1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đột nhập “công xưởng giặt tay lớn nhất thế giới”

(Dân trí) - Tất cả mọi thứ có thể may mặc, như quần, áo sơ mi, khăn, ga, vỏ gối, đồ lót và thậm chí là đồng phục được giặt tại đây, nhưng không phải bằng máy, mà bằng sức người.

 

Đột nhập “công xưởng giặt tay lớn nhất thế giới” ở Ấn Độ

 

Trong chiếc quần soóc và áo ba lỗ, Surajbali Kanaugia đứng trong bể giặt bê tông kích thước 2x2m với màu nước xám đục. Anh đập đi đập lại một miếng vải vào phiến đá cho đến khi khô sạch nước. “Vào ngày đẹp trời, tôi có thể giặt được 100 chiếc, nhưng vào những ngày kém may mắn hơn thì số lượng ít hơn”, anh cho biết. “Đầu tiên tôi làm mềm vải bằng xà bông và chà bằng bàn chải. Sau đó tôi đập vải lên phiến đá cho đến khi mọi vết bẩn đều được tẩy sạch, rồi mang vải đi phơi.”

 

Người đàn ông 36 tuổi đã làm ở cơ sở giặt ngoài trời tại Mumbai này từ năm 13 tuổi, tức đã được gần 1/4 thế kỷ. Hàng ngày anh dậy từ 4h30 sáng và làm việc đến 7h tối, tức 14 tiếng một ngày, và 7 ngày một tuần.
 
 
Đột nhập “công xưởng giặt tay lớn nhất thế giới” ở Ấn Độ
 

Giống như những người thợ giặt khác ở Dhobi Ghat (tiếng Hindu có nghĩa là nơi giặt), Kanaugia xuất thân từ bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Hơn 5.000 người đàn ông làm việc ở đây bên 826 bồn giặt, để phục vụ cho các khách sạn, nhà hàng, bệnh viện và cả nhà dân. Khách hàng trả 4 xu cho một vật được giặt và 2 xu cho vỏ gối.

 

Mặc dù có điện ở Dhobi Ghat, nhưng phụ nữ ở đây vẫn là quần áo bằng bàn là than và chỉ có vài cái máy sấy điện. “Chúng tôi chủ yếu dùng chúng trong mùa mưa, giữa tháng 6 và 9”, Kanaugia cho hay.

 

Ở Mumbai có muôn vàn sự đối lập khiến người ta phải “thất kinh”. Một bên là một Ấn Độ hiện đại, giàu có, với một bên là nghèo đói đến thê thảm. Hàng triệu người tìm kiếm việc làm từ khắp nơi ở Ấn Độ đổ về thành phố Mumbai. Hầu hết họ là những người nghèo khổ. Trong khi ở Marine Drive gần đó, hàng chục tòa nhà chọc trời mọc lên lấp lánh như những chiếc gương dưới ánh sáng mặt trời. Xa hơn nữa vài km  là Bandra và Bollywood rực rỡ.

 

Cách không xa đại công xưởng giặt tay Dhobi Ghat là Antilia, ngôi nhà lớn nhất và đắt nhất trên thế giới. Ngôi nhà là của ông trùm kinh doanh Ấn Độ Mukesh Ambani, chủ tịch Reliance Industries Limited. Ngôi nhà có giá ước tính 50-70 triệu USD.
 

 

Đột nhập “công xưởng giặt tay lớn nhất thế giới” ở Ấn Độ

 
Xã hội Ấn Độ đang thay đổi rất nhanh vì vậy mà sự phân tầng cũng trở nên ngày một lớn. Hệ thống giai tầng vẫn quyết định việc lựa chọn bạn đời và loại công việc của nhiều triệu người Ấn Độ, trong đó có Kanaugia. Anh thuộc về Dhobi, thợ giặt. Giống như hầu hết những người làm ở xưởng giặt tay này, anh sống ở một khu ổ chuột gần đó, chung tiền phòng với 15 người khác hoặc hơn.

 

Trong những giờ đầu buổi sáng, thợ giặt cầu nguyện ở ngôi đền được trang trí tềnh toàng gần xưởng giặt. Sau khi uống một chén trà và một ít cháo dal (gồm đậu và gạo), họ tới nơi làm việc.

 

Các bồn giặt họ làm việc thuộc về thành phố và phải thuê. “Giá thuê là 300 rupee/tháng”, Kanaugia cho biết, tương đương với 5,6USD. “Tôi kiếm được bao nhiêu phụ thuộc vào việc tôi giặt được bao nhiêu. Bình thường tôi kiếm được khoảng 10.00 rupee một tháng”. Khoản đó tương đương với 186 USD.

 

Ở đại thành phố Mumbai, nơi giá thuê thuộc vào hàng tăng nhanh nhất thế giới, nhưng thù lao lại rẻ mạt. Trong khi đó, điều kiện làm việc lại khắc nghiệt. Giống như hầu hết những đồng nghiệp khác,  Kanaugia không có bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế, mặc dù anh cũng bị thương, bị bỏng axit ở tay và chân do dùng hóa chất để tẩy giặt quần áo.

 

Người ở xưởng giặt mù mịt về tương lai của họ. Nhiều người chấp nhận sự thật họ không có đường thoát nào khác. “Tôi không được học hành. Đó là lý do vì sao tôi sẽ làm thợ giặt suốt cả cuộc đời, giống như ông và cha tôi”, Kanaugia nói. Nhưng anh cảm thấy hài lòng vì những gì mình có vì cho rằng tình cảnh của anh còn có thể tồi tệ hơn thế này rất nhiều. “Tôi ít nhất cũng có một ít tiền mua thức ăn và có một mái nhà che trên đầu. Nhiều người khác trong thành phố không có.”
 
Xem video:
 
 

 

Vũ Quý

Theo Social Reader, BBC