1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Động thái "đa phương", "song phương" của Indonesia và Campuchia

Ngày 24-4, Hãng AFP dẫn lời người phát ngôn Hải quân Indonesia Edi Sucipto cho biết, Lực lượng chống đánh bắt cá bất hợp pháp Indonesia (Satgas 115) đã bắt giữ tàu cá Hoa Lợi 8 của Trung Quốc.

Tàu này bị nghi ngờ hoạt động trái phép trong lãnh hải Indonesia, và đang bị Interpol truy nã ở Argentina. Ông Mas Achmad Santosa, thành viên Satgas 115 cho biết, họ sẽ thu thập chứng cứ để điều tra con tàu này. Theo trang Okezone.com, có khoảng 25 người Trung Quốc và 4 người Indonesia trên tàu Hoa Lợi 8. Và việc này diễn ra chỉ vài tuần sau vụ đối đầu giữa tàu của hai nước khiến quan hệ song phương căng thẳng.

Trước đó (8-4), Indonesia từng hạ thủy 4 tàu kiểm ngư (lớn nhất nước này) để bảo vệ vùng biển và mạnh tay với những kẻ đánh cá bất hợp pháp. Theo kế hoạch, 4 con tàu kể trên sẽ hoạt động ở vùng biển Arafuru giữa Papua New Guinea và Australia, dọc theo vùng biển ngoài khơi Sulawesi và quần đảo Nantuna, nơi xảy ra nhiều vụ đối đầu giữa tàu cá của Indonesia và Trung Quốc.

Theo tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti, Jakarta muốn bảo vệ chủ quyền, do đó mọi tàu thuyền vi phạm lãnh hải sẽ bị xử lý theo luật pháp nước này, bất kể tàu thuyền đó thuộc quốc gia nào.

Phó Thủ tướng Malaysia Zahid Hamidi
Phó Thủ tướng Malaysia Zahid Hamidi

Trước đó, Hãng RIA Novosti cho biết, Indonesia quyết định mua 18 chiến đấu cơ đa nhiệm Su-35 của Nga. Ngoài ra, Nga cũng bắt đầu hội đàm sơ bộ với Indonesia về việc vận chuyển tàu ngầm lớp Project 636 Varshavyanka chạy bằng điện diesel về nước này. Ngày 21-4, Indonesia thông báo, sẽ tổ chức một cuộc họp với Philippines và Malaysia vào tháng tới để thảo luận về an ninh hàng hải ở khu vực.

Trước đó (từ 12 đến 16-4), cuộc diễn tập Hải quân đa phương Komodo 2016 đã diễn ra tại thành phố Padang của Indonesia (với sự tham dự của 30 quốc gia thuộc Châu Á - Thái Bình Dương), với sự tham dự của Tổng thống Joko Widodo cùng nhiều thành viên Chính phủ Indonesia.

Theo giới truyền thông, Indonesia có kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự tại quần đảo Natuna, nơi Trung Quốc đang dòm ngó. Theo đó, không quân Indonesia sẽ bố trí lực lượng đặc nhiệm tại quần đảo Natuna và lực lượng này được trang bị hệ thống phòng không Oerlikon Skysheld do Đức chế tạo. Ngoài ra, Indonesia sẽ xây dựng thêm các nhà chứa máy bay tại Natuna cho các chiến đấu cơ mà nước này đang có kế hoạch nhập khẩu.

Theo Hãng Sputnik, Indonesia đang có kế hoạch triển khai tên lửa đối không Oerlikon Skyshield ở quần đảo Natuna trên Biển Đông. Bởi hồi tháng 3, tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển của Indonesia và đụng độ với tàu của nước chủ nhà. Và sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng biển, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu khẳng định, Jakarta sẽ triển khai 5 chiến đấu cơ F-16, lực lượng thủy quân lục chiến, đặc nhiệm không quân, 3 tàu hộ tống, 1 đơn vị pháo binh, hệ thống radar và máy bay không người lái.

Theo nhận định của Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, động thái của Indonesia không gây đe dọa, nhưng đây được coi là tín hiệu chính trị, thể hiện quyết tâm của Indonesia trong việc bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Natuna. Trong khi đó, Giáo sư Richard Javad Heydarian, chuyên gia về Biển Đông tại Đại học La Salle, Philippines cho rằng, các nước ASEAN đang tăng cường phòng thủ khi Trung Quốc liên tục xâm nhập ngư trường của họ.

Theo tờ Asia Nikkei Review, để đề phòng trước mưu đồ bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là sau sự cố với tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc, Indonesia quyết định tăng gấp đôi số lính tại quần đảo Natuna lên thành 2.000 binh sĩ. Trong khi đó, Tạp chí Quốc phòng IHS Jane’s cho biết, Indonesia đã bắt đầu phản ứng một cách dứt khoát hơn sau khi bị Bắc Kinh công khai khiêu khích ngoài khơi quần đảo Natuna.

Ngày 23-4, tờ Cambodia Daily cho biết, sau khi tới Phnom Penh (22-4), Ngoại trưởng Vương Nghị đã yết kiến Quốc vương Norodom Sihamoni, gặp Thủ tướng Hun Sen, Phó thủ tướng Hor Namhong và hội đàm với Ngoại trưởng Phrak Sokhon. Tân Ngoại trưởng Prak Sokhon cho biết, quan điểm của Phnom Penh trong tranh chấp Biển Đông vẫn là trung lập và luôn kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp thông qua giải pháp hòa bình.

Còn theo Hãng Nikkei, tại cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Vương Nghị đã ca ngợi Campuchia vì “luôn đứng bên cạnh, hiểu và ủng hộ” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, Tân Hoa xã dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, Bắc Kinh và Phnom Penh đạt được đồng thuận về Biển Đông - ủng hộ giải quyết trực tiếp thông qua đối thoại và tham vấn lẫn nhau! Trung Quốc chỉ chấp nhận giải quyết song phương trong tranh chấp Biển Đông và không công nhận vụ kiện mà Philippines đang theo đuổi tại Tòa trọng tài thường trực Liên Hiệp Quốc (PCA).

Được biết, trước khi bước vào hội đàm chính thức tại trụ sở Bộ Ngoại giao Campuchia, ông Prak Sokhon và ông Vương Nghị đã gặp riêng gần 60 phút. Ông Vương Nghị nhấn mạnh, Trung Quốc tiếp tục củng cố sự hợp tác với Campuchia trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa và nhiều lĩnh vực khác...

Ngày 21-4, tại thủ đô Phnom Penh, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Campuchia, Đại tướng Neang Phat và Phó Trợ lý Bộ Quốc phòng Mỹ chuyên trách về Đông Nam Á, Tiến sĩ Amy Searight đã thảo luận về vấn đề bảo đảm an ninh nói chung. Bà Amy Searight đến Phnom Penh ngày 21-4 và diễn ra chỉ một ngày trước khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Campuchia để thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có Biển Đông.

Ngày 19-4, khi phát biểu tại phiên bế mạc “Diễn đàn Putraya 2016”, Phó thủ tướng Malaysia Zahid Hamidi tuyên bố, nước này luôn ủng hộ và đề cao tầm quan trọng của việc giải quyết đa phương và hợp tác khu vực, đặc biệt là trong các nước ASEAN. Đồng thời nhấn mạnh, không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết các mối đe dọa phức tạp và đầy biến động hiện nay, do đó phải có sự phối hợp hành động của tất cả các nước ASEAN.

Theo

PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm