1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Dự báo các sự kiện thế giới 2008

(Dân trí) - Năm mới 2008, thế giới sẽ diễn ra những sự kiện quan trọng như ai sẽ trở thành tổng thống mới của nước Mỹ thay thế ông Bush? Tổng thống Putin sẽ làm gì sau khi mãn nhiệm? Chiến tranh Iran liệu có xảy ra?

Mặc dù bức tranh chính trị thế giới trong cả một năm không phải dễ dự báo nhưng những sự kiện diễn ra trong năm 2007 vừa qua đã phần nào cho thấy tương lai thế giới 2008.

 

Dưới đây là những dự báo về các sự kiện thế giới có thể diễn ra trong năm nay.   

 

Giá dầu và những kỷ lục  

 

Năm 2007, thế giới đã chứng kiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng mạnh mẽ do những biến động theo chiều hướng liên tục tăng cao của giá dầu thế giới. Tuy nhiên, giá dầu trong năm mới 2008 được dự báo sẽ còn cao hơn do nguồn cung ngày càng suy giảm trong khi những bất ổn tại các khu vực có lượng dự trữ dầu lớn của thế giới vẫn không có dấu hiệu được cải thiện. Đầu năm 2008, cả thế giới đã không khỏi giật mình trước thông tin giá dầu thô phá ngưỡng 100 USD/thùng, cao nhất trong lịch sử.  

 

Nguyên nhân của sự gia tăng này không thể không thể đến những bất ổn liên tiếp xảy ra tại các thị trường cung cấp dầu chủ yếu của thế giới như Iraq, Nigeria, Sudan. Khi giá dầu trên thế giới ngày càng tăng cao thì ảnh hưởng của nó tới nền chính trị của thế giới càng mạnh mẽ. Ngay trong những ngày đầu năm mới, mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và Mỹ trong suốt một năm qua đã tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới bằng vụ chạm trán suýt xảy ra nổ súng tại eo biển Hormuz thuộc vùng Vịnh, nơi 17 triệu thùng dầu được chuyên chở qua đây hàng ngày.

 

Nguyên nhân sâu xa của sự việc này cũng bắt nguồn từ dầu mỏ. Giá dầu liên tiếp đạt kỷ lục và nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên chiến lược này đã làm bùng lên cuộc tranh chấp các vùng đất ở Bắc Cực và Nam Cực giữa các cường quốc. Cũng vì dầu mỏ mà Trung Đông sẽ tiếp tục là địa bàn tranh chấp của các cường quốc thế giới và thuật ngữ “chảo lửa” dùng cho khu vực này sẽ còn tiếp tục được sử dụng.  

 

Bầu cử tổng thống Mỹ: Ai sẽ thay thế George Bush? 

 

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dù đến gần cuối năm 2008 mới diễn ra những các cuộc vận động tranh cử đã sôi động suốt cả năm 2007 để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sơ bộ trong nửa đầu năm 2008 sau đó là bầu cử chính thức vào ngày 4/11. Câu hỏi ai sẽ kế nhiệm Tổng thống Mỹ George Bush sẽ được giải đáp. 

 

Cuộc chiến vào Nhà Trắng năm nay được dự báo là sẽ sôi động, căng thẳng và tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ. Có nhiều đảng đưa người ra tranh cử nhưng thực tế chỉ có đại diện của hai chính đảng là Cộng hòa và Dân chủ thay nhau làm ông chủ Nhà Trắng. Cuộc chiến diễn ra giữa lúc đảng Cộng hòa cầm quyền gặp nhiều bất lợi như sự phản đối của đa số cử tri đối với cuộc chiến sa lầy tại Iraq và Afghanistan cũng như sự đi xuống của nền kinh tế Mỹ. Còn phe Dân chủ, sau khi giành quyền kiểm soát ở cả hai hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2006, đặt quyết tâm đưa người họ của vào Phòng Bầu dục và chấm dứt một thập kỷ cầm quyền của đảng Cộng hòa. 

 

Chặng đường đua trong nội bộ đảng Dân chủ được chú ý nhiều hơn khi đảng này nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống chính thức. Nổi lên trong số các ứng cử viên của phe này là Thượng nghị sĩ New York, bà Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ bang Illinois Barack Obama. Trong nửa đầu tháng 1, các cuộc bỏ phiếu sơ bộ trong nội bộ đảng Dân chủ và Cộng hoà để chọn ứng cử viên chính thức đã diễn ra tại 2 bang đầu tiên là Iowa và New Hamsphire nhưng không một ứng cử viên nào giành chiến thắng tại cả 2 bang. Bà Clinton chỉ về thứ ba tại Iowa nhưng sau đó đã bứt phá và trở lại ngoạn mục trong cuộc đua ở New Hamsphire mặc dù ông Obama, người giành chiến thắng tại Iowa, có tỉ lệ ủng hộ cao hơn nhiều trong các cuộc thăm dò dư luận trước đó. Kết quả này cho thấy, quá trình chọn lựa ứng cử viên cử trong nội bộ đảng Dân chủ sẽ là cuộc đua gam go và cũng hứa hẹn những bất ngờ vào phút chót. 

