Eurogroup đưa ra đề xuất mới cho Hy Lạp
(Dân trí) - Không hài lòng với đề xuất vào phút chót của Hy Lạp, các đối tác trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đưa ra một đề xuất mới, theo đó buộc Athens phải thực hiện ngay các biện pháp khắc khổ cứng rắn hơn, nếu không muốn phải tạm rời khỏi khối.
Theo đề xuất mới của các thành viên chủ chốt trong Eurozone, Hy Lạp phải tiến hành những bước đi cực kỳ quyết liệt trong việc tăng thuế, cải cách lương hưu, thúc đẩy tư nhân hóa và cắt giảm chi tiêu công.
Cụ thể, chính quyền của Thủ tướng Alexis Tsiprat sẽ phải tăng mạnh thuế giá trị gia tăng đối với hai ngành dịch vụ và thực phẩm; đẩy trần thuế đối với các mặt hàng xa xỉ; cải cách toàn diện lương hưu (trong đó có việc nâng tuổi về hưu lên 67 tuổi); cắt giảm mạnh chi tiêu công; tư nhân hóa ngành điện và chịu sự kiểm toán của “bộ ba chủ nợ” quốc tế là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ủy ban châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Đề xuất của Eurozone nêu rõ việc Hy Lạp thực hiện các biện pháp trên sẽ là cơ sở để các bên xem xét tiến hành đàm phán về gói cứu trợ thứ 3 cho nước này, qua đó giúp Athens tránh khỏi cảnh vỡ nợ.
Theo tính toán của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone, gói cứu trợ thứ ba dành cho Athens sẽ có tổng trị giá từ 82 -86 tỷ euro, cao hơn mức 74 tỷ euro đưa ra trước đó.
Trong trường hợp chính quyền và người dân Hy Lạp không đồng ý với gói cứu trợ mới, nước này sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tạm thời rời khỏi Eurozone. Đây cũng là đề xuất đã được Đức đưa ra trước đó, với thời hạn thực hiện Grexit tối thiểu là 5 năm.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã bày tỏ thất vọng trước gói đề xuất mới của Eurozone, nói rằng ông không ngờ lại bị áp đặt kế hoạch khắc khổ cứng rắn đến vậy.
Được biết, gói đề xuất mới của Eurozone chỉ bao gồm 4 trang, nhưng nếu văn kiện này được chấp nhận, đây sẽ là “viên thuốc rất đắng mà con bệnh Hy Lạp phải uống”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nói các cuộc đàm phán về khủng hoảng nợ Hy Lạp là "cực kỳ khó khăn" và không có chuyện các bên phải "đạt thỏa thuận bằng bất kỳ giá nào".
Theo giới phân tích, hiện chỉ có hai khả năng xảy ra cho Hy Lạp.
Thứ nhất, Athens chỉ còn 2 ngày (đến ngày 15/7) để buộc Quốc hội phải thông qua các kế hoạch cải cách mới. Sau đó, Eurogroup và Liên minh châu Âu sẽ tiến hành họp thượng đỉnh thông qua các bước đi, cũng như mức chi tài chính tiếp theo.
Thứ hai, nếu các nhà lập pháp của Hy Lạp không đồng ý với đề xuất mới và các nhà lãnh đạo Eurozone không đạt được đồng thuận trong giải pháp điều chỉnh tiếp theo, thì họ sẽ buộc phải thông qua kịch bản Grexit, điều cả Hy Lạp và Eurozone đều không mong muốn.
Vũ Anh
Tổng hợp