Tưởng niệm 11 năm vụ 11/9:
Được và mất của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố
(Dân trí) - Với việc tiêu diệt Bin Laden và khởi động toàn diện kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, Iraq, “thời kỳ chống khủng bố” của Mỹ về đại thể đã gần hoàn tất. Hãy cùng nhìn lại những cái được-mất của chiến lược này trong 10 năm qua và dự đoán cho 10 năm tới.
Tiêu diệt Osama Bin Laden, một trong những thành công lớn nhất trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.
Có thể nhận thấy “thời kỳ chống khủng bố” có những ảnh hưởng hết sức sâu sắc tới vận mệnh của bá quyền Mỹ. Vì vậy, sớm kết thúc cuộc chiến này đang trở thành nhận thức chung của phần đông người Mỹ. Tuy nhiên, do cuộc chiến chống khủng bố đã gắn liền với cuộc chiến tranh Iraq, kế hoạch Đại Trung Đông và cuộc chiến chống Taliban ở Afghanistan nên không phải cứ muốn chấm dứt là có thể dễ dàng thực hiện ngay được.
11 năm một chặng đường
Kỳ thực, vào cuối những năm cầm quyền của mình, cựu Tổng thống Mỹ George Bush đã có ý thức sớm kết thúc cuộc chiến chống khủng bố với việc tuyên bố kế hoạch rút quân khỏi Iraq và tỏ ra thận trọng hơn trong việc sử dụng thuật ngữ “cuộc chiến chống khủng bố”.
Nhưng những thay đổi của ông G.Bush đã không đem lại mấy kết quả khi không chỉ các thế lực khủng bố mà ngay cả chính các đồng minh của Mỹ, cũng như người dân “xứ sở cờ hoa” tỏ ra hoài nghi về động cơ của vị chủ nhân Nhà Trắng vốn được mệnh danh là “Tổng thống của chiến tranh”, đặc biệt sau khi họ phát hiện ra rằng những bằng chứng để ông phát động cuộc tấn công Iraq trên thực tế hoàn toàn không có thật.
Chính trong bối cảnh ấy, ông Barack Obama - một người luôn chủ trương sớm kết thúc “cuộc chiến chống khủng bố” - đã nhanh chóng chớp được thời cơ “thay đổi” để bước chân vào Nhà Trắng. Và đương nhiên, kết thúc “cuộc chiến chống khủng bố” đã trở thành trọng điểm cầm quyền và ưu tiên chiến lược của Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ.
Ngay sau khi chuyến đến Nhà Trắng, ông Obama đã đồng thời xúc tiến hành động trên cả 3 mặt.
Thứ nhất là đẩy nhanh tiến trình rút quân khỏi Iraq để mong tháo gỡ mối quan hệ phức tạp giữa “chống khủng bố” và Đại Trung Đông, cắt đứt những phiền phức của chiến tuyến Trung Đông.
Thứ hai, ông Obama khởi động “chiến lược chống khủng bố ở Afghanistan và Pakistan” nhằm xóa bỏ tận gốc mảnh đất thật sự của “chủ nghĩa khủng bố”.
Thứ ba, thực thi chính sách tổng hợp, kết hợp giữa các biện pháp cứng và mềm, lợi dụng toàn diện nguồn lực quân sự, tình báo, chính trị, ngoại giao để sớm mang lại hiệu quả triệt thoái khủng bố trong thời gian ngắn nhất có thể.
Nếu không kể đến những hy sinh và chi phí tất yếu phải bỏ ra khi phát động hay duy trì bất kỳ cuộc chiến tranh nào, thì phải thừa nhận rằng sách lược chống khủng bố của chính quyền Obama đã có những hiệu quả thực chất. Sách lược đó đã dẫn đến việc cải thiện phần nào mối quan hệ thù địch lâu nay giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo, đã đưa đến việc tiêu diệt được trùm khủng bố quốc tế Osama Bin Laden sau gần 9 năm truy bắt, rút quân hoàn toàn khỏi Iraq và đang từng bước hiện thực hóa kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan đúng theo lộ trình cam kết.