 

Nước Nga không Putin? 

 

Một cuộc bầu cử đáng chú ý nữa có ảnh hưởng lớn tới nền chính trị và an ninh thế giới không thể không kể đến cuộc bầu cử tổng thống Nga, dự kiến diễn ra vào tháng 3.

 

Không giống như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ luôn bất ngờ vào giờ phút, chặng đua tại Nga đã được dự báo với phần thắng gần như chắc chắn thuộc về Phó thủ tướng thứ nhất Dmitry Medvedev, “ngôi sao mới nổi” được Tổng thống Putin tuyên bố ủng hộ.  

 

Phó thủ tướng thứ nhất Dmitry Medvedev, một đồng minh thân cận của ông Putin, là người có chủ trương phát triển kinh tế, tăng cường hội nhập và có quan điểm ôn hoà với giới doanh nghiệp. Điều này được cho là rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga khi tạo ra sự tin tưởng cho các nhà đầu tư về một chính sách kinh tế ổn định. Ông Medvedev cũng đã tuyên bố sẽ lãnh đạo nước Nga tiếp tục đi theo đường lối mà ông Putin đã thực hiện trong suốt 8 năm cầm quyền vì đường lối đó đã được đại đa số người Nga tín nhiệm thông qua chiến thắng áp đảo của đảng Nước Nga Thống Nhất trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia ngày 2/12. 

 

Như vậy, con đường tương lai của Phó thủ tướng thứ nhất Dmitry Medvedev dường như đã rõ. Tuy nhiên, còn một nhân vật khác của nước Nga khiến cử tri trong nước và thế giới quan tâm, đó chính là Tổng thống Putin - nhà lãnh đạo được đông đảo người dân yêu mến. Ông sẽ rời bỏ chính trường sau khi mãn nhiệm? Câu trả lời, cho tới thời điểm này, chắc chắn là không. Ông Medvedev đã mời Putin đảm nhiệm cương vị thủ tướng nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống và đề xuất đã được Putin chấp thuận. Kịch bản này cũng nhận được sự ủng hộ của phần đông cử tri Nga bởi ông Putin coi cuộc bầu cử hôm 2/12 là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và chiến thắng áp đảo của đảng Nước Nga Thống nhất cho phép ông duy trì quyền lực. Việc ông Putin sẵn sàng đảm đương trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ sẽ giúp Nga tiếp tục con đường trở lại là một cường quốc của thế giới. Người dân Nga tin tưởng và hi vọng kịch bản “Tổng thống Medvedev-Thủ tướng Putin” sẽ vận hành ăn ý trong tương lai. 

 

Các mối đe dọa khủng bố 

 

Năm 2007, thế giới đã đạt được những thành công nhất định trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố kể từ sau thảm kịch kinh hoàng11/9 cách đây 7 năm. Mỹ đã phá vỡ một âm mưu khủng bố định cho nổ tung phi trường quốc tế John F. Kennedy ở New York trong khi cảnh sát Anh đã triệt phá thành công một âm mưu khủng bố lớn tại London hay thành công của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ trong việc chặn đứng một âm mưu đánh bom tại thủ đô Ankara đúng dịp kỷ niệm 6 năm sự kiện nước Mỹ bị tấn công… Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là thế giới sẽ trở nên an toàn hơn trong năm 2008 hay vẫn đang phải đối mặt với một hiểm họa khủng bố dai dẳng và biến hóa, đặc biệt từ al-Qaeda? 

 

Sau những địa bàn hoạt động thường xuyên của mạng lưới khủng bố quốc tế như Iraq, Pakistan, nhiều khu vực khác được nhận định là đang nằm trong tầm ngắm, đặc biệt những nước đồng minh Ảrập của Mỹ tại vùng Vịnh. Năm 2007, các nhà chức trách Ảrập Xêút đã tuyên bố bắt được hàng trăm đối tượng bị tình nghi là thành viên al-Qaeda. Dubai, với những toà nhà chọc trời của thế giới, rất có nguy cơ trở thành mục tiêu. Quốc gia nhiều dầu mỏ này mới đây đã lắp đặt một hệ thống chống khủng bố và an ninh toàn diện nhằm bảo vệ mình trước các cuộc tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra trong khu vực thời gian qua. 

 

Ngày 6/1/2008, mạng lưới truyền thông al-Sahab của al-Qaeda đã phát đoạn video đầu tiên đầu tiên trong năm mới với những lời đe doạ dùng bom để chào đón Tổng thống Bush khi ông chủ Nhà Trắng có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Đông và khu Bờ Tây. Năm 2007, al-Sahab đã tăng cường phát đi các thông điệp âm thanh lẫn hình ảnh và nhánh truyền thông này được đự đoán là sẽ còn tích cực tuyên truyền chống phương Tây và các đồng minh. Điều này cho thấy, năm 2008 có thể tiếp tục là năm thế giới phải đối mặt với những nguy cơ tấn công khủng bố mới tại bất cứ đâu. 

 

B.T

Tổng hợp