1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

EU khó thoát khỏi ảnh hưởng từ Mỹ

Cả hai lãnh đạo Đức và Pháp đã cùng nhau có những động thái mang tính can thiệp trước các hành động của Mỹ rất đáng chú ý, nhằm kêu gọi EU thiết lập sự tự chủ mạnh mẽ hơn trước Washington.

Sau khi Mỹ tấn công Liên minh châu Âu (EU) rất nhiều lĩnh vực, từ thương mại đến biến đổi khí hậu, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang cho thấy họ đã “chịu đựng” quá đủ.

Khẳng định vị thế của EU

Thông điệp chung của cả bà Merkel và ông Macron chính là đã đến lúc châu lục phồn thịnh nhất thế giới phải khẳng định sức mạnh trước những chính sách mang tính thất thường của ông chủ Nhà Trắng Donald Trump.

Đức và Pháp thời gian gần đây liên tục hối thúc EU đảm nhiệm nhiều hơn trách nhiệm trong vấn đề quốc phòng toàn cầu, đồng thời đang cân nhắc một hệ thống tài chính riêng để đảm bảo quyền tự chủ trong các quyết sách của EU. Khi bộ trưởng tài chính của cả Đức và Pháp gặp nhau tại Paris hôm 29-8 (giờ Pháp), một câu hỏi lớn tiếp tục được đưa ra rằng liệu việc EU tiếp tục phối hợp với Mỹ như một đồng minh có thể giúp châu lục này nắm lại quyền kiểm soát trong nhiều vấn đề nội bộ và quốc tế.

Kristine Berzina, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc công ty nghiên cứu German Marshall Fund ở Brussels (Bỉ), cho biết: “Chúng tôi thật sự thấy được EU đang điều chỉnh vị thế toàn cầu của họ. Ngày càng nhiều lời kêu gọi châu Âu mạnh mẽ hơn, không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn các vấn đề an ninh và quốc phòng, trong bối cảnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương (với Mỹ) đang bị mờ nhạt dần và các lo ngại về tương lai EU khi vấn đề chủ nghĩa dân tộc ở các quốc gia thành viên đang gia tăng và tác động của việc Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit)”.

Từ khi thắng cử trở thành tổng thống Mỹ, ông Trump đã và đang làm suy yếu dần các trụ cột trong trật tự thế giới sau Thế chiến thứ hai, trong đó có việc nghi ngờ tầm quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), rút khỏi thỏa thuận hạt nhân rất quan trọng với Iran vốn được EU rất nỗ lực kết nối đàm phán thời tiền nhiệm Barack Obama, tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại với TQ và đe dọa cả nền thương mại châu Âu, gọi EU là “thế lực thù địch” của Mỹ. Tất cả động thái tiêu cực đó khiến lãnh đạo Đức, Pháp - đầu tàu EU - tìm các phương án chính sách thay thế.


Tổng thống Pháp Macron (trái), Thủ tướng Đức Merkel (giữa) đang thúc đẩy EU thoát khỏi ảnh hưởng từ các chính sách “thất thường” của Tổng thống Trump. Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Macron (trái), Thủ tướng Đức Merkel (giữa) đang thúc đẩy EU thoát khỏi ảnh hưởng từ các chính sách “thất thường” của Tổng thống Trump. Ảnh: AFP

Không dễ thực hiện

Tuy nhiên, mong muốn độc lập về tài chính của EU trước Mỹ đặt ra một yêu cầu tổ chức này phải đưa đồng tiền chung, đồng euro, có thể thay thế vai trò của đồng USD trong vai trò một đồng tiền giao dịch quan trọng toàn cầu. Đồng thời EU phải thiết lập được một khuôn khổ tài chính có thể cạnh tranh với phố Wall. Đây là những mục tiêu sẽ tốn kém nhiều thời gian để có thể hoàn thành nếu EU thật sự mong muốn như vậy.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi EU kiểm soát an ninh và quốc phòng, thúc giục khối không nên dựa nhiều vào Mỹ. “Châu Âu không thể dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh cho mình. Chúng ta có thể đảm bảo an ninh cho chính mình, bảo đảm chủ quyền của châu Âu” - báo Express của Anh dẫn lời ông Macron nói trong cuộc gặp tại Paris với các đại sứ Pháp ở nước ngoài hôm 27-8. Tuy nhiên, năng lực quốc phòng cho phép châu Âu có thể tự đảm bảo an ninh của chính mình dường như là một tham vọng lớn khi chỉ có năm trong tổng số 29 thành viên NATO có để đảm bảo yêu cầu của liên minh quân sự - sử dụng 2% trên tổng số GDP của quốc gia để đóng góp vào hoạt động của NATO.

Một động lực quan trọng đối với động thái tìm kiếm sự tự chủ mạnh mẽ hơn của EU với Mỹ chính là quyết định của ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran hồi tháng 5 vừa qua, buộc các công ty châu Âu, gồm Daimler AG và Total SA, phải rút khỏi làm ăn với Iran để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm 27-8 đề nghị các nước EU thiết lập các hệ thống thanh toán độc lập với Mỹ để tránh các quy định mới của Washington.

Ông Le Maire cho biết các nhà chức trách EU quyết tâm tìm ra công cụ tài chính độc lập cho châu Âu, có thể giúp các doanh nghiệp EU sẽ không trở thành nạn nhân chịu liên đới bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ với các nước khác trên thế giới. “Tôi muốn châu Âu trở thành một lục địa có quyền tự chủ chứ không phải là “chư hầu” của Mỹ và điều đó có nghĩa là chúng tôi phải có các công cụ giao dịch hoàn toàn độc lập với Mỹ, điều mà hiện nay châu Âu chưa có” - ông Le Maire nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng đưa ra một số đề xuất tương tự vào tuần trướcvới mục tiêu bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ. Thủ tướng Đức Merkel cũng đồng ý rằng châu Âu ngày càng cần phải tự quyết định vận mệnh của mình. GS Steven Blockmans, nghiên cứu viên cao cấp và là trưởng Ban Chính sách EU tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách EU (CEPS) - một tổ chức nghiên cứu độc lập đặt tại Brussels, nói rằng ý tưởng tách hệ thống giao dịch tài chính châu Âu ngày càng trở thành lời kêu gọi mạnh mẽ nhất đối với sự tự chủ của EU về tài chính và tiền tệ trong quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, theo Blockmans, ý tưởng này không dễ thành hiện thực do vấn đề thiếu đồng nhất quan điểm trong khu vực đồng tiền chung euro.

Rất khó để một hệ thống tài chính tiền tệ EU độc lập với Mỹ có thể giúp đỡ Iran vì sẽ cần thời gian để thiết lập. Và ngay cả khi đã có một hệ thống như vậy thì phải xem các doanh nghiệp có sử dụng nó hay không.

HOLGER SCHMIEDING, kinh tế gia trưởng tại Ngân hàng Berenberg ở London

Theo Thùy Anh

Pháp luật TP.HCM