1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

G7 cam kết hỗ trợ Ukraine vô thời hạn

Minh Phương

(Dân trí) - G7 cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine bằng mọi hình thức có thể chừng nào Kiev còn cần sự giúp đỡ, trong bối cảnh chiến sự căng thẳng với Nga đã kéo dài hơn 4 tháng.

G7 cam kết hỗ trợ Ukraine vô thời hạn - 1

Lãnh đạo G7 và EU tại hội nghị diễn ra ở Đức ngày 26/6 (Ảnh: EPA).

Lãnh đạo các nước công nghiệp G7 (gồm Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Canada và Mỹ) ngày 26/6 đã khai mạc kỳ họp kéo dài 3 ngày tại Bavaria, Đức, trong đó tập trung vào chủ đề xung đột Nga - Ukraine.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự, nhân đạo, tài chính và ngoại giao cho Ukraine chừng nào họ còn cần", Bloomberg dẫn dự thảo thông cáo chung của G7 cho biết.

Đây có thể coi là tuyên bố mạnh mẽ nhất của G7 dành cho Ukraine và được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng bởi một số thành viên của nhóm, trong đó có Pháp, Đức, ủng hộ đàm phán ngừng bắn do lo ngại nguy cơ xung đột Nga - Ukraine kéo dài.

G7 cũng cân nhắc khả năng sử dụng nguồn thu thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Nga để hỗ trợ Ukraine.

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong bối cảnh chiến sự Ukraine tiếp tục leo thang căng thẳng. Lãnh đạo G7 dự kiến đưa ra 4 tuyên bố chung sau hội nghị kéo dài 3 ngày xoay quanh cuộc khủng hoảng Ukraine và một số vấn đề như ứng phó biến đổi khí hậu, đầu tư hạ tầng. Trước đó, lãnh đạo nhóm đã thảo luận phối hợp hành động để đối phó với tình trạng lạm phát, ngăn chặn mối đe dọa suy thoái kinh tế cũng như làm thế nào duy trì sức ép với Nga.

Moscow nhiều lần cảnh báo việc Mỹ, châu Âu và các đồng minh viện trợ quân sự cho Kiev có thể khiến xung đột kéo dài. Bất chấp tuyên bố này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cuối tuần qua tuyên bố: "Chúng tôi có trách nhiệm mang lại cho Ukraine vị thế tốt nhất có thể trên bàn đàm phán và giúp họ tiếp tục là một quốc gia châu Âu độc lập và có chủ quyền. Cách tốt nhất để làm điều này là hỗ trợ về kinh tế, quân sự cho Ukraine và tăng cường các lệnh trừng phạt chống lại Nga".

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua cũng nhất trí tiếp tục hỗ trợ quân đội Ukraine "tăng cường vị thế cả trên chiến trường và trong các cuộc đàm phán tương lai".

Lãnh đạo G7 dường như cũng đã nhất trí duy trì sức ép kinh tế đối với Nga. Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản hôm qua cho biết sẽ áp lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga. Các biện pháp mà chúng tôi công bố hôm nay sẽ đánh thẳng vào nguồn tài chính Nga dành cho chiến dịch quân sự", Thủ tướng Johnson nói.

Theo một đại diện cao cấp của chính quyền Mỹ, G7 sẽ đưa ra thông báo chính thức về lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga tại hội nghị ngày 27/6. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định, một lệnh cấm vận như vậy có thể khiến nguồn thu của Nga hụt khoảng 19 tỷ USD mỗi năm. 

Ngoài cấm vận vàng của Nga, G7 cũng có các cuộc thảo luận "thực sự mang tính xây dựng" về áp giá trần với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga.

Phương Tây tăng cường gây sức ép với Nga thông qua biện pháp trừng phạt kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Động thái này cũng kéo theo ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của họ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz thừa nhận, phương Tây đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như suy giảm kinh tế, lạm phát tăng, thiếu nguyên liệu thô, gián đoạn nguồn cung hàng hóa. Tuy nhiên, ông tin tưởng G7 sẽ "thành công trong việc phát đi tín hiệu rõ ràng về sự đoàn kết và hành động quyết đoán" từ hội nghị.

Theo Bloomberg, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine