1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đưa quân vào Syria, Ankara đã ngấm sai lầm?

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vận động các nước đưa quân vào Syria đơn độc, thì Nga lại đang gia tăng thêm những sức ép mới trên chiến trường.

Thổ Nhĩ Kỳ ra tối hậu thư trong đơn độc

Ngày 17/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho rằng Mỹ cần đưa ra quyết định muốn ủng hộ Ankara hay lực lượng người Kurd đồng thời khẳng định nước này "không có ý định dừng pháo kích người Kurd ở Syria".

Theo ông Erdogan, việc phớt lờ mối liên hệ giữa lực lượng người Kurd ở Syria và đảng Công nhân người Kurd (PKK) là một "hành động thù địch".

Thực tế từ lâu Ankara coi đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) là một tổ chức khủng bố, có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng đang đòi thiết lập khu tự trị ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên Washington lại bác bỏ quan điểm này và ra sức ủng hộ lực lượng người Kura ở Syria, tạo điều kiện cho đội quân này giành thế chủ động trong việc chiếm giữ khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù Ankara đã nhiều lần đề nghị nhưng Nhà Trắng vẫn giữ thái độ thận trọng và hoàn toàn im lặng trước việc này. Thậm chí Washington còn đang chuyển hướng sang tiến hành các đợt tấn công vào Libya.

Ngày 16/2, phát biểu trong cuộc họp báo tại bang California, Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố Washington sẽ tiếp tục nỗ lực chặn tổ chức khủng bố IS thiết lập thành trì tại Libya – quốc gia hiện đang chìm trong những bất ổn về chính trị.

Thổ Nhĩ Kỳ đang cô độc đưa ra tối hậu thư với các nước
Thổ Nhĩ Kỳ đang cô độc đưa ra tối hậu thư với các nước

Theo ông chủ Nhà Trắng, Mỹ sẽ hợp tác với các đối tác trong liên minh quân sự để tìm kiếm và nắm bắt cơ hội ngăn chặn IS xây dựng thành trì tại Libya. Hiện Mỹ đã có một kế hoạch hành động và mục tiêu rõ ràng về vấn đề này.

Saudi Arabia vốn từng hứa sẽ đưa quân vào lãnh thổ Syia nhưng đến nay thì đang tỏ thái độ ngập ngừng và chờ phản ứng tiếp theo của Mỹ.

“Chúng tôi đã tuyên bố rằng nếu liên minh do Mỹ dẫn đầu phái quân đổ bộ tới Syria, chúng tôi sẵn sàng đưa lực lượng đặc biệt tới đây, thế nên bây giờ chúng tôi đang đợi xem các diễn biến tiếp theo”, ông Adel al-Jubeir, Ngoại trưởng Saudi Arabia.

Sự thay đổi đột ngột này của Saudi Arabia xuất phát từ việc bị hàng loạt các quốc gia trong khu vực và thế giới đồng loạt lên tiếng phản đối ý định đưa quân vào Syria của nước này. Bên cạnh đó, một nguyên nhân được nhiều người đồn đoán là do cuộc gặp không lâu trước đó với Moskva.

Sau cuộc họp ở Doha-Qatar ngày 16/2, Ả Rập Saudi và Nga - 2 nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới - đã đồng ý giữ nguyên mức khai thác “vàng đen” như hồi tháng 1/2016.

Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali Al-Naimi nhấn mạnh giữ nguyên sản lượng dầu như nêu trên là việc làm thỏa đáng, đồng thời khẳng định nước này muốn đáp ứng nhu cầu của các khách hàng.

Rõ ràng có thể thấy rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang đơn độc đưa ra tối hậu thư với các nước nhằm mục đích lôi kéo đồng minh đưa quân vào Syria gây áp lực với Nga. Đáp trả lại Ankara là sự thận trọng hoặc những thái độ thờ ơ, ngập ngừng.

Nga gia tăng thêm sức ép

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra đơn độc trên chiến trường Syria thì bà Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đã tiếp tục đưa ra những cáo buộc về việc Ankara hỗ trợ phần tử khủng bố IS.

Theo bà Maria Zakharova, một vài nước phương Tây dường như đang muốn bảo vệ cho đường tiếp tế của khủng bố khi liên tục đề nghị Nga không được tấn công vào biên đường biên giới dài 100km giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga đang tiếp tục tăng cường gây sức ép tại Syria.
Nga đang tiếp tục tăng cường gây sức ép tại Syria.

“Một vài đối tác phương Tây của chúng tôi đề nghị Nga không được động vào khu vực kéo dài 100km xung quanh thị trấn Azaz. Trên thực tế, đây là nơi có đường tiếp tế của các nhóm khủng bố như Tổ chức IS hay Al-Nursa Front chạy qua. Chúng vẫn luôn được cung cấp nhiều loại vũ khí, đạn dược cũng như nhu yếu phẩm để duy trì chiến đấu”, bà Zakharova nói.

Trước đó cùng ngày, Điện Kremlin đã kiên quyết phủ nhận những cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ khi cho rằng Nga đã ném bom vào một số cơ sở y tế và trường học ở khu vực miền Bắc Syria.

“Chúng tôi thẳng thừng bác bỏ và không chấp nhận những tuyên bố như vậy”, Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov khẳng định.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 16/2, trả lời phỏng vấn với kênh Rossiya 24, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Hosein Dehqan khẳng định chiến dịch chống khủng bố của Nga tại Syria đã thay đổi cán cân sức mạnh toàn khu vực Trung Đông

“Sự hiện diện của Nga tại Syria đương nhiên đã làm thay đổi môi trường an ninh và biến chuyển hoàn toàn cán cân sức mạnh của khu vực”, Bộ trưởng Hosein Dehqan tuyên bố.

Bên cạnh đó, ông Dehquan cũng nhấn mạnh đến việc muốn mở rộng hợp tác quân sự, kĩ thuật và công nghệ với Moskva, nhằm đảm bảo an ninh cho khu vực.

Rõ ràng, Nga đang ngày càng thể hiện thêm những quyết tâm mới trong chiến dịch không kích IS tại Syria.Việc ủng hộ và đánh giá cao của các nước là một trong những ghi nhận đáng kể từ cộng đồng quốc tế dành cho Moskva trong cuộc chiến khắc nghiệt và kéo dài này.

Liên quân Mỹ không kích Syria làm ít nhất 15 dân thường thiệt mạng

Ngày 16/2, có ít nhất 15 dân thường đã thiệt mạng khi các máy bay chiến đấu của liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tấn công vào một khu vực đang do nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát thuộc tỉnh Al-Hasakah phía Đông Bắc Syria.

Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết các máy bay của liên quân đã không kích vào thành phố Shaded phía Đông Bắc Syria. Theo tổ chức này, số dân thường Syria thiệt mạng trong đợt không kích sẽ còn tăng cao vì cuộc không kích cũng khiến nhiều người bị thương nặng.

Liên quân do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu IS tại Syria trong 1 năm qua. Tuy nhiên, giới chức Syria cho rằng các chiến dịch này là không hiệu quả. Trong khi đó, Nga cũng đưa máy bay tới Syria để chống khủng bố từ tháng 9 năm ngoái.

Đây là lần đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2 các máy bay quân sự của Nga và Mỹ có mặt tại cùng một quốc gia.

Theo Hùng Dũng (Tổng hợp)

Đất Việt