1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bình luận cuối tuần:

Dự cảm chiến tranh và những điềm gở

(Dân trí) - Ông Bush từng tuyên bố sẽ không kết thúc nhiệm kỳ trước khi đảm bảo chắc chắn rằng Iran sẽ không trở thành quốc gia hạt nhân. Nhiều khả năng ông Bush sẽ thực hiện cam kết tấn công quân sự chống Iran trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ trong hai năm tới...

Những điềm gở

 

Bằng việc tuyên bố không đối thoại với Iran và Syri, thay đổi một loạt các tướng lĩnh tại khu vực, đưa thêm quân tới Iraq, tăng thêm tàu sân bay và hệ thống tên lửa đánh chặn đến vùng Vịnh, tăng cường các biện pháp cấm vận, gây sức ép nhằm vào Iran, phải chăng Tổng thống Mỹ George W. Bush chỉ muốn dọa Tehran hay đó là điềm báo rằng giờ G cho một cuộc tấn công vào Iran sắp điểm.

 

Mầm chiến tranh đang âm thầm mọc

 

Kể từ khi liệt Iran vào một trong ba nước nằm trong "Trục ma quỷ" vào ngày 29/1/2002, 5 năm qua, ông Bush có thể nói đã làm tất cả (trừ việc đàm phán trực tiếp) nhằm tìm cách thuần hóa "con ngựa chứng Iran". Từ việc nhắm mắt, bặm môi, chấp nhận để Anh, Pháp và Đức thương lượng với hy vọng Iran sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, gia tăng sức ép buộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải ra nghị quyết trừng phạt Iran, mở các chiến dịch truyền thông lớn liên tiếp cáo buộc Iran có ‎kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng, tới việc tăng cường trấn áp các mạng lưới tình báo được cho là của Iran đang hoạt động của Iraq, nhưng kết quả là Iran không những không ngừng làm giàu urani mà còn đẩy nhanh hơn tiến trình này và đang ngày một gia tăng ảnh hưởng tại khu vực.

 

 

Dự cảm chiến tranh và những điềm gở - 1
 

Iran đang là thế lực có thể gây ảnh hưởng lớn nhất

trên bản đồ Trung Đông.

 

Việc Iran đang ngày càng có ảnh hưởng tại khu vực cũng như viễn cảnh một ngày nào đó Tehran sẽ có vũ khí hạt nhân đã khiến lực lượng Sunni trong vùng, cụ thể là Ai Cập và Arập Xêút đang vô cùng lo ngại. Các nước Arập Sunni hiện cho rằng thất bại của Mỹ tại Iraq dường như đã được khẳng định đúng như trong báo cáo của Nhóm nghiên cứu Iraq (ISG), và điều này chắc chắn sẽ tác động đến tham vọng của Iran, nước đang âm mưu thiết lập một "Lưỡi liềm Shiite" mở rộng thông qua Iraq, Xyri và Libăng đến tận Địa Trung Hải.

 

Trên thực tế, người Hồi giáo Sunni ở bán đảo Arập luôn có một mối quan hệ lịch sử và cộng đồng mạnh mẽ với những người Sunni Iraq vốn đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các nhóm dân binh Shiite kể từ sau khi chế độ Saddam sụp đổ. Hơn nữa, xét về mối quan hệ lịch sử và cộng đồng giữa những người Shiite ở Iraq và Iran, sự lo ngại về một sự thống trị Iraq của người Shiite chịu ảnh hưởng của Iran là xác đáng vì điều này sẽ đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nước Arập Sunni, đặc biệt là Arập Xêút và Kuwait.

 

Sau khi đón nhận những thông tin cho rằng Arập Xêút sẽ can dự vào Iraq để chống lại các nhóm dân quân Shiite do Iran hậu thuẫn, dư luận khu vực dường như một thông điệp mới đang được gửi đi: Arập Xêút có thể tìm mọi cách - kể cả tập hợp lượng lực từ các nước Arập Sunni - để ngăn chặn ảnh hưởng của Tehran ở khắp khu vực Trung Đông, nơi mà nhiều tờ báo Arập đang cho rằng có thể trở thành một "đấu trường" của người Sunni và người Shiite. Gần đây, Quốc vương Arập Xêút Abdullah đã nói với Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney rằng nước này sẽ cung cấp tiền và vũ khí cho lực lượng dân quân dòng Sunni ở Iraq nếu Mỹ rút quân khỏi đây. Bên cạnh đó, các báo cáo gần đây cho biết nhiều người Arập Xêút  đang đổ tiền cho lực lượng du kích Sunni ở Iraq thông qua các tổ chức từ thiện hoặc những người hành hương.

