1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

G7 phản đối quân sự hóa thực thể tranh chấp trên Biển Đông

(Dân trí) - Các lãnh đạo của Nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cuối tuần qua đã ra tuyên bố chung, trong đó phản đối mọi hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông và kêu gọi phi quân sự hóa các thực thể tranh chấp tại vùng biển này.

Các lãnh đạo G7 nhóm họp tại Silicy, Italy ngày 27/5 (Ảnh: Reuters)
Các lãnh đạo G7 nhóm họp tại Silicy, Italy ngày 27/5 (Ảnh: Reuters)

Theo Diplomat, các lãnh đạo của G7 (gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật, Anh, Mỹ và Canada) ngày 27/5 đã ra tuyên bố chung sau khi nhóm họp tại Italy để thể hiện quan điểm của nhóm về một loạt vấn đề quốc tế hiện nay, trong đó có vấn đề Biển Đông. Tuyên bố khẳng định các thành viên của G7 bày tỏ sự quan ngại về “tình hình ở Biển Đông và Hoa Đông”, đồng thời “phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm gia tăng căng thẳng” trong khu vực.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng khẳng định cam kết “duy trì một trật tự dựa trên pháp luật trong lĩnh vực hàng hải, theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Ngoài ra, G7 cũng ủng hộ việc giải quyết các hòa bình các tranh chấp trên biển “thông qua các biện pháp ngoại giao và pháp lý, bao gồm tòa trọng tài”.

Trong thông báo chung, đại diện các nước thành viên G7 cũng nhất trí kêu gọi tất cả các bên “phi quân sự hóa các thực thể tranh chấp” trên Biển Đông. Theo Diplomat, thông báo này cho thấy G7 đã nhận thức được thực trạng đáng quan ngại trên Biển Đông hiện nay sau khi Trung Quốc bị “tố” ngang nhiên tiến hành một loạt động thái bồi đắp và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo ở vùng biển này.

Ngay sau khi G7 bày tỏ quan điểm về Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 28/5 tuyên bố Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ thông báo của G7, đồng thời cho biết nước này cam kết giải quyết tranh chấp với tất cả các bên liên quan thông qua đàm phán, đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông. Ông Lục còn kêu gọi G7 và các nước bên ngoài kiềm chế thể hiện quan điểm và ngừng “đưa ra những bình luận vô trách nhiệm”, theo Reuters.

Tuyên bố chung của G7, trong đó có vấn đề Biển Đông, được đưa ra 3 ngày sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dewey của Hải quân Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - một trong những thực thể đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Giới chức Mỹ cho biết tàu USS Dewey tiến hành diễn tập cứu người tại khu vực này.

Đây được xem là động thái đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thách thức các hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh. Trước đó, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Washington thường xuyên tiến hành các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, song các hoạt động này tạm dừng từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền hồi cuối tháng 1. Tuy nhiên, các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đều khẳng định chính sách về Biển Đông của Washington dưới thời Tổng thống Trump sẽ không thay đổi so với chính quyền tiền nhiệm.

Thành Đạt

Tổng hợp