1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bình luận cuối tuần:

EU sau 50 năm: Vẫn chỉ là "khu vực thương mại tự do vô hồn"?

(Dân trí) - Trong khi đã đạt được những thành công lớn như dỡ bỏ các hàng rào thương mại và sáng lập đồng tiền chung, Liên minh châu Âu (EU) lâu nay vẫn phải vật lộn để thoát khỏi sự chỉ trích rằng khối này chỉ là một "khu vực thương mại tự do vô hồn".

Từ điểm khởi đầu của EU như một câu lạc bộ sản xuất than và thép, những hiệp ước liên tiếp đã gắn kết các nền kinh tế châu Âu chặt chẽ hơn và mở ra sự thịnh vượng chưa từng có.

Ngày 25/3, các nhà lãnh đạo EU sẽ tụ họp tại Berlin để kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp ước Rome.

             

Sức mạnh kinh tế của EU trên lý thuyết quả là khổng lồ. Những quyết định quan trọng nhất về các vấn đề thương mại quốc tế và chống độc quyền giờ đây được đưa ra ở cấp EU. Song thành tựu kinh tế lớn nhất của EU là đưa vào lưu hành một đồng tiền chung ở 13 nước thành viên, và các nước còn lại - trừ Anh và Đan Mạch, hai nước quyết định không tham gia - sẽ buộc phải sử dụng đồng euro trong tương lai.

           

Kể từ khi Slovenia trở thành thành viên thứ 13 của câu lạc bộ đồng tiền chung hôm 1/1/2007, đồng euro hiện ở trong túi của 317 triệu dân, nhiều hơn đôi chút so với dân số nước Mỹ. Trong khi đó, đồng tiền non trẻ này dần dần giành được sự tín nhiệm của các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách. Sau khi tụt xuống mức thấp 0,82 USD/euro hồi tháng 10/2000, đồng euro đã dần dần leo lên mức hiện nay là trên 1,30 USD trong khi các ngân hàng trung tương đang tích trữ ngày càng nhiều đồng euro, thay vì đồng USD, trong kho dự trữ ngoại hối quốc gia.

           

Nhưng khi hiệp ước Maastricht đặt nền móng cho đồng euro được ký kết năm 1993, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jacques Delors đã cảnh báo rằng "nếu thiếu một sáng kiến chính trị, châu Âu có nguy cơ trở thành một khu vực thương mại tự do vô hồn". Dự thảo hiến pháp của EU được cho là câu trả lời trước những lời chỉ trích như vậy, đem lại cho khối này vị thế chính trị cao hơn với một tổng thống và củng cố những quyền hành của khối tại các lĩnh vực quan trọng như chính sách đối ngoại.

             

Tuy nhiên, số phận của hiến pháp này đang bấp bênh sau khi cử tri Pháp và Hà Lan phản đối nó thông qua các cuộc trưng cầu dân ý riêng rẽ vào tháng 5 và 6/2005, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử EU. Khi đó những nhà vận động chống hiến pháp ở Pháp chớp lấy hiến chương này như là con ngựa thành Troy đối với tiến trình tự do hóa thị trường hơn nữa vốn có thể làm xói mòn mô hình xã hội của quốc gia này. Kể từ đó, đồng euro và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bị cánh tả và hữu trong chiến dịch tranh cử tổng thống ở Pháp chỉ trích, với việc các ứng cử viên tuyên bố ECB có trụ sở ở Frankfurt không tập trung thỏa đáng vào việc làm và tăng trưởng.    

             

Bất chấp những thành công trước đây trong việc xây dựng một thị trường hàng hóa, lao động và vốn khổng lồ của châu Âu, những khiếm khuyết vẫn tồn tại. Những lo sợ về chủ nghĩa bảo hộ trong nội bộ châu Âu đã nổi lên trong năm qua trong bối cảnh Pháp, Italia, Ba Lan và Tây Ban Nha đều tìm cách cản trở những vụ mua lại công ty của các quốc gia thành viên EU khác. Trong khi đó, nhiều quốc gia già hơn của EU chỉ dần dần và miễn cưỡng xóa bỏ những hạn chế đối với người lao động đến từ 12 nước hầu hết là các quốc gia Đông Âu cũ và nghèo đã tham gia khối này từ tháng 5/2004.

             

Năm mươi năm sau khi ra đời, thị trường chung EU vẫn bị cản trở bởi những rào cản và những nhà đưa ra quyết sách lo sợ rằng không thể dỡ bỏ được chúng mà lại không vấp phải phản ứng dữ dội của công chúng. Cao ủy phụ trách các vấn đề Kinh tế và Tiền tệ, Joaquin Almunia, gần đây nói: "Nếu không nỗ lực nhằm tăng mức độ chấp thuận của công chúng đối với việc mở cửa và tự do hóa thị trường, sẽ rất khó thực hiện những cuộc cải cách này".

 

N.S

Theo AFP