1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Gây chia rẽ ASEAN, Trung Quốc bị bóc mẽ

“Một quốc gia trong ASEAN không thể đàm phán với Trung Quốc về những tranh chấp có liên quan đến các nước ASEAN khác”

Trung Quốc đang đối mặt thêm nhiều chỉ trích sau khi thông báo đạt được “sự đồng thuận 4 điểm” với Brunei, Lào và Campuchia về vấn đề biển Đông.

Không rõ thông báo trên chính xác đến đâu nhưng chính phủ Campuchia hôm 25-4 đã tìm cách giảm nhẹ thông tin nội bộ ASEAN chia rẽ về vấn đề biển Đông. Tờ Phnom Penh Post dẫn lời ông Phay Siphan, người phát ngôn của chính phủ Campuchia, nhấn mạnh không có thỏa thuận mới nào đạt được với Trung Quốc vào cuối tuần rồi.

“Không có thỏa thuận hoặc thảo luận nào, chỉ là một chuyến thăm của ngoại trưởng Trung Quốc” - ông Siphan nói về việc ông Vương Nghị tới Phnom Penh hôm 22-4.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc cản trở tàu cá Philippines hoạt động gần bãi cạn Scarborough Ảnh: AP
Lực lượng hải cảnh Trung Quốc cản trở tàu cá Philippines hoạt động gần bãi cạn Scarborough Ảnh: AP

Đây không phải là lần đầu Trung Quốc bị phản ứng. Chính phủ Fiji vào giữa tháng 4 khẳng định không có chuyện nước này ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về vấn đề biển Đông như những gì Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố. Tuyên bố của Fiji nêu rõ nước này theo đuổi chính sách không liên kết, đồng thời duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả quốc gia tiếp giáp biển Đông, trong đó có Trung Quốc.

Một trong những “điểm đồng thuận” mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói đến vào cuối tuần rồi là tranh chấp lãnh thổ, hàng hải cần được giải quyết thông qua sự tham vấn, đàm phán của các bên liên quan trực tiếp theo điều 4 của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Tuy nhiên, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh hôm 25-4 bày tỏ quan ngại một diễn biến như thế sẽ làm chệch hướng “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề biển Đông” đạt được hồi năm 2012. Theo đó, các nước thành viên ASEAN phải thương thảo như một khối thống nhất.

“Một quốc gia trong ASEAN không thể đàm phán với Trung Quốc về những tranh chấp có liên quan đến các nước ASEAN khác” - ông Lê Lương Minh nói với các phóng viên bên lề diễn đàn Cộng đồng ASEAN tại thủ đô Jakarta - Indonesia. Theo Tổng Thư ký ASEAN, nguyên tắc 6 điểm nói trên phải được duy trì, trong đó bao gồm việc sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Cũng tại diễn đàn nói trên, các nhà ngoại giao kỳ cựu đã đồng loạt chỉ trích Bắc Kinh. Theo báo The Straits Times, cựu Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Yong nhận định thông báo trên cho thấy Trung Quốc đã can thiệp vào chuyện nội bộ của ASEAN. Nhà ngoại giao này cũng tỏ thái độ ngạc nhiên trước việc Lào, Campuchia là những nước ASEAN không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông lại lên tiếng về lập trường của ASEAN đối với vấn đề này.

Trực diện hơn, ông Bilahari Kausikan, cố vấn chính sách của Bộ Ngoại giao Singapore, cho rằng “cái gọi là sự đồng thuận” giữa Trung Quốc và Brunei, Lào, Campuchia có thể bị xem là công cụ nhằm gây chia rẽ ASEAN, nhất là khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Theo ông Kausikan, bất kỳ bước đi chia rẽ nào của Trung Quốc cũng đều “thiển cận” vì một kết cục như thế không hề có lợi cho nước này.

Bên cạnh sự đoàn kết của ASEAN, chiến dịch “tự do hàng hải” của Mỹ cũng được xem là cần thiết để kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông. Lầu Năm Góc hôm 25-4 cho biết Trung Quốc đứng đầu danh sách những quốc gia là mục tiêu của hoạt động này năm 2015. Cụ thể, Washington đã đưa tàu và máy bay đến những khu vực bị Bắc Kinh hạn chế tiếp cận.

Trong động thái chỉ trích mới nhất nhằm vào chiến dịch nói trên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cuối ngày 25-4 cáo buộc Mỹ “nhân danh sự tự do đi lại để quân sự hóa biển Đông, phá hoại sự ổn định và hòa bình của khu vực”. Tuyên bố này cũng đe dọa “dùng mọi biện pháp cần thiết” nếu máy bay quân sự Mỹ lại xuất hiện gần bãi cạn Scarborough như cuối tuần rồi. Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc có kế hoạch bồi đắp, cải tạo bãi cạn này và lập một tiền đồn mới trên đó - một bước đi đe dọa khiến biển Đông thêm căng thẳng.

Không chỉ Mỹ, Trung Quốc còn phải dè chừng Nhật Bản. Hôm 26-4, tàu khu trục Ise của Nhật đã cập cảng trong vịnh Subic khi đang tham gia nhiệm vụ “huấn luyện di chuyển”. Đây là lần thứ hai trong vòng 3 tuần qua tàu Nhật Bản vào vịnh Subic, nơi chỉ cách bãi Scarborough khoảng 200 km.

Theo Hoàng Phương

Người Lao động