1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Gadhafi chết, Mỹ còn giữ được “khoảng cách” với Libya?

(Dân trí) - Cái chết của ông Gadhafi sau nhiều tháng Mỹ và NATO tiến hành không kích có thể cho chính quyền Obama một cuộc “đảo chính” chính sách đối ngoại cần thiết. Vậy liệu nó có thay đổi được mong muốn giữ "khoảng cách" đối với Libya của Mỹ?

 
Gadhafi chết, Mỹ còn giữ được “khoảng cách” với Libya? - 1
Sau khi tin tức về cái chết của Gadhafi được phát đi, Nhà Trắng mới đầu cho biết chưa thể chứng thực thông tin và sau đó ông Obama đưa ra bình luận khá muộn so với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới.

Lãnh đạo các nước châu Âu tham gia hỗ trợ chiến dịch không kích của NATO từ tháng 3 vừa qua đã ăn mừng trước tin ông Gadhafi bị giết chết tại thành phố quê nhà ông, Sirte, vào ngày 20/10. Cái chết đánh dấu chấm dứt nhiều tháng xung đột đẫm máu giữa những người trung thành với ông Gadhafi và lực lượng nổi dậy được phương Tây ủng hộ.

 

Điều này trái ngược với giọng điệu thận trọng ở Washington. Tại đây, ban đầu giới lãnh đạo quân sự đã có thái độ hoài nghi về một cuộc chiến thứ ba tại một đất nước Hồi giáo nữa (Mỹ đã tham chiến ở 2 quốc gia Hồi giáo khác là Iraq và Afghanistan) và khủng hoảng ngân sách đã thúc đẩy mâu thuẫn về việc “tham chiến” ở một quốc gia có rất ít lợi ích của Mỹ.

 

Tổng thống Mỹ Obama đã chúc mừng người dân Libya “chấm dứt được hơn 40 năm chuyên chế”. Tuy nhiên ông có vẻ như đã tạo khoảng cách cho Mỹ khi đặt trách nhiệm cho tương lai của Libya lên đôi vai của chính người dân nước này.

 

“Người Mỹ cầu mong những gì tốt đẹp nhất cho người dân Libya trong những ngày, tuần, tháng và năm sẽ đầy thách thức phía trước”, ông Obama nói với các phóng viên.

 

Sau nhiều tháng tìm kiếm vai trò phụ, Washington có thể sẽ bị buộc phải vào “tiền cảnh” nếu các quốc gia châu Âu không hỗ trợ mạnh mẽ cho một cuộc chuyển giao chính trị chắc chắn sẽ lắm cam go phía trước hoặc nếu Libya lại rơi vào nội chiến.

 

“Lý tưởng nhất cho chính quyền Obama là châu Âu sẽ dẫn đầu trong tiến trình gây dựng một chế độ mới, giống như họ đã làm khi lật đổ chế độ cũ”, Kamran Bokhari, một chuyên gia về an ninh tại công ty tình báo toàn cầu STRATFOR cho biết.

 

“Tuy nhiên có khác biệt giữa những gì muốn và thực sự có thể có”, ông nhận xét. “Một lần nữa, mọi người sẽ lại nhìn vào Washington”.

 

Lờ mờ hiện ra trong tâm trí giới chức Mỹ là bạo lực ngoài vòng kiểm soát ở Iraq, sau khi Saddam Hussein bị bắt, bị xét xử và bị treo cổ, khiến Mỹ bị giam chân ở Iraq trong nhiều năm với tổn thất lớn về tiền của và nhân mạng.

 

Chính phủ Gadhafi sụp đổ vào tháng 8 và giờ là cái chết của ông ta, một cách nào đó sẽ là để xác nhận “học thuyết Obama” nổi tiếng, mà ở đó Washington, không giống như ở Iraq hay Afghanistan, đóng vai trò khiêm tốn hơn nhiều, chỉ là đứng đầu của một liên minh rời rạc.

 

Sau chỉ trích ban đầu rằng đã không hành động nhanh chóng ở Libya, giới chức Mỹ buộc phải tính toán dài hơi hơn, rút lui khỏi vị trí đứng đầu và để NATO đảm trách sứ mệnh hỗ trợ quân sự cho lực lượng nổi dậy.


Mặc dù Lầu Năm Góc rút lui lớn, chỉ duy trì nhiệm vụ tiếp nhiên liệu, hậu cần và do thám, các quốc gia khác như Pháp và Anh lại dồn sức nhiều hơn cho vai trò quân sự cũng như ngoại giao.

