1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Dự thảo Nga bị bác, Trung Đông tăng nguy cơ chiến tranh

Dự thảo nghị quyết của Nga về Syria đã bị ít nhất 3 thành viên có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bác bỏ.

Nga: Phương Tây đã bác bỏ những gì mình từng tuyên bố

Theo tin mới nhất, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã bác dự thảo nghị quyết của Nga về Syria. HĐBA LHQ đã không đạt được thỏa thuận về vấn đề Nga “yêu cầu tôn trọng chủ quyền của Syria”. Tuy nhiên, các cuộc tham vấn về văn kiện này sẽ được tiếp tục.

Được biết, HĐBA LHQ đã tổ chức hôm 19-2 một cuộc họp theo sáng kiến của Nga về tình hình trên biên giới Syria -Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước cuộc họp, phái đoàn Nga đã phân phát dự thảo nghị quyết lên án việc bắn phá lãnh thổ Syria qua biên giới (không nêu đích danh Thổ Nhĩ Kỳ) và dòng chảy chiến binh nước ngoài đang tiếp diễn và nguy cơ can thiệp quân sự vào Syria.

Phương án ban đầu của văn bản đã bị 6 thành viên Hội đồng bác bỏ, ba người trong số họ có quyền phủ quyết. Cụ thể các nước bác bỏ dự thảo do Nga đề xuất bao gồm toàn bộ các nước phương Tây là Anh, Tây Ban Nha, New Zealand, Mỹ, Ukraine và Pháp.

Tài liệu đã "xác định rõ ràng khái niệm về tự vệ, và dựa trên cơ sở Điều 51 của Hiến chương LHQ. Một số quy định được soạn thảo dựa trên những thỏa thuận đã đạt được trong tuyên bố của hội nghị G20 tại Antalya-Thổ Nhĩ Kỳ" - đại diện thường trực của Nga cho biết.

Ông Vitaly Churkin lưu ý rằng, dự thảo nghị quyết mới bao gồm các quy định giúp các bên có liên quan ở Syria phối hợp với nhau và cùng nhau làm việc để bắt giữ và trừng phạt những kẻ thực hiện hành động tấn công khủng bố.

Đoàn xe của Liên Hợp Quốc di chuyển trên lãnh thổ Syria, ở khu vực cao nguyên Golan
Đoàn xe của Liên Hợp Quốc di chuyển trên lãnh thổ Syria, ở khu vực cao nguyên Golan

Đại diện của Nga cho biết, dự thảo nghị quyết yêu cầu tôn trọng chủ quyền của Syria, chấm dứt ngay lập tức các vụ bắn phá qua biên giới, cũng như từ bỏ những nỗ lực và kế hoạch cho một cuộc xâm lược quân sự nước ngoài trên mặt đất vào lãnh thổ Syria.

Dự thảo cũng nhấn mạnh rằng một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng Syria chỉ có thể thông qua nhờ một tiến trình chính trị dung hợp dưới sự lãnh đạo của người Syria, phù hợp với Nghị quyết 2254 của HĐBA LHQ đã ban hành.

Trong các cuộc tham vấn kín, Phó Đại diện thường trực của Liên bang Nga tại LHQ Vladimir Safronkov lưu ý rằng, những quy định trong bản dự thảo được đề xuất "đã được khẳng định, lặp đi lặp lại nhiều lần bởi tất cả các thành viên HĐBA trong suốt thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng Syria".

Ông cho biết, bản thân mình cũng đã nhắc nhở các đối tác phương Tây ở HĐBA về điều này. Tuy nhiên, "tôi không thể tưởng tượng được rằng làm thế nào họ có thể, thậm chí cả vì những lý do chính trị, từ bỏ tất cả những nguyên tắc này trong bản dự thảo của Nga" - ông Safronkov nói với các phóng viên.

Bác bỏ nghị quyết có thể dẫn tới chiến tranh?

Đại diện thường trực của Nga tại LHQ là ông Vitaly Churkin cho biết, Nga đã đệ trình HĐBA LHQ bản dự thảo nghị quyết về phối hợp nỗ lực trong cuộc chiến chung chống chủ nghĩa khủng bố. Đây là bản dự thảo được Moscow cho là “có những đổi mới”.

Ông Vitaly Churkin nói với các phóng viên rằng, tài liệu đã được chuẩn bị trong bối cảnh liên hệ với những sự kiện diễn ra gần đây nhất và "chú trọng hơn vào cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo và sự cần thiết của những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế".

Bản dự thảo nghị quyết này được Nga soạn thảo trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ liên tục nã pháo xuyên biên giới vào các cứ điểm của lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria (YPG), thậm chí còn dọa sẽ phá hủy sân bay Menaqh trên đất Syria, nếu người Kurd không rời khỏi đây.

Hành động này được chính quyền Erdogan đưa ra sau khi các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) đã giành thắng lợi lớn trước các tay súng phiến quân đối lập của Mặt trận al-Nusra (chi nhánh al-Qaeda) và Quân đội Syria Tự do (FSA), ở phía bắc tỉnh Aleppo.

Việc YPG giải phóng 2 thị trấn Kafr-Naseh và Tal Rifat và chuẩn bị đánh chiếm thành phố Azaz - một cứ điểm cuối cùng của các tay súng được cho là do Ankara hậu thuẫn đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng và đưa ra các hành động cực đoan là bắn phá sang các căn cứ người Kurd trên lãnh thổ Syria.

Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện ở thị trấn Afrin, tỉnh Aleppo
Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện ở thị trấn Afrin, tỉnh Aleppo

Thậm chí là vào ngày 18-2 vừa qua, quân đội nước này đã tràn sang bên kia biên giới, mang theo nhiều xe ủi, tiến hành đào công sự ở khu vực làng Maydan Ikbis, nằm ở phía tây thị trấn Afrin thuộc tỉnh Aleppo của Syria. Afrin là một trong 3 khu tự trị do người Kurd Syria tuyên bố thành lập,

Ngoài ra trước đó, Mỹ và một số quốc gia Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia hay Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã họp thảo luận để hoạch định một kế hoạch tung hàng chục vạn bộ binh vào tham chiến “chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS” ở Syria.

Chính quyền Syria đã tuyên bố rõ ràng, bất cứ kế hoạch đưa quân nào vào lãnh thổ đất nước mà không có sự chấp thuận của Damascus đều là hành động xâm phạm chủ quyền, và nước này cùng với các đồng minh sẽ có những hành động đáp trả tương xứng.

Các chuyên gia quốc tế đã bày tỏ sự lo ngại rằng, nếu các nước Ả Rập đưa quân vào Syria sẽ dẫn tới cục diện vô cùng hỗn loạn trên đất nước này. Hành động đưa quân vào Syria của Thổ Nhĩ Kỳ và Saudia Arabia có thể sẽ dẫn tới chiến tranh với Iran và thậm chí là cả Nga.

Một số chuyên gia tái khẳng định, việc bản dự thảo nghị quyết của Nga bị bác bỏ càng làm tăng thêm nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh khu vực đẫm máu ở khu vực Trung Đông, ảnh hưởng lớn đến châu Á và châu Phi và thậm chí là châu Âu.

Theo Nhật Nam

Đất Việt