Chính xét từ ý nghĩa này, “thời kỳ chống khủng bố” kéo dài hơn 10 năm qua của Mỹ về đại thể đã đi được một chặng đường dài.
Những cái được - mất
Trong 11 năm ấy, nước Mỹ đã thực hiện hai chiến lược chống khủng bố, lần lượt ở Trung Đông và Nam Á, dù rằng xét cho cùng mảnh đất hay gốc rễ sinh sôi chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa được xóa bỏ.
Theo đánh giá của giới phân tích, tình hình tại Afghanistan và Iraq “thời kỳ hậu rút quân” xem ra cũng khó có thể ổn định trong sớm chiều vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó quan trọng nhất là việc cả hai tổ chức al-Qaeda và Taliban - các lực lượng nòng cốt của chủ nghĩa khủng bố - đều không hề bị sụp đổ do cái chết của Bin Laden. Ngược lại, cái chết của tên trùm khủng bố khét tiếng khi y đã bước sang tuổi 67 và trong tay không một “tấc sắt” phòng vệ khi bị biệt kích Mỹ tấn công tại nhà riêng ở Abbottabad (Pakistan) hồi thnsg 5/2011 vẫn đang tiếp tục gây rắc rối, làm cho quân Mỹ, quân đội NATO thường xuyên bị thương vong.
Cục diện Afghanistan, Iraq và Pakistan rồi sẽ ra sao, quan hệ Mỹ-Pakistan sẽ có những thay đổi đặc biệt như thế nào sẽ là những nhân tố phủ bóng lên chặng đường chống khủng bố thời gian tới. Sẽ không quá khi nói rằng, “thời kỳ chống khủng bố” tuy đã đi được một chặng đường nhưng cuộc chiến này vẫn còn nhiều gian nan.
Tuy nhiên, xét ở khía cạnh lựa chọn chiến lược lớn, dù gian nan đến mấy Mỹ cũng không thể không tìm cách nhanh chóng kết thúc “thời kỳ chống khủng bố”. Bởi,
Thứ nhất, cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát và kinh tế đi xuống đang đẩy Mỹ vào thế khó có thể tiếp tục đảm đương cuộc chiến chống khủng bố mà không biết hồi kết. Mức trần nợ công của Mỹ đã gần trạm mức trần 26.300 tỷ USD mà khó khăn lắm Quốc hội Mỹ mới thông qua được hồi năm ngoái. Mức nợ công này có liên quan chặt chẽ tới việc vay mượn quá nhiều dưới thời kỳ George Bush để thực hiện cuộc chiến chống khủng bố lan tràn.
Thứ hai, cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq chẳng những không có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế, tăng thêm việc làm mà ngược lại, còn làm ảnh hưởng đến kinh tế, khiến thâm hụt gia tăng và quan trọng hơn là làm mất uy tín của nước Mỹ. Việc sớm kết thúc hai cuộc chiến này, vì thế, cũng đã trở thành nhận thức chung của đảng cầm quyền và đảng đối lập trong nhiều năm trở lại đây.
Mặc dù hiểu rõ việc rút quân khỏi hai chiến trường Trung Đông và Nam Á vào thời điểm hiện nay là có phần hơi vội vã, nhưng chính quyền Obama đành phải đưa ra sự lựa chọn như vậy.
Nguyên nhân phần lớn là vì hệ thống quốc tế thay đổi theo chiều sâu; toàn bộ thế giới phương Tây đang lún sâu vào khủng hoảng tài chính – kinh tế; nhóm các nước mới nổi trỗi dậy mạnh mẽ; khối châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh đều bắt đầu thức tỉnh; trong khi khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang chuyển mình trở thành trung tâm kinh tế năng động nhất toàn cầu.
Cân nhắc từ các góc độ chiến lược lớn ấy, Mỹ phải nhanh chóng thoát khỏi khu vực Trung Đông, Nam Á, cũng như thoát khỏi “cuộc chiến chống khủng bố” để đối phó với những thách thức có ý nghĩa chiến lược lâu dài hơn.