 

Tuy nhiên, xét về sức mạnh quân sự, Washington có thể vẫn tự thấy họ đóng vai trò quan trọng, thậm chí là sau khi sứ mệnh của NATO chỉ còn là cung cấp huấn luyện và các hỗ trợ khác đối với quân đội mới của Libya.

 

Đầy rẫy thách thức phía trước

 

Có lẽ dấu hỏi lớn nhất khi quyết định vai trò trong tương lai của Mỹ tại Libya là nằm ở khả năng của giới lãnh đạo mới, liệu có đẩy lùi được cuộc nội chiến kéo dài tại đất nước vốn đã bị chia rẽ về sắc tộc, bộ lạc, sau nhiều tháng xung đột đẫm máu.

 

Sau khi Gadhafi chết, vẫn chưa rõ liệu tập hợp các lãnh đạo mới với đủ các loại ý thức hệ có thể bước trên một con đường hợp nhất tại đất nước còn khá mới mẻ với dân chủ này hay không và liệu những người vẫn còn ủng hộ ông Gadhafi có tiếp tục phản kháng nữa hay không.

 

“Giờ đây, hơn lúc nào hết, nguy cơ họ không thành công đã tăng khi điều duy nhất liên kết mọi người với nhau không còn”, Bokhari nhận xét, ám chỉ ông Gadhafi đã chết.

 

Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã nói rõ trong chuyến thăm bất ngờ tới Libya vào tuần này rằng lo ngại lớn nhất của Mỹ là làm thế nào một tập hợp hàng loạt nhóm nổi dậy có thể biến đổi thành một đội quân duy nhất và làm thế nào có thể thiết lập được trật tự, luật pháp nhanh chóng.

 

Một trở ngại khác đối với Libya, nơi ông Gadhafi đã nắm toàn quyền trong nhiều thập niên, là sự thiếu vắng các thể chế chính phủ vững mạnh, giúp làm bằng phẳng con đường phía trước.

 

“Vì vậy mà thành công có được ngày hôm nay rất rất hạn chế so với những thách thức ở phía trước”, Les Gelb, một chuyên gia tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ, cho biết.

 

Điều không kém mơ hồ nữa là bản chất chính xác của sự tham gia phi quân sự của Mỹ tại Libya. Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, Mỹ đã chi ít nhất 135 triệu USD cho công tác hỗ trợ nhân đạo và các hỗ trợ khách, con số tiền “lẻ” ít ỏi so với hàng tỷ USD đổ vào tái thiết Iraq và Afghanistan.

 

Chính quyền Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì sự hỗ trợ khiêm tốn đối với quốc gia giàu dầu mỏ này. Bởi Libya vốn đã có hàng tỷ đô la từ tài sản của chính quyền ông Gadhafi.

Trong khi bà Clinton cam kết mở rộng hỗ trợ cho một nền dân chủ non trẻ, bà cũng cam kết tìm kiếm nguồn hỗ trợ cả công và tư cho các vấn đề khác giống như điều trị cho các nạn nhân chiến tranh ở Mỹ.

 

Khi chính quyền ông Obama hối hả ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân sách, thì Bộ Ngoại giao Mỹ tuần này cũng công bố đã không trình lên quốc hộ một khoản hỗ trợ mới nào cho Libya.

 

Nhưng điều này có thể thay đổi nếu châu Âu không viện trợ mạnh, bởi các lãnh đạo chính trị ở đây cũng đang phải đau đầu với cuộc khủng hoảng tài chính của riêng họ. Mỹ cũng có thể thay đổi nếu cảm thấy viện trợ có thể chống lại tình trạng bất ổn đầy nguy hiểm cho khu vực vốn đã luôn bị thay đổi đeo bám.

 

Mỹ cũng có thể có lợi ích thương mại lớn ở một nước đã mở rộng đầu tư trong những năm gần đây và bị ngưng vào tháng hai, khi các cuộc biểu tình bắt đầu.

 

Các công ty Mỹ có liên quan đến hoạt động ở Libya bao gồm ConocoPhillips, Occidental và các công ty xây dựng, dầu mỏ khác.

 

“Điều các doanh nghiệp Mỹ cần ở bất kỳ thị trường nào cũng là an ninh, minh bạch và ổn định”, Chuck Dittrich, giám đốc của Hãng kinh doanh Mỹ-Libya, cho hay. “Tôi cho rằng điều này có thể khiến Libya gấp lại cuốn sách nói về cơn ác mộng kéo dài 40 năm”.

 

Phan Anh

Theo Reuters