưng nếu vì lý nào đó, người Trung Quốc bất ngờ đảo ngược chính sách và bắt đầu bán tháo tài sản ở nước Mỹ để chuyển dự trữ ngoại tệ của họ sang nước khác, kinh tế Mỹ sẽ phải hứng chịu những một tác động ghê gớm với việc lãi suất FED tăng mạnh.

 

Trạng thái khó xử của nước Mỹ trước nguy cơ bị chi phối bởi Trung Quốc và các nước khác đã được báo chí Mỹ đề cập ngay cái ngày ông Hồ Cẩm Đào đặt chân đến Nhà Trắng. Tờ Washington Post đã cho đăng một tranh biếm họa về cuộc gặp thượng đỉnh này trong đó nhân vật Tổng thống Bush nói: "Ngày nay, tôi là lãnh đạo của đất nước giàu có và hùng mạnh nhất thế giới" còn nhân vật Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trả lời: "Tôi là người đi mua lại".

 

Nam Sơn (tổng hợp)