 

Israel đương nhiên lo ngại nhất trước thái độ bài Do Thái của Chính phủ Tehran cũng như chương trình hạt nhân của nước này. Israel một mặt luôn kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp nhằm ngăn chặn khả năng Iran có vũ khí hạt nhân, mặt khác cũng lặng lẽ chuẩn bị các phương án thực hiện trong trường hợp không đạt được một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này. Gần đây, có thông tin Israel đã soạn thảo các kế hoạch bí mật để phá hủy các cơ sở làm giàu urani bằng các vũ khí hạt nhân chiến thuật. Theo nhiều nguồn tin quân sự của Israel, hiện có hai phi đội máy bay chiến đấu của nước này đang luyện tập tấn công một cơ sở hạt nhân của Iran bằng cách sử dụng "những quả hạt nhân phá bongke mini". Mặc dù việc Israel tiết lộ kế hoạch trên có thể là cách để gây sức ép buộc Iran phải ngừng làm giàu urani nhưng cũng không loại trừ khả năng Israel đang muốn nắn gân dư luận quốc tế trước khi tấn công Iran.

 

Những động thái trên đang đặt tương lai của Trung Đông vào một trạng thái nguy hiểm chưa từng thấy và bóng ma về một cuộc chiến tranh khu vực có vẻ đang cận kề.

 

Giờ G sắp điểm

 

Chính quyền Mỹ tin rằng Iran là mối đe dọa hiện hữu nhất đối với đồng minh Israel và là đe dọa nguy hiểm nhất đối với người dân Mỹ. Tổng thống Bush cho rằng Iran đang âm mưu phá hoại những hy vọng của Mỹ về việc xây dựng một "Trung Đông mới" bằng cách ủng hộ và hỗ trợ các nhân tố, các tổ chức khủng bố chống Mỹ và sử dụng chúng như những lực lượng bảo vệ tham vọng hạt nhân của họ. Ông Bush từng tuyên bố sẽ không kết thúc nhiệm kỳ trước khi đảm bảo chắc chắn rằng Iran sẽ không trở thành quốc gia hạt nhân và từng đưa ra cam kết tương tự với các nhà lãnh đạo Israel. Điều này cho thấy nhiều khả năng ông Bush sẽ thực hiện cam kết tấn công quân sự chống Iran trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ trong hai năm tới.

 

Dấu hiệu này có vẻ rõ ràng hơn khi Nhật báo "Thời đại Arập" có trụ sở ở Kuwait số ra ngày 14/1 đưa tin Mỹ có thể mở một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran trước tháng 4/2007. Báo trên, dẫn một nguồn tin đáng tin cậy cho biết cuộc tấn công sẽ diễn ra từ ngoài biển và việc Mỹ thời điểm tấn công vào tháng 4/2007 là do Thủ tướng Anh Tony Blair đã nói rằng đó sẽ là tháng cuối cùng ông còn tại nhiệm.

 

Thông tin này càng được củng cố khi có tin tàu USS John C Stennis đã được điều động đến vùng Vịnh, kết hợp với tàu sân bay USS Eisenhower đang neo đậu sẵn ở đây, hợp thành một lực lượng tấn công qui mô mới. Các máy bay chiến đấu F-16 của không quân Mỹ được đã nhận được lệnh tập kết tại các căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ, sẵn sàng tham gia cuộc chơi. Cùng lúc này, 600 tên lửa đánh chặn Patriot cũng được quân đội Mỹ vận chuyển đến khu vực Trung Đông. Bố trí này trên thực tế đã đặt Iran vào thế bị bao vây bởi các quốc gia và khu vực xung quanh Iran như Aghanistan, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Cata, Ôman đều có căn cứ của quân đội Mỹ.