Nói tóm lại, trong hơn 10 năm qua, việc Mỹ tập trung chống khủng bố là chiến lược cần thiết, thì cùng với sự thay đổi hoàn toàn mới của tình hình trong nước và quốc tế, kết thúc “thời kỳ chống khủng bố” cũng đang nổi lên là hoạt động có ý nghĩa chiến lược hết sức cấp bách. Nếu như chính quyền George Bush mượn “cuộc chiến chống khủng bố” để mưu cầu bá quyền, thì chính quyền Obama hiện nay lại mượn việc “kết thúc cuộc chiến chống khủng bố” để bố trí lại chiến lược toàn cầu của Mỹ thời kỳ hậu chống khủng bố.
Phác họa thời kỳ “hậu cuộc chiến chống khủng bố”
Xét tổng thể, có thể vạch ra đôi nét về đường hướng chính trong chiến lược toàn cầu của Mỹ “thời kỳ hậu chống khủng bố” như sau:
Thứ nhất, Mỹ nhận thức được rằng “chủ nghĩa khủng bố quốc tế” đã chuyển từ mối đe dọa hàng đầu thành một trong nhiều mối đe dọa hoặc thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Thách thức từ những vấn đề mang tính toàn cầu như sự thay đổi bức tranh địa-chính trị thế giới, tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu hay những mối đe dọa an ninh phi truyền thống khác đang là những vấn đề Mỹ cần phải quan tâm nhiều hơn.
Thứ hai, xuất phát từ tình hình thực tế về thực lực và cục diện quốc tế, Mỹ cần phải từng bước nhận thức được những hạn chế về mặt thực lực; phải chú trọng hơn đến việc vvận dụng tổng hợp, cân bằng, khéo léo sức mạnh cứng và mềm; phải thừa nhận xu thế đa cực hóa của các lực lượng trên thế giới và theo đuổi hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm vai trò chủ đạo trong khuôn khổ nhiều đối tác thay vì chiếm giữ vị trí bá chủ như trước đây. Nói cách khác, Mỹ phải chấp nhận thực tế không còn ở vị trí số 1, mà là “một nước đứng đầu trong những nước ngang hàng nhau”.
Thứ ba, Mỹ phải chú ý nhiều hơn đến mối quan hệ gắn kết giữa chiến lược an ninh và địa chiến lược. Mỹ phải cùng lúc đối phó với cả “cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố” và sự vươn lên của các nước mới nổi không hoàn toàn đi theo quỹ đạo của Mỹ. Muốn vậy, Mỹ phải vừa quan tâm tới Trung Đông, Nam Á và Đông Á, vừa đẩy mạnh trọng tâm chiến lược dịch chuyển từ Tây sang Đông, coi châu Á-Thái Bình Dương là trọng điểm địa chiến lược trong tương lai. Bên cạnh đó, Mỹ cũng phải đẩy mạnh khả năng giám sát đối với những “tài sản chung toàn cầu” ở trên biển, trên không và trong không gian vũ trụ.
Thứ tư, Mỹ phải vận dụng tổng hợp và khéo léo cùng lúc các biện pháp quân sự, ngoại giao, kinh tế, viện trợ đối ngoại, tình báo và tuyên truyền ra bên ngoài.
Tất cả những điều này đang truyền đi một thông điệp quan trọng: Chiến lược toàn cầu của Mỹ có xu thế thu hẹp về tổng thể. Đây vừa là sự sửa sai do hành động bành trướng quá mức trong “thời kỳ chống khủng bố”, vừa có liên quan tới quan niệm chiến lược toàn cầu mới của chính quyền Obama. Nhưng nguyên nhân sâu xa nhất vẫn xuất phát từ chính bên trong nội bộ nước Mỹ: Khi đang phải đứng trước một cuộc khủng hoảng mang tính kết cấu, “chú Sam” cần phải thay đổi phương hướng phát triển bên trong và can dự bên ngoài để có thể bảo toàn tốt nhất những lợi ích chiến lược của mình.
Việt Giang