1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Gần 12.000 người Trung Quốc nhiễm bệnh tay-chân-miệng

(Dân trí) - Theo con số thống kê chính thức, tính từ đầu năm đến hết ngày 5/5, tổng số ca nhiễm bệnh tay-chân-miệng ở Trung Quốc là 11.905 em, trong đó có 26 trường hợp tử vong.

Chuyên gia Đường Tiểu Bình, Cục phó Cục y tế Quảng Châu, cho biết con số tăng đột biến như vậy là do chỉ thị của Bộ Y tế hôm 2/5, xếp bệnh tay-chân-miệng vào bệnh dịch nhóm C, tức là phải thông báo tất cả các trường hợp nhiễm bệnh cho bộ.

 

Trước khi lệnh này được ban hành, các cơ quan y tế địa phương không bắt buộc phải thông báo các trường hợp bệnh tay-chân-miệng.

 

Ngày 5/5, tỉnh Triết Giang, phía đông Trung Quốc, thông báo đã có 1.198 trẻ nhiễm bệnh kể từ đầu năm, và có một bé trai 5 tuổi tử vong hôm 6/4. Theo cơ quan y tế tỉnh, 9 trong số các trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận là do enterovirus 71, hay còn gọi là EV71, một loại vi rút có khả năng lây nhiễm cao và thường tấn công trẻ từ 2 đến 6 tuổi.

 

Tỉnh Triết Giang đã ghi nhận 101, 793, và 1.607 ca mắc bệnh tay-chân-miệng lần lượt vào các năm 2005, 2006, và 2007.

 

Tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất của dịch bệnh này là An Huy, ở miền đông Trung Quốc, với số trẻ nhiễm bệnh là 5.840 em, trong đó có 689 ca mới phát hiện hôm 4/5. Riêng tại thành phố Phụ Dương của tỉnh này đã có 4.496 ca nhiễm bệnh và 1.314 em vẫn đang phải nằm viện điều trị. Mốc bùng phát dịch bệnh được tính từ ngày 20/3, đến nay thành phố đã có 22 em tử vong.

 

Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Đông, đến hôm qua, 5/5, đã có 1.692 ca nhiễm bệnh, trong đó riêng ngày 4/5 ghi nhận thêm 767 em. Tỉnh này đã báo cáo 3 trường hợp tử vong do bệnh dịch.

 

Đến nay, kết quả kiểm tra đã xác nhận 25/26 trường hợp tử vong trong đợt dịch này là do EV71.

 

Tại Trùng Khánh, cơ quan y tế đã phát hiện 42 ca nhiễm bệnh, tính từ hôm 1/5. Tại đây hiện chưa ghi nhận trường hợp bệnh diễn biến nghiêm trọng hay tử vong nào.

 

Tại thành phố Bắc Kinh, đã có thông báo về ít nhất 1.482 ca nhiễm bệnh tính đến ngày 5/5, trong đó 818 ca được phát hiện tại các nhà trẻ và mẫu giáo.

 

Tỉnh Hà Bắc thông báo 206 trường hợp.

 

Ngoài các tỉnh/thành phố trên, bệnh dịch tay-chân-miệng còn xuất hiện ở các tỉnh Giang Tô, Hồ Nam, Hồ Bắc, Sơn Đông, Giang Tây và Hà Nam.

 

Theo Tài liệu hướng dẫn ngăn chặn và kiểm soát bệnh tay-chân-miệng do Bộ Y tế Trung Quốc ban hành, căn bệnh này có thể do một nhóm vi rút đường ruột gây ra, nhưng phổ biến nhất là EV71 và Coxsackievirus (hay Cox A 16).

 

Biểu hiện ban đầu của bệnh tay-chân-miệng là sốt nhẹ, viêm họng, lở loét miệng và rộp da chân tay. Biến chứng nặng nhất của bệnh là gây tổn thương não, phổi và gây bại liệt.

 

Nhật Linh

Theo Xinhua