 

Cản trở đối với ông Bush trong ý đồ tấn công quân sự chống Iran là những quan điểm phản đối trong quân đội và chính giới Mỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tuy nhiên, Tổng thống Bush lại bị thuyết phục bởi một vài cố vấn quân sự cho rằng STRATCOM (Bộ chỉ huy Không quân chiến lược) đã hoàn thành một kế hoạch khả thi tấn công khoảng 1.500 mục tiêu của Iran giúp ngăn chặn mọi sự trả đũa có thể từ phía nước này mà không cần phải triển khai bộ binh hoặc thực hiện các chiến dịch bình định sau xung đột.

 

Lôgích của chiến lược này dường như phụ thuộc vào những hy vọng về khả năng phá hủy toàn bộ công trình hạt nhân của Iran và làm tê liệt hoạt động của quân đội nước này bằng các phi vụ không kích dồn dập gây bất ngờ và làm tê liệt hành động trả đũa của quân đội cách mạng Iran. Bên cạnh đó, các nhân tố thân phương Tây ở Iran được chuẩn bị sẵn sàng để nhanh chóng lật đổ chế độ và nắm quyền lực dưới "chiêu bài" tự do dân chủ. Kế hoạch này có thể củng cố thêm những tham vọng của giới bảo thủ trong chính quyền Wasington hiện nay.

 

Một cuộc mất – còn

 

Trái với Iraq, nơi quân đội Mỹ chỉ phải chiến đấu chống lại các đội quân vô tổ chức và thiếu các thiết bị hiện đại, Iran là một thách thức nghiêm trọng về quân sự. Iran là một cường quốc khu vực với một đội quân cho dù có thể chưa được huấn luyện tốt, trang bị còn thiếu thốn và ít có sự phối hợp, nhưng cũng đủ mạnh, có tính dân tộc và quen với trận mạc để có thể giáng cho các lực lượng Mỹ những tổn thất mà Lầu Năm Góc cũng như phần lớn các nhà quan sát Mỹ không thể chấp nhận được. 

 

 

Dự cảm chiến tranh và những điềm gở - 2
 

Sự đoàn kết dân tộc của Iran  là cái có thể làm cho

quân đội Mỹ thất bại.

 

Bởi Iran chắc chắn sẽ phản ứng gay gắt, hàng loạt các lợi ích của Mỹ từ Iraq đến Libăng, thậm chí trên cả lãnh thổ Mỹ có nguy cơ bị tấn công. Ngọn lửa chiến tranh sẽ không chỉ giới hạn ở Iran mà có nguy cơ sẽ lan ra toàn khu vực.  Các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực mà đặt biệt là Israel có nguy cơ bị Iran trả đũa đầu tiên. Hơn thế, nguy cơ Iran sử dụng vũ khí dầu lửa là rất lớn và điều này có thể đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng dầu lửa đẩy giá dầu tăng cao và làm suy giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới. Ngoài ra, chiến tranh sẽ làm gia tăng khoảng trống quyền lực tạo điều kiện cho các phong trào khủng bố trỗi dậy và phát triển, điều sẽ khiến cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ vốn đã khó khăn sẽ càng thêm chồng chất.

 

Một cuộc tấn công quân sự của Mỹ nhằm vào Iran vừa có mục tiêu thực tế nhằm vào vấn đề hạt nhân của Iran, lại vừa có suy nghĩ lâu dài loại bỏ chính quyền hiện nay ở nước này. Dưới con mắt của một số người Mỹ, nếu nước cờ này là đúng, nó có thể giúp hồi sinh lại bàn cờ lớn của toàn bộ khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, nếu bước đi này sai lầm, chiến lược Trung Đông của Mỹ có khả năng sẽ gặp trở ngại rất lớn, thậm chí là thất bại. Cuộc chiến ở Iran nếu diễn ra sẽ trở thành canh bạc lớn nhất về ngoại giao - quân sự của Mỹ, cũng như của ông Bush. Lịch sử sẽ phán xét ông là người có "công lớn" cho nước Mỹ hay sẽ là người "mở đường" cho sự đi xuống của một đế quốc toàn cầu giống như Đế quốc Anh hồi đầu thế kỷ 20.

 

Kiến